Trưởng bản trẻ năng động

26/08/2011 16:14

Tích cực vận động thanh niên dân bản tránh xa tệ nạn xã hội, giúp người dân biết trồng cây lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm... bà con ai cũng quý mến Vi Văn Thứ. Trưởng bản Hủa Mương, xã Hạnh Dịch (Quế Phong).

Sinh năm 1979, học hết phổ thông, nhà nghèo lại đông anh em, Vi Văn Thứ ở lại bản lập nghiệp. Vốn là người được học cái chữ nên ngay từ lúc chưa lập gia đình, Thứ đã được đoàn viên Hủa Mương tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi đoàn. Năm 2002, sau khi xây dựng gia đình, Thứ bàn với vợ làm kinh tế trang trại ngay trên chính mảnh đất của quê mình. Ban đầu, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 2 con trâu về làm giống sinh sản; nhận khoán gần chục héc ta đất rừng trồng cây mét, măng và khoanh nuôi làm nơi chăn thả gia súc.

Những kiến thức khoa học kỹ thuật, về sản xuất, chăn nuôi học được qua sách báo, anh đều tận tình chỉ bảo cho bà con. Từ việc nuôi trâu bò để lấy sức cày, sức kéo, đến cách bố trí chuồng trại tránh gió, tránh rét, Thứ đều thuộc như lòng bàn tay. Trang trại của anh trở thành nơi để bà con dân bản đến tham quan, học tập. Sớm nhận thức được địa bàn phức tạp của một bản giáp biên giới, ngay từ ngày còn "cầm cương" tổ chức chi đoàn, Thứ đã tích cực tuyên truyền cho thanh niên, bà con trong bản biết được tác hại của cái xấu, không cho hủ tục lạc hậu xâm nhập. Năm 2010, Vi Văn Thứđược mọi người tin tưởng bầu làm trưởng bản Hủa Mương.


Với vai trò là trưởng bản, Thứ vận động bà con khai hoang lúa nước, di dời gia súc khỏi gầm nhà sàn, chăn nuôi theo hướng tập trung. Hiện toàn bản Hủa Mương khai hoang được 15 ha lúa nước, nhiều hộ gia đình nuôi bò, lợn theo đàn, 21 hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá.


Anh còn tích cực vận động bà con dân bản giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chị Vi Thị Xuân, tâm sự: "Trưởng bản mình tốt cái bụng lắm. Nhà ta mấy năm trước còn đói ăn khi chưa đến mùa trăng, Thứ đã giúp nhà mình có gạo ăn rồi bày cho cách trồng lúa nước. Bây giờ, vợ chồng mình đã quen cái tay chăm làm trên nương, bắt con nước về ruộng lúa rồi. Vụ vừa rồi, thóc nhà mình đã đầy 4 bồ, đủ ăn mấy mùa trăng mà không lo thiếu. Chồng mình đã không phải vào rừng chặt cây lấy gỗ về bán như trước đây. Nay ta còn tranh thủ dệt thổ cẩm để giữ nghề của tổ tiên để lại. Vợ chồng ta cũng nghe theo trưởng bản Thứ dừng lại ở 2 con thôi, đẻ nhiều thì đói lắm".


Không chỉ là người năng nổ trong việc vận động bà con làm kinh tế, mạnh dạn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, Vi Văn Thứ còn "giữ lửa" cho các phong trào văn hóa, văn nghệ của bản làng. Những năm qua, bà con dân bản nơi đây đã rất quen thuộc với hình ảnh Vi Văn Thứ tiên phong trong mỗi phong trào của làng, bản.


Trưởng bản "miệng nói, tay làm" Vi Văn Thứ đã giúp không ít gia đình ở một bản vùng cao biên giới thoát khỏi đói nghèo.


Ngọc Thái