Ý thức và sự nỗ lực từ hai phía

19/09/2011 10:16

(Baonghean.vn). Đã thành thông lệ, sáng chủ nhật hàng tuần, chị Trần Thị Bình ở xóm 4, xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) thu gom rác thải của gia đình mình để đúng chỗ quy định để tổ dịch vụ vệ sinh môi trường của xã đến thu gom, chở đi. Phong trào "ngày chủ nhật xanh" thu hút được đông đảo người dân xã Hưng Xá đồng tình hưởng ứng ra quân thu dọn vệ sinh bảo vệ môi trường thôn xóm.


Dẫn chúng tôi thị sát "Ga trung chuyển rác" của xã được quy hoạch ngoài bãi bồi ven sông Lam, ông Lê Xuân Quế - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã xây dựng đề án, giao cho các xóm tổ chức thu gom rác trong dân và Hội Phụ nữ xã phụ trách thực hiện công tác này. Tuy nhiên, đề án này gặp nhiều bất cập, bế tắc, việc xử lý rác thải không đạt theo yêu cầu, chỉ là biện pháp tình thế. Hiện nay, xã đã xây dựng bãi tập kết rác tạm thời (gọi là "Ga trung chuyển"), cách xa địa bàn dân cư, đồng thời hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Nghệ An chở rác về nơi quy định để xử lý.


Một thực tế nhiều năm qua trên địa bàn huyện Hưng Nguyên là rác thải sinh hoạt, không được thu gom gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân. Nguyên nhân thì nhiều, song do ý thức của chính quyền các địa phương, nhất là nhận thức của người dân về thảm họa rác thải sinh hoạt nông thôn chưa cao, nên mọi người cứ mặc nhiên xả rác bất cứ ở đâu có thể "tiện đâu vứt đó".

Trong khi huyện chưa có điểm thu gom rác và nhà máy chế biến rác thải. Việc phân công, phân cấp trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn chung chung, chưa có chế tài xử phạt các hình thức vi phạm môi trường. Theo thống kê của huyện Hưng Nguyên cho thấy: Dân số trên địa bàn huyện hiện nay khoảng 112.114 người, ứng với khối lượng rác thải ra trung bình 0,2kg/người/ngày tại khu vực nông thôn, thì mỗi ngày lượng rác thải phát sinh trên địa bàn khoảng 22.423 kg (khoảng 53m3/ngày). Trong đó, khoảng 70% rác thải là hữu cơ dễ phân hủy được các gia đình tận dụng làm thức ăn cho gia súc, phân bón. Lượng rác cần thu gom trung bình có khoảng 32m3/ngày. Khối lượng rác thải phát sinh trong 5 nămkhoảng 45.585m3 (đã ép). Rác thải đá trở thành vấn đề bức xúc của nhiều địa phương trong huyện.


Từ thực trạng trên, huyện Hưng Nguyên đã xây dựng đề ánthu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2015, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi người dân trên địa bàn nhằm giảm thiểu tình trạng xả rác bừa bãi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn quy hoạch xâydựng ga trung chuyển rác, có diện tích từ 50m2-100m2 ở vị trí không ảnh hưởng đến đời sống và lợi ích của người dân, đồng thời thành lập hệ thống thu gom, tổ chức thực hiện việc thu gom, vận chuyển rác về ga tập trung của xã.

Mặt khác, các xã, thị trấn phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị Nghệ An vận chuyển rác đến bãi tập kết rác tập trung của tỉnh tại xã Nghi Yên. Để đề án đi vào cuộc sống, hiện Hưng Nguyên đang triển khai thí điểm tại các xã: Hưng Long, Hưng Xá, Hưng Đạo và HưngMỹ từ các mô hình điểm này sẽ tiến tới nhân rộng ra 23 xã, thị trấn.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hà- Trưởng Phòng TN&MT huyện Hưng Nguyên, chia sẻ: "Đề án thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện Hưng Nguyên thành công sẽ là một trong những tiền đề quan trọng trong việc hoàn thành 19 tiêu chí trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện. Tuy nhiên, sự thành công này xuất phát từ trách nhiệm của chính quyền các cấp và hơn hết chính là ý thức của người dân với việc bảo vệ môi trường sống của chính mình và cộng đồng".


Thanh Lê