Bài 2: Thời đại đồ đồng và văn hóa Đông Sơn
Thời kỳ này, con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đồng thau. Họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Dọc theo bờ các dòng sông xứ Nghệ, các nhà khảo cổ học thường gặp dấu vết văn hóa Đông Sơn, có nơi kéo dài đến mấy cây số liền như làng Vạc bên bờ sông Hiếu, trên đất Nghĩa Đàn, hay ở Đồng Mỏm (Diễn Thọ - Diễn Châu)...
(Baonghean) - Thời kỳ này, con người đã biết đúc các công cụ, vũ khí và đồ trang sức bằng đồng thau. Họ đã biết trồng lúa và chăn nuôi một số gia súc như trâu, bò, lợn, gà… Dọc theo bờ các dòng sông xứ Nghệ, các nhà khảo cổ học thường gặp dấu vết văn hóa Đông Sơn, có nơi kéo dài đến mấy cây số liền như làng Vạc bên bờ sông Hiếu, trên đất Nghĩa Đàn, hay ở Đồng Mỏm (Diễn Thọ - Diễn Châu)...
Khi đã đưa kỹ thuật làm đồ đá lên đỉnh cao, cư dân cuối thời đại đồ đá mới đã tìm được loại vật liệu mới: Đồng. Trong di chỉ Trại Ổi (Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu) thuộc giai đoạn cuối văn hóa Bàu Tró, các nhà khảo cổ học đã gặp những mảnh gốm tương tự đồ gốm của văn hóa Hoa Lộc ỏ Thanh Hóa. Những bình gốm tìm được ở vùng Lèn Hai Vai (Diễn Minh, Diễn Châu) được nhiều nhà nghiên cứu coi là thuộc buổi đầu của thời đại đồ đồng ở Nghệ An.
Dấu vết thực sự của nghệ thuật chế tác đồng ở Nghệ An được phát hiện ở di chỉ Rú Trăn (Nam Xuân, Nam Đàn). Chứng cứ chắc chắn cho việc đúc đồng tại Rú Trăn là việc tìm thấy những nồi nhỏ bằng đất, miệng rộng chừng 14cm, bên trong còn dính một lớp xỉ đồng dày gần 1cm, đồng còn tràn ra ngoài miệng nồi. Tại đây, cũng đã tìm thấy lưỡi cày, lưỡi cuốc, lưỡi rìu mũi nhọn bằng đồng. Ngoài ra, còn tìm thấy một chiếc nhẫn đồng. Như vậy là đồ đồng đã được dùng làm đồ trang sức.
Con đường phát triển từ giai đoạn sớm với các di vật ở Lèn Hai Vai (Diễn Minh, Diễn Châu) hay ở Đồi Đền (Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu) đến giai đoạn muộn với các di vật ở Rú Trăn (Nam Xuân, Nam Đàn) không hoàn toàn giống với con đường phát triển trong thời đại đồ đồng ở các miền khác trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng càng về cuối thời đại đồ đồng, sự giao lưu văn hóa giữa Nghệ An với các vùng khác nhau phát triển mạnh. Lúc này, người Nghệ An đã đem các sản phẩm của mình trao đổi với các nơi và đón nhận từ các nơi những thành tựu kỹ thuật và văn hóa mới.
Trống đồng Làng Vạc - đặc trưng của văn hoá Đông Sơn.
Dao găm có cán hình người tìm thấy ở di chỉ khảo cổ học Làng Vạc.
Cùng với nghệ thuật chế tác đồ đồng, nghề nông dùng cày cũng đã có những tiến bộ mới. Những chiếc lưỡi cày bằng đồng đã tìm thấy ở Đồng Mỏm (Diễn Thọ, Diễn Châu). Trong một số ngôi mộ ở Làng Vạc (Nghĩa Tiến, Nghĩa Đàn) còn tìm thấy những chiếc răng trâu. Năng suất lúa nước thời kỳ này cũng đã cao hơn trước, con người đã có của ăn của để. Các nghề thủ công cũng phát triển song song với nông nghiệp. Khi khai quật địa điểm Đồng Mỏm (Diễn Châu) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy gần 4% số mảnh gốm lạ có in dấu đan với kiểu đan lóng đôi, giống hệt như ngày nay, với những nan tre vót đều đặn.
Thời kỳ văn hoá Đông Sơn ở Nghệ An có thể coi là đỉnh cao của đồ đồng. Đồng được chọn để làm các công cụ sản xuất như rìu, đục, lưỡi cày, cuốc, xẻng, thuổng…Đặc biệt, những chiếc thạp và âu ở Làng Vạc đều có trang trí rất đẹp. Các loại vũ khí bằng đồng thường gặp trong các di tích văn hóa Đông Sơn ở Nghệ An là dao găm, giáo, mũi lao, mũi tên …Đồng còn được dùng làm đồ trang sức, loại thường gặp là khuyên tai và vòng đeo tay. Ở Làng Vạc đã tìm thấy những vòng ống đeo tay và đeo chân bằng đồng. Có thể nói, chưa có một địa điểm văn hóa Đông Sơn nào trên đất nước ta có vòng ống nhiều và đẹp như ở Làng Vạc. Điều đặc biệt là vòng ống chân lần đầu tiên được phát hiện ở Làng Vạc và cho đến nay cũng chưa tìm được ở nơi nào khác trên đất nước ta.
Trống đồng là loài di vật đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn và cũng là biểu tượng văn hóa dân tộc thuở Vua Hùng dựng nước đã tìm thấy ở nhiều nơi trên đất nước ta nhưng chưa có một địa điểm nào lại tập trung nhiều trống đồng lớn và đẹp như ở Làng Vạc. Trong đợt khảo sát 1972 – 1973, các nhà khảo cổ học đã thu được ở đây 4 trống lớn và 4 trống đúc thu nhỏ. Đó là chưa kể đến chiếc trống đồng lớn, được gọi là trống Đông Hiếu, tìm thấy ở Nghĩa Tiến, (Nghĩa Đàn) từ năm 1959. Năm 1977, ở Rú Quyết thuộc TP. Vinh cũng phát hiện một số trống đồng có hoa văn gần giống với những trống Làng Vạc. Theo các nhà nghiên cứu, trống Đông Hiếu là trống Đông Sơn lớn được phát hiện, đường kính đến 90cm. (trống Mật Sơn ở Thanh Hóa là trống lớn thứ hai cũng chỉ có 80cm). Như vậy, có thể khẳng định rằng, Nghệ An là một trung tâm trống Đông Sơn (đó là chưa kể đến các loại trống muộn về sau mà người ta thường gọi là trống loại hai).
Khi nghề đúc đồng đã cực thịnh với nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ trên đất Nghệ An thì nghề luyện sắt và chế tác sắt cũng đã có những bước phát triển đáng kể. Nghệ An vốn nổi tiếng về nghề luyện sắt cổ truyền ở Nho Lâm (Diễn Châu). Nghề luyện sắt Nho Lâm thất truyền cách đây không lâu nhưng nó ra đời từ bao giờ thì chưa được xác định cụ thể. Mới đây, tại đất Nho Lâm cũ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một di chỉ và khu mộ thuộc văn hóa Đông Sơn, đó là Đồng Mỏm (Diễn Thọ, Diễn Châu). Ở đây, trong nơi cư trú đã tìm được thuổng sắt, dao sắt, đinh sắt … Còn trong các ngôi mộ thì có những thanh kiếm sắt đặt bên minh hay trên đùi người chết.
Ở thời kỳ này, con người đã chú trọng đến trang phục: phụ nữ chít khăn, váy và thắt lưng dài chấm đất, mình đầy đồ trang sức; đàn ông thì có thể buộc tóc hay búi tóc và để xõa sau gáy như những người chèo thuyền trên trống đồng Làng Vạc, nhưng không phải lúc nào cũng cởi trần, đóng khố.
Qua những ngôi mộ Làng Vạc, ta biết được người thời đó đeo ống có lục lạc ở hai cánh tay, ở hai cẳng tay, còn cổ tay thì đeo vòng. Chân cũng có vòng, gắn nhiều lục lạc. Vòng đeo tai cũng có lục lạc. Thậm chí chiếc muôi múc thức ăn cũng được gắn hai cái chuông nhỏ ở cán.
Những hình chim, hình thuyền trên trống đồng, những tượng người ở cán dao găm và tượng voi đã tìm thấy trong mộ chứng tỏ hội họa và điêu khắc, đã có mặt và gắn bó với cuộc sống.. Như vậy, đến thời kỳ này đã phát triển một hình thức nghệ thuât mà ngày nay người ta thường gọi là “mỹ thuật công nghiệp”.
Tuy nhiên, khi nói về thế giới tinh thần của người Nghệ An thời kỳ Đông Sơn, không thể không nhắc tới mối quan hệ giữa người sống với người đã chết. Cách mai táng thời kỳ này cũng thật đa dạng: có mộ người chết được chôn trong huyệt đất đơn giản; nhiều mộ khác được xếp thêm đá, hoặc lát đá trên mộ, hoặc kè đá xung quanh; cũng có mộ được rải những mảnh gốm. Đáng chú ý là loại mộ chôn các nồi vò úp nhau, gồm một cái to úp khít vào một vò khác nhỏ hơn hay một cái nồi, hoặc một cái chậu, tất cả đặt nằm ngang trong đất. Ở Làng Vạc, trong một hố đào 37m3 đã tìm thấy 20 loại mộ như thế. Cũng như các thời kỳ trước, người ta chọn đồ đồng và đồ gốm để vào mộ cho người chết dùng ở “thế giới bên kia”.Quan sát các đồ vật chôn theo trong các mộ ở Làng Vạc, chúng ta phát hiện ra có những "mộ giàu" và có những "mộ nghèo". Điều này chứng tỏ sự phân hóa giai cấp đã xuất hiện trong xã hội thời đó.
Tóm lại, văn hóa Nghệ An thời kỳ Đông Sơn có những nét chung với các miền khác trong đất nước Văn Lang nhưng cũng có những sắc thái riêng biệt. Có thể nói rằng người Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng nền văn hóa chung - văn hóa Đông Sơn.
Di chỉ khảo cổ học Làng Vạc hiện nằm trên địa bàn xã Nghĩa Hoà, Thị xã Thái Hòa, cách Thành phố Vinh 90 km về phía Tây Bắc, thuộc địa phận xã Nghĩa Hoà, huyện Nghĩa Đàn. Đây là khu di tích khảo cổ học quý giá, nằm trên vùng đất rộng khoảng 3ha. Qua nhiều lần khai quật và nghiên cứu, tại đây đã phát hiện được hơn 1.000 hiện vật bằng đồng, đặc biệt là trống đồng có niên đại khoảng 2.100 năm, và các vòng tay, dao găm có niên đại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Ngoài ra còn có bao tay, vòng cổ tay, hoa tai... Các hiện vật này hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An. Đây thực sự là dấu tích của người Việt cổ khoảng 2500 năm trước vào thời Hùng Vương với những hiện vật bằng đồng mang đậm dấu ấn văn hóa Đông Sơn. Tại khu di tích khảo cổ học Làng Vạc, nhà bia, nhà triển lãm đã được xây dựng. Từ năm 1999, Lễ hội Làng Vạc được tổ chức lần đầu tiên tại Khu di chỉ khảo cổ Quốc gia Làng Vạc và đến nay đã trở thành một lễ hội truyền thống được tổ chức vào 8/2 âm lịch hàng năm. |
Thanh Thuỷ - Thanh Lê