Hiệu quả từ phát triển cụm công nghiệp

02/10/2011 17:01

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN). Nhờ vậy, đã góp phần tích cực trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực sẵn có của địa phương, tạo ra được bước đột phá trong thu hút đầu tư…

(Baonghean) - Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp (CCN). Nhờ vậy, đã góp phần tích cực trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực sẵn có của địa phương, tạo ra được bước đột phá trong thu hút đầu tư…

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 14 CCN đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích quy hoạch là 185,8 ha, trong đó diện tích dành cho công nghiệp 141 ha (chiếm gần 75%). Một điều đáng ghi nhận trong việc phát triển CCN là tổng số vốn đầu tư theo dự án phê duyệt lên đến 544,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì việc thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng CNN đạt kết quả chưa cao. Hiện chỉ có CNN Đông Vĩnh (TP Vinh) là có đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng, còn lại các CCN khác chủ đầu tư là UBND các huyện, thành, thị. Với sự nỗ lực đầu tư của các cấp, ngành, đến nay toàn tỉnh có 6 CCN đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật là CNN Nghi Phú, Đông Vĩnh (TP Vinh), Diễn Hồng (Diễn Châu), Châu Quang (Quỳ Hợp), Thị trấn Đô Lương, Thị trấn Anh Sơn.



Nhà máy chế biến đá trắng xuất khẩu Phủ Quỳ tại TT Quỳ Hợp.



Chế biến đá trắng xuất khẩu tại cụm công nghiệp Quỳ Hợp.

Do làm tốt công tác quy hoạch, nên tại các CCN cơ bản đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp. Phần lớn các vị trí quy hoạch có địa điểm thuận lợi (gần trục đường giao thông, không thuộc đất thổ cư…) nên giúp cho doanh nghiệp rút ngắn được thời gian đầu tư và tiết kiệm chi phí trong việc đền bù GPMB, san lấp mặt bằng. Theo thống kê, vốn đầu tư thực hiện trong lĩnh vực phát triển CCN đạt 226 tỷ đồng (chủ yếu từ nguồn ngân sách cân đối từ nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến khích đầu tư, nguồn đầu tư có mục tiêu của Chính phủ) trong đó hơn 2,3 tỷ đồng thuộc vốn chuẩn bị đầu tư (vốn quy hoạch, lập dự án đầu tư), 18.293 triệu đồng đền bù GPMB, 206 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Như đã nêu ở trên, hiện tại mới chỉ có 1 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng nên thu hút được 3.813 triệu đồng và 7.690 triệu đồng vốn của doanh nghiệp đầu tư trong CNN sau đó được trừ vào tiền thuê đất.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn nhưng thời gian qua có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư 1.913 tỷ đồng để triển khai 113 dự án vào CCN và các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là chế biến khoáng sản, lâm sản, may, dệt kim, gia công cơ khí, tái chế kim loại, tái chế và sản xuất nhựa, sản xuất bao bì… Với con số như vậy , chứng minh rằng các doanh nghiệp đầu tư vào CCN phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, nhưng đã tạo việc làm cho khoảng 4.900 người. Đặc biệt là giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc CNN chiếm khoảng 12% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh.

Để phát triển CCN, các cấp, ngành đang tích cực đầu tư xây dựng 10 CCN với tổng diện tích quy hoạch xây dựng hơn 212 ha tại CCN Hưng Đông (TP Vinh), Đồng Văn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ), Lạc Sơn (Đô Lương), Thị trấn Quỳ Châu, Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), Thạch Giám (Tương Dương), Bồng Khê (Con Cuông), Nam Thái, Đông Mẫn Nam Đàn). Ngoài ra, hiện đã có thêm 7 CCN đã lập quy hoạch chi tiết và được phê duyệt là Đồng Trộ (Nghi Lộc), Đỉnh Sơn (Anh Sơn), Na Khứu (Quế Phong), Hưng Tây 9 (Hưng Nguyên), Thanh Ngọc (Thanh Chương), Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) với tổng diện tích quy hoạch xây dựng hơn 100 ha.

Một điều dễ nhận thấy là phát triển CCN đã tạo ra được bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp- TTCN tại địa phương, khai thác tiềm năng và lợi thế của từng vùng, giải quyết nhiều việc làm cho người dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Hoàng Vĩnh