Mong mỏi ngày trở về

26/08/2011 16:00

Nhiều thanh niên ở những vùng nông thôn theo nhau bỏ làng, bỏ xứ ra đi với khát vọng làm giàu, thoát khỏi cảnh bần nông sớm nắng chiều mưa. Nhưng rồi, cuộc sống khắc nghiệt nơi đất khách quê người khiến họ muốn quay về nơi chôn rau cắt rốn làm lại từ đầu. Gặp và lắng nghe họ nói mới thấu hết nỗi khó khăn của cảnh xa xứ và niềm mong mỏi được trở về quê hương. Tuy nhiên, ngày trở về ấy còn lắm chông gai...

Nhiều thanh niên ở những vùng nông thôn theo nhau bỏ làng, bỏ xứ ra đi với khát vọng làm giàu, thoát khỏi cảnh bần nông sớm nắng chiều mưa. Nhưng rồi, cuộc sống khắc nghiệt nơi đất khách quê người khiến họ muốn quay về nơi chôn rau cắt rốn làm lại từ đầu. Gặp và lắng nghe họ nói mới thấu hết nỗi khó khăn của cảnh xa xứ và niềm mong mỏi được trở về quê hương. Tuy nhiên, ngày trở về ấy còn lắm chông gai...

Vỡ mộng đổi đời


Trong những năm gần đây, nhiều người đã không còn xa lạ trước cảnh từng đoàn người rồng rắn, dắt díu nhau đón xe vào miền Nam mỗi độ ra tết. Họ ra đi mang theo những ước mơ, hoài bão về một miền đất hứa đầy tươi sáng. Tuy nhiên, cuộc sống xa quê với bao khổ ải đã vô tình đánh vỡ bao nhiêu giấc mộng đổi đời. Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng thanh niên vào Nam mưu sinh nhiều nhất các tỉnh Bắc Trung bộ. Cũng vì lẽ đó, làng quê xứ Nghệ vắng bóng thanh niên, chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.


Tôi có dịp gặp lại lứa thanh niên cùng xóm đang làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai trong dịp vào đám cưới người anh con bác. Mạnh Trọng Thái (quê ở xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên), là người bạn thân từ thưở chăn trâu, tắm sông. Hơn 3 năm vào Nam làm công nhân, Thái thay đổi đến bất ngờ khiến tôi phải mất một hồi lâu mới nhận ra. Nước da Thái ngăm đen, thân hình gầy nhom, đôi mắt trũng sâu vì mất ngủ. Gặp lại bạn, Thái hỏi dồn dập tình hình ở quê làm tôi không kịp trả lời. Thái bảo: "Mi thông cảm, 3 năm rồi tau không về quê được nên nhớ nhà kinh khủng. Tết vừa rồi, định về quê thăm bố mẹ nhưng xoay không ra tiền nên đành thôi. Một lần về tốn hơn 5 triệu đồng thì lấy mô ra". Rồi Thái nhẩm tính các khoản cho tôi biết, nào là: Tiền vé xe đi về, tiền quà cáp, tiền sắm sửa tết cho bố mẹ, tiền mừng tuổi cho các em, các cháu... đó là một số tiền lớn đối với những người làm công nhân.



Cứ độ ra Tết, nhiều thanh niên bỏ xứ, bỏ làng vào miền Nam kiếm sống mong được đổi đời.
Dù xa quê đã lâu nhưng đến giờ, gia tài tích góp được của Thái chỉ là con xe Wave tàu và chiếc ti vi mua rẻ của người bạn thân. Thái cho biết hầu hết thanh niên từ quê vào đây đang có mức "giàu" bằng cậu. Một số người có "thâm niên" xa xứ, tích góp mãi mới mua được một mảnh đất mà theo như Thái nói là "đi vô là không biết đường đi ra". Nhưng cũng phải vay ngược, vay xuôi mãi mới mua được.

Đến nay, đã hơn 2, 3 năm nhưng chưa có điều kiện xây nhà, cỏ mọc um tùm. Căn phòng Thái ở chỉ rộng hơn 10m2, tối dựng chiếc xe máy, trải chiếc chiếu làm giường không còn lối đi. "Ở mãi rồi cũng quen. Mà trong này, chỗ nào chẳng vậy. Ngày đi làm về, tối gọi mấy đứa bạn thân đến quán uống cafe, hay cốc bia rồi về ngủ. Phòng trọ chỉ là để ngủ thì cần chi cho rộng", Thái nhìn tôi cười rồi lấp liếm.

Nghe bạn kể mà thấy chua xót cho những lứa thanh niên có chí hướng như Thái. Ngày xưa ở nhà, Thái thuộc vào hàng học khá nhất nhì xóm nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên Thái đành "theo gót" anh trai vào Nam. Những dự định đành gác lại, cậu dồn lực cho việc kiếm tiền, mưu sinh. Nhìn cảnh Thái sống và làm việc nơi đất khách quê người không biết ngày mai ra sao, tôi thấy lo lắng. Biết suy nghĩ của tôi, Thái trấn an: "Vào đây làm việc khổ cực nhưng còn đỡ vất vả hơn ở quê. Nếu ở nhà, quanh năm làm ruộng lấy đâu ra tiền mà chi tiêu, sinh hoạt rồi lấy vợ, xây nhà. Hơn nữa, nhiều người có hoàn cảnh như mình nên cũng đỡ tủi thân. Bây giờ nếu quay về quê, có thể còn khổ hơn...".


Thái chỉ tay về phía một người thanh niên có nước da trắng xanh rồi nói: "Anh đó còn khổ hơn tau nhiều. Vào đây gần 5 năm, lấy vợ, 3 năm sinh ra 2 đứa con gái, làm cả ngày cả đêm mà không đủ ăn". Người thanh niên ấy là Phan Huy Tiến (quê ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương). Tôi lại gần anh, bắt chuyện. Hiện tại, anh Tiến đang làm công nhân cho một công ty điện tử của nước ngoài. Mỗi tháng thu nhập của anh được gần 4 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của vợ, cũng xấp xỉ 7 triệu đồng. Nhưng chi phí tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, tiền sữa, tiền học hành cho 2 đứa con đã ngốn gần hết lương của anh chị.



Hầu hết, lao động ở xa quê
thường phải trú ngụ trong những khu nhà trọ chật chội.

Không chỉ riêng anh Tiến mà còn nhiều người đang rơi vào "thế khó" như vậy. Do chi phí sinh hoạt quá đắt đỏ, nhiều người phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm, tăng ca, làm thêm nghề khác mới mong ổn định được cuộc sống. Trong cái khó đó, nhiều thanh niên trai gái đã bén duyên nhằm chia sẻ, nương tựa lẫn nhau. Những đám cưới vội vã rồi dắt díu nhau về ở trong căn phòng trọ chật chội, những đứa con được sinh ra trong cái khó, cái túng. Không kham nổi việc nuôi con nhỏ, nhiều người đành gửi con về cho ông bà ở quê, mỗi tháng gửi ít tiền về. "Bây giờ, chỉ biết làm sao kiếm cho được nhiều tiền mà lo cho vợ, cho con thôi chứ không dám mong ước chi xa xôi cả. Bố mẹ ở nhà cũng biết tình hình trong này của mình nên không đòi hỏi gì", anh Tiến buồn bã nói.

Không mong mỏi một chút tươi sáng cho tương lai ở miền đất hứa, nhưng năm nào, người ra đi vẫn nhiều hơn người quay về. Năm nay, em gái của Thái vừa tốt nghiệp cấp 3, dự định sẽ "nối gót" 2 người anh vào Nam kiếm sống. Thái cho biết: "Dù ở quê có nhận thêm ruộng, có trồng thêm rau thì cũng chỉ đủ ăn, cả năm không dám tiêu pha hay sắm sửa chi. Mình cho em gái vào đây là muốn có anh, có em cho vui. Hơn nữa, có nó thì mình cũng đỡ đi nhiều, ăn uống có người chăm lo nên chắc cũng đỡ tốn kém hơn".


Gian nan đường về


Nhiều người không chịu được cảnh làm quần quật cả ngày, cả đêm mà không đổi đời đã có ý định quay trở về quê, làm lại từ đầu. Anh Phạm Văn Công (quê ở xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên) tâm sự: Chuyện quay về quê anh đã từng nghĩ đến nhưng chỉ dừng lại ở nghĩ mà thôi. Nhà anh làm hơn 3 sào lúa với hơn 1 sào màu. Ngoài thời gian mùa vụ, cả nhà không biết làm gì để tăng thêm thu nhập. Tổng thu nhập từ chừng ấy đất cũng chỉ bằng hơn 1 tháng lương trong này của anh. Rồi đến tuổi cũng phải tính chuyện lấy vợ, xây nhà, có con thì lo ăn học cho con. "Cũng tính về Vinh làm công nhân nhưng nghe kể thu nhập ở ngoài đó thấp lắm, chừng hơn 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Mà muốn xin vào các công ty đó cũng khó, không có dễ như trong này. Mình thì không có bằng cấp gì, làm công nhân ở đây thu nhập còn cao hơn ngoài Vinh", anh Công nói.



Những bữa cơm vội để kịp giờ tăng ca là những gói mì tôm.

Sao không về quê xin đi học cái nghề gì đó rồi kiếm việc mà làm ăn?, tôi hỏi anh. Anh Công chép miệng: Có đi học nghề, đạt được chứng chỉ hay bằng trung cấp nghề thì cũng phải vào đây xin việc làm. Hơn nữa, anh đã xa quê được hơn 10 năm nên bây giờ rất sợ khi về làm lại từ đầu. Đang nói chuyện với anh Công, anh Tiến vội chen ngang: "Mấy năm trước, anh có về quê xin việc nhưng không chỗ nào nhận nên tiếp tục quay vào Nam. Ở đây khổ quá, bây giờ đã có gia đình nên anh đang tính đưa vợ và con về hẳn nhưng không biết về thì làm gì đây nữa. Quê anh chưa có nghề phụ, đất sản xuất thì hạn hẹp, vốn không có nên đang cân nhắc có nên về hay không ?".


Đám cưới xong, tôi tranh thủ gặp thêm mấy người anh cùng xóm đang làm công nhân ở Đồng Nai. Gặp anh Phan Văn Lâm (xã Hưng Khánh, Hưng Nguyên) trong một quán cafe cóc. Anh kể với tôi, sắp tới anh sẽ về quê, nhưng không phải về để đi học nghề hay xin vào một công ty nào đó mà về.. đi xuất khẩu lao động. Tôi hỏi anh, đi vậy nhà anh lấy tiền đâu? Anh nhìn tôi cười rồi phân trần: "Bố anh đã cắm sổ đỏ để vay ngân hàng một ít tiền, rồi vay thêm các cô, các chú để cố gắng mà đi. Chứ ở đây làm công nhân biết khi mô cho đủ tiền lấy vợ, xây nhà". Nghĩ đi nghĩ lại, cái suy nghĩ có phần "mạo hiểm" của anh cũng có cái lý. Tôi nói "mạo hiểm" là vì bây giờ đâu phải cứ đi xuất khẩu lao động là giàu, là đổi đời. Có nhiều người đi mấy năm, gặp chuyện này, chuyện nọ rồi đành về tay trắng. Đã thế, nợ ngân hàng chưa trả hết, món nợ cứ dày lên, lại thêm khổ. Anh kể chuyện của Sơn (quê ở Hoa Thành, Yên Thành), vốn là bạn cùng phòng trọ với anh. Sau nhiều năm làm công nhân, anh Sơn quyết tâm quay về quê. Với vốn liếng được hơn chục triệu sau mấy năm tích góp, anh Sơn vay mượn thêm rồi đầu tư mua chiếc máy xay lúa. Đến nay, tuy thu nhập chưa cao nhưng được gần nhà, gần bố mẹ nên cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Nhiều người đã từng nghĩ phải về quê, phải làm lại từ đầu mới mong đổi đời. Nhưng số người dám mạnh dạn, dám thay đổi như anh Sơn không phải là nhiều. Ở gần phòng trọ của Thái, tôi bắt gặp rất nhiều người Nghệ An. Họ đến từ nhiều huyện, nhiều vùng quê khác nhau nhưng cái chung nhất là cùng một cái khó. Những bữa cơm đạm bạc, những giấc ngủ "lỗi nhịp" vì phải làm theo ca, trăm thứ lo đổ dồn lên đầu khiến ai cũng ưu tư, già trước tuổi. Trước khi lên xe về quê, tôi định gặp Thái nhưng do Thái tăng ca nên chúng tôi chỉ chào nhau qua điện thoại. Tôi báo tin cho Thái biết rằng, hiện tại tỉnh ta đang thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" của Chính phủ đề ra. Tôi khuyên Thái nên về quê, xin đi học một nghề gì đó, rồi vay vốn mà làm ăn. Ban đầu thì còn khó khăn nhưng chỉ cần quyết tâm, kiên trì rồi kinh tế sẽ ổn định, đời sống sẽ khá hơn. Thái cảm ơn tôi rồi ậm ừ.

Tôi lên xe mà lòng đầy tâm trạng: Rồi đây, những đứa con xứ Nghệ kia có mạnh dạn quay về quê cha, đất tổ để làm lại từ đầu, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương hay không? Và hơn hết, ai sẽ "mở lối" cho họ?.


Phạm Bằng