Ngư dân chưa quan tâm bảo hiểm nghề cá?

12/09/2011 09:26

Tính đến thời điểm này của năm 2011, Quỳnh Lưu mới có 7/2.500 tàu thuyền mua bảo hiểm thân tàu và 936/25.000 lao động được mua bảo hiểm thuyền viên. Tương tự, toàn tỉnh có 4.300 tàu thuyền, trên 50.000 lao động đánh bắt nhưng số tàu tham gia bảo hiểm không đáng kể và chỉ hơn 1.000 người tham gia bảo hiểm thuyền viên.

(Baonghean) - Tính đến thời điểm này của năm 2011, Quỳnh Lưu mới có 7/2.500 tàu thuyền mua bảo hiểm thân tàu và 936/25.000 lao động được mua bảo hiểm thuyền viên. Tương tự, toàn tỉnh có 4.300 tàu thuyền, trên 50.000 lao động đánh bắt nhưng số tàu tham gia bảo hiểm không đáng kể và chỉ hơn 1.000 người tham gia bảo hiểm thuyền viên.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, cung cấp dịch vụ bảo hiểm nghề cá trên địa bàn Nghệ An có Pijico, Bảo Minh... nhưng đơn vị hoạt động có kinh nghiệm và hiệu quả nhất, chiếm trên 95% thị phần là Bảo Việt. Theo quy định của pháp luật, bảo hiểm nghề cá là loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ tàu, gồm bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên. Nếu như bảo hiểm tai nạn thuyền viên 24/24h có mức phí 200 ngàn đồng/người/năm thì bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, mức phí tùy thuộc theo công suất máy và vỏ tàu (là gỗ hay sắt), máy càng nhỏ, thuyền nhỏ (rủi ro cao) nên mức phí lớn và ngược lại. Cụ thể, mức phí hiện nay dao động từ 0,5% đến 4,6% giá trị tàu thuyền tương đương với mức từ 2 triệu đến 10 triệu đồng/năm.

Với mức phí trên, xét thời điểm cụ thể thì không nhỏ so với một ngư dân và loại tàu có công suất trung bình. Tuy nhiên, so với giá trị mỗi con tàu là tài sản, cơ nghiệp hàng tỷ đồng, hơn nữa là tính mạng hàng chục con người đánh bắt hải sản hàng tháng trời, lênh đênh trên biển, đối mặt với nhiều rủi ro thì chưa đáng là bao.


Tham gia bảo hiểm, chủ tàu và các thuyền viên sẽ yên tâm khi đánh bắt trên biển.

Thực tế, có những thời điểm khi cơ chế Nhà nước cho phép, ngoài việc tuyên truyền, phát tài liệu truyền thông đến tận tay, bên bảo hiểm giúp đỡ hướng dẫn rất nhiều thủ tục thì ngư dân mới tham gia, thậm chí có trường hợp đăng ký tham gia, nếu không may có tai nạn rủi ro thì mới nạp phí, còn nếu không thì sau đó không nạp, tìm cớ thoái thác.

Ông Phan Bá Trung, Giám đốc Công ty Bảo Việt - Nghệ An, cho biết: Nghệ An được đánh giá là những địa phương có nhiều tiềm năng về bảo hiểm nghề cá. Ngoài đợt đầu triển khai cho các tàu đánh bắt xa bờ theo dự án của Bộ Thủy sản năm 1997, cuối năm 2008 sau khi có Quyết định 289/QĐ-TTg của Thủ tướng về hỗ trợ giá xăng cho ngư dân trong đó Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho thuyền viên, 50% cho vỏ tàu, có một số được hỗ trợ 100% phí nếu mua mới cả máy và vỏ, Bảo Việt Nghệ An đã triển khai kịp thời cho ngư dân. Thời điểm đó, do sớm nắm bắt được chủ trương của Nhà nước nên ngay khi Quyết định 289/TTg ra đời, Bảo Việt Nghệ An đã hướng dẫn thủ tục cho ngư dân, kết quả có hơn 1.700 tàu thuyền và trên 20.000 thuyền viên tham gia, đạt tỷ lệ gần 100%, cao nhất trong hệ thống Bảo Việt cả nước.

Đây là cơ sở để Bảo Việt Nghệ An tiến hành chi trả bồi thường, hỗ trợ cho 2 trường hợp tàu bị cháy ở Tiến Thuỷ năm 2010 và thanh toán cho một số thuyền viên ở Quỳnh Nghĩa không may bị nạn mất tích, chi trả 100% giá trị tàu bị chìm năm 2008. Tuy nhiên, rất tiếc là khi Nhà nước hết nguồn hỗ trợ, thị trường mới được "kích hoạt" này không được phát huy. Bước sang năm 2011, ngoại trừ một số địa bàn có mạng lưới công tác viên bảo hiểm hoạt động tích cực và sự quan tâm của chính quyền địa phương như Quỳnh Lập, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thuỷ.... số ngư dân tham gia bảo hiểm thuyền viên khá cao thì một số xã như Sơn Hải, Quỳnh Long,.. mỗi xã có xấp xỉ 200 tàu thuyền và trên 1.000 lao động đánh bắt nhưng chưa có chủ tàu nào tham gia, số thuyền viên mua bảo hiểm thì rất ít.

Rõ ràng, tham gia bảo hiểm nghề cá không chỉ có ý nghĩa mà rất thiết thực với ngư dân. Để phát triển hơn nữa loại hình dịch vụ bảo hiểm này, một mặt cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho ngư dân biết để tham gia; đồng thời, có sự phân công cơ quan chức năng giám sát, xử lý tình trạng chủ tàu không thực hiện trách nhiệm dân sự của mình (mua bảo hiểm cho thuyền viên); mặt khác, khi xảy ra các tình huống rủi ro, cơ quan bảo hiểm cần hướng dẫn thủ tục, giải quyết kịp thời để hỗ trợ cho ngư dân. Đây là cách tuyên truyền, tiếp thị hiệu quả nhất.

Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm thuyền viên hàng năm cho ngư dân là hộ nghèo. Đây là biện pháp động viên, khuyến khích của Nhà nước đối với ngư dân bám biển dài ngày, tạo việc làm và thu nhập cho gia đình, góp phần quản lý và khai thác tài nguyên trên biển.


Nguyễn Hải