Bác Hồ nghe thơ “Đêm nay Bác không ngủ”

02/10/2011 16:59

(Baonghean) - Ông Vũ Kỳ, thư ký và là người có nhiều thời gian gần gũi Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể lại với nhà thơ Minh Huệ (1927-2003) một mẩu chuyện thú vị.

Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” vừa ra đời vào năm 1951 đã được phổ biến rộng rãi qua báo, đài; các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ yêu thích đến thuộc lòng và truyền tụng bài thơ như một câu chuyện kháng chiến cảm động và có thật… Sau chiến thắng Điện Biên, Bác cùng các đồng chí, chiến sĩ, đồng bào trở lại tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Vào một hôm, trong Phủ Chủ tịch, khoảng 7 giờ tối, thư ký lên nhà sàn xin gặp Bác. Theo thói quen, ông Vũ Kỳ thận trọng bỏ đôi guốc mộc lại, bước nhẹ lên thang gác để khỏi làm ảnh hưởng đến Người. Vừa bước đến cửa cũng là lúc chiếc đài bán dẫn trên bàn làm việc của Bác phát đi bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”. Ông Vũ Kỳ liền đứng lặng, muốn theo dõi nét mặt, cử chỉ của Bác lúc này ra sao? Là một người khiêm tốn, tế nhị nên rất hiếm khi Bác Hồ nhận xét cụ thể những tác phẩm viết về mình… Nhưng, biết đâu lần này sẽ có điều gì khác lạ chăng?

Bác chăm chú nghe, thỉnh thoảng lại nở một nụ cười. Có cảm giác, Người đang cảm thông , thấu hiểu và chia sẻ với hiện thực kháng chiến vô cùng ác liệt, sống động phản ánh một phần qua bài thơ mà Bác cũng là một nhân vật văn học? Cũng có thể Bác đang cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ phần nào với tấm lòng thành kính và ý tưởng nghệ thuật của một nhà thơ đi theo kháng chiến?!

Lời thơ ngâm vừa dứt, một phút sau làm như không hay biết gì, ông Vũ Kỳ mới gõ cửa xin Bác cho vào gặp. Lúc ấy, chỉ thấy nét mặt Người vui vui… còn tuyệt nhiên Bác không nhận xét một lời nào về bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” vừa được ngâm trên Đài Phát thanh.


Nhà thơ Minh Huệ


Minh Huệ còn được ông Vũ Kỳ “tiết lộ” thêm chi tiết này: Một lần khác sau đó, khi chiếc đài bán dẫn trên bàn làm việc vừa giới thiệu tên bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, Bác Hồ liền vặn cho tiếng đài thật nhỏ lại…

Điều đó, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi nghĩ cũng dễ hiểu. Người tỏ ý không muốn nghe nhiều lần một tác phẩm ca ngợi mình, cho dù tác phẩm ấy chân thật đi nữa. Sau này, nhân bàn về cuốn sách phê bình của Trần Đăng Khoa, nhà thơ Tố Hữu có đoạn viết: “Về văn chương nghệ thuật, Bác Hồ rất thận trọng. Nhiều lần được hỏi về tác phẩm này tác phẩm khác, Bác chỉ nói, đại ý, cần đi hỏi quần chúng xem?”. Còn với Minh Huệ - lúc kể xong câu chuyện này ông Vũ Kỳ âu yếm nhìn nhà thơ và kết thúc: Chỉ với nụ cười và nét mặt vui vui của Bác, cũng đủ là phần thưởng vô giá cho một đời cầm bút rồi!

Kim Hùng