Giải pháp nào để huy động nguồn lực xây dựng trường học?

07/09/2011 11:08

LTS:

LTS: Báo chí với HĐND có vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin hai chiều và sự gắn kết giữa cơ quan đại biểu dân cử với cử tri. Để tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của báo chí và HĐND, từ tháng 9 năm 2011, Báo Nghệ An phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh mở chuyên mục: "Đại biểu HĐND tỉnh "nói, làm và lắng nghe", trên Nghệ An nhật báo và Nghệ An điện tử.

(Baonghean) - Chủ trương tạm dừng thu tiền xây dựng không còn là vấn đề thời sự hiện nay bởi năm học 2011 - 2012 đã là năm thứ 4 các trường học thực hiện. Song, vấn đề sẽ mãi mang tính thời sự vì chủ trương này đang đặt ra bài toán, đó là nguồn kinh phí nào để các trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học?

Theo quy định tại Điều 105 của Luật Giáo dục 2005 thì, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng bất cứ khoản tiền nào khác. Tháng 8 năm 2008, Bộ Tài Chính có công văn đề nghị bãi bỏ tiền xây dựng trường học. Năm học 2008 - 2009, Chính phủ có quyết định các trường học tạm dừng việc thu quỹ xây dựng trường học. Thực hiện chủ trương này, HĐND tỉnh đã vào cuộc với việc tổ chức nhiều cuộc tham vấn trực tiếp đối với những người được hưởng lợi; cán bộ, giáo viên và cán bộ cơ sở tại 10 xã của 10 huyện trong tỉnh lấy ý kiến; tiếp đó có chương trình làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan cấp tỉnh yêu cầu có chủ trương phù hợp, vừa giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt cho các nhà trường khi dừng thu tiền xây dựng nhưng không trái với quy định của Nhà nước, vừa đảm bảo tạo điều kiện, giảm bớt khó khăn cho người đi học.

Theo đó, bên cạnh dừng thu tiền xây dựng trường, lớp thì UBND tỉnh đã có chủ trương vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học theo hình thức tự nguyện, khi chưa có nguồn kinh phí bù đắp từ T.Ư, tỉnh. Kết quả, bình quân mỗi năm học, toàn tỉnh vận động được khoảng 40 tỷ đồng, trong khi đó nguồn thu từ tiền xây dựng mỗi năm khoảng 63 - 70 tỷ đồng. Điều này tạo ra một nghịch lý là khi nhu cầu đầu tư về cơ sở vật chất trường, lớp học ngày càng cao theo hướng khang trang, hiện đại thì kinh phí huy động để phục vụ cho công việc này lại bị giảm đi. Nghịch lý thứ 2 là khi thực hiện vận động tự nguyện thì các trường ở đô thị hay các địa phương có điều kiện kinh tế khá thì việc huy động dễ dàng hơn, còn đối với các trường ở khu vực nông thôn, điều kiện kinh tế của người dân còn nghèo, lại không có các doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế đóng trên địa bàn thì việc huy động rất khó khăn, dẫn đến ở vùng này cơ sở vật chất trường, lớp học vốn đã kém nay càng kém hơn.

Ông Lê Văn Ngọ - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, cho biết: "Thực tiễn qua 3 năm thực hiện, các trường học khó khăn chồng chất. Mặc dù cùng lúc triển khai chủ trương tạm dừng thu tiền xây dựng, Nhà nước đã có chương trình kiên cố hóa trường, lớp học nhưng chương trình này chỉ dành cho các trường tranh tre, nứa lá thuộc địa bàn khó khăn, mà cũng chỉ mới thực hiện được 2/3 chương trình thì dừng lại. Không có tiền xây dựng nhưng nhu cầu tu sửa cơ sở vật chất phòng lớp học, mua sắm đồ dùng thiết bị học tập, xây dựng các phòng học chức năng, sân chơi, bãi tập là công việc thường xuyên và không thể chậm trễ nhằm đảm bảo việc học tập của học sinh. Với mong muốn đổi mới, tạo điều kiện cho con em mình được thụ hưởng một nền giáo dục ngày càng hiện đại hơn, trên tinh thần cuộc vận động xã hội hóa do UBND tỉnh phát động, vào đầu mỗi năm học, các giáo viên đáng ra chỉ lo việc dạy làm sao cho tốt, thì nay phải gánh thêm một nhiệm vụ mới: vận động "xã hội hóa", thậm chí là bị mang tiếng lạm thu trong trường học....".

Vì vậy, "hậu" dừng thu tiền xây dựng trường vẫn luôn là vấn đề nóng vào đầu mỗi năm học. Tháo gỡ bế tắc về kinh phí để các trường học có điều kiện mua sắm, sửa chữa cơ sở vất chất và trang trải cho các hoạt động dạy và học đang cần một lời giải thỏa đáng để học sinh được học tập trong một môi trường điều kiện tốt nhất.


Mai Hoa