Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm cộng đồng
(Baonghean.vn) Hiện nay, do việc phát triển tàu thuyền, cộng với khai thác không hợp lý nên nguồn lợi thủy sản đang ngày càng suy giảm, hiệu quả kinh tế đạt thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục ngàn ngư dân.
Tại bến cá phường Nghi Thủy - Thị xã Cửa Lò, chúng tôi được chứng kiến tàu của ông Bình về bến sau một chuyến biển. Hôm nay đội tàu của ông đánh được gần 7 tấn cá các loại, được đánh giá là chuyến biển thắng lợi, nhưng anh em trên tàu vẫn không vui, vì hơn nửa số cá đánh được chỉ dùng để làm thức ăn chăn nuôi, bán với giá thấp, chỉ vài ngàn đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Minh một trong những người làm nghề thu mua cá tại bến cá Nghi Thủy, cho hay: Hàng ngày chị thu mua khoảng 10 tấn cá, trong đó có khoảng 6 tấn cá để nhập cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Những loài cá có giá trị cao như cá thu, cá nục, cá ngứa... ngày càng ít đi.
Cán bộ Đồn biên phòng 148 lập biên bản xử lý vi phạm sử dụng kích điện đánh bắt thủy sản ngày 23/10/2011.
Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, cho biết: 9 tháng đầu năm xã khai thác được 9.000 tấn sản phẩm, vượt kế hoạch đề ra, nhưng chỉ tiêu giá trị sản phẩm không đạt. Một vài loại sản phẩm xuất khẩu như cá hố, mực... sản lượng sụt giảm nghiêm trọng... Các loại cá có giá trị thương phẩm như cá bạc má, cá nục.. ngày càng ít đi. Đó là chưa nói đến con cua con ghẹ trước đây rất sẵn, nhưng nay cũng đã trở thành thứ quý hiếm. Ông Kế còn cho biết thêm những loại như rắn biển, cá ngựa... “thắp đuốc tìm 7 ngày” cũng không được một con. Một vài loài “phổ thông” như con moi, con ruốc năm nay cũng không thấy xuất hiện khiến nhiều người phải chuyển đổi nghề... Những con số trên đã cho thấy, nguồn lợi thủy sản đang ngày một suy giảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân trước hết là do khai thác vượt quá mức cho phép. Sản lượng khai thác trong một vài năm gần đây đã vượt con số 50 ngàn tấn (vượt con cho phép hơn 10.000 tấn). Mặt khác, hiện nay toàn tỉnh có 4.323 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó gần một nửa lắp máy nhỏ hơn 20CV. Đây là loại phương tiện chỉ hoạt động ở tuyến bờ, tuyến lộng. Về cơ cấu ngành nghề, toàn tỉnh có khoảng 650 - 700 phương tiện hành nghề giạ kéo. Đây là nghề có tác động xấu đến môi trường rất lớn mà ngành khuyến cáo không nên phát triển. Nghệ An có 2 bãi đẻ của cá tôm ở vịnh Diễn Châu và Quỳnh Lập. Do hầu hết phương tiện tập trung khai thác ở gần bờ, cùng với việc không tuân thủ những quy định của ngành Thủy sản như kích thước mắt lưới, loại nghề... nên sản phẩm thu được hầu hết là cá chưa đến tuổi khai thác. Điều này lý giải cho con số có từ 50-60% số lượng hải sản khai thác được giá trị thấp.
Việc sử dụng chất nổ, xung điện đang là hiện tượng phổ biến. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Duy Thanh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 148, cho biết: Đồn được giao nhiệm vụ kiểm soát 2 cửa lạch với hơn 900 phương tiện nghề cá. Hầu hết các phương tiện này đều sử dụng chất nổ để khai thác cá. Do việc vận chuyển, cất dấu rất tinh vi, mặc dù đồn đã tăng cường mọi biện phápkiểm tra, kiểm soát nhưng các chủ tàu vẫn mang được thuốc nổ ra biển. Đồn đã tổ chức nhiều chuyên án, mật phục hàng tháng trời nhưng vẫn chưa có kết quả. Nói về tác hại của mìn, ông Thanh chia sẽ: Một quả mìn nổ có thể làm sát thương trong phạm vi hàng chục mét vuông mặt nước.
Mọi sinh vật nằm trong vùng đó đều bị hủy diệt. Số cá vớt được ước lượng chỉ khoảng 1/10. Từ đầu năm đến nay Đồn đã phát hiện, xử lý 43 phương tiện vi phạm, nộp cho Kho bạc Nhà nước 157 triệu đồng. Điển hình là vụ bắt đối tượng Hồ Xuân Phương ở xóm 7, Quỳnh Xuân vận chuyển 6 kg thuốc nổ, 70 kíp mìn ngày 23/5 vừa qua. Đây là một phần rất nhỏ số vụ vi phạm mà đồn phát hiện ược. Ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội nghề cá Tiến Thủy cũng thừa nhận việc ngư dân xã ông vẫn đang còn sử dụng mìn để khai thác thủy hải sản. Và không có nó thì họ không thể đi biển được, ông Kế khẳng định một cách chắc chắn.
Sau thuốc nổ là kích điện, hiện người dân huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa sử dụng khá phổ biến để khai thác trên vùng biển Nghệ An. Ngày 23/10 tàu kiểm ngư VN 93969 KN đã phối hợp với bộ đội biên phòng tuần tra vùng biển phía Bắc Nghệ An, đã phát hiện bắt giữ 8 phương tiện đang sử dụng kích điện khai thác hải sản... Chất nổ, xung điện, chất độc đã bị nghiêm cấm sử dụng theo tinh thần Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình hình nguồn lợi thủy sản ven bờ có dấu hiệu suy giảm, ngày 10/10/2011, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 26/CT-UBND nhằm tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chỉ thị cũng đã đề ra trách nhiệm của các ngành, địa phương và nhiệm vụ của các cơ quan chức năng... Theo đó, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Để tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa qua UBND tỉnh Nghệ An đã ký kết với UBND tỉnh Thanh Hóa phân chia khu vực khai thác của mỗi tỉnh để tăng cường trách nhiệm bảo vệ. Từ năm 2008, được sự giúp đỡ của chính phủ
Dự án đã tập trung đào tạo nghề cho 100% ngư dân đi biển ở Quỳnh Lập. Với sự hỗ trợ của dự án ngư dân ở đây đã tập trung chuyển đổi nghề nghiệp. Trước đây nghề dạ, kích đánh ven bờ là chủ yếu, nay bà con đã tập trung chuyển đổi nghề vươn khơi. Từ 35 phương tiện xa bờ đến năm 2011 toàn xã đã có 120 tàu đủ sức vươn khơi, với các nghề mới như rê xù, bóng ghẹ, chụp 4 sào, 2 sào... chỉ còn 20 phương tiện đánh bắt ở vùng lộng.
Do phát huy được trách nhiệm từng cá nhân gắn với lợi ích mà họ được thụ hưởng nên ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng lên. Người dân xem vùng biển mà mình được phân như “mảnh ruộng nhà” nên họ đã tăng cường mọi biện pháp bảo vệ, không cho người khác xâm hại. Hiệu quả là nguồn thủy sản ngày càng tăng, đời sống của nhân dân ngày càng đảm bảo.
Để thực hiện Chỉ thị 26 của UBND tỉnh, từ kết quả của mô hình đồng quản lý ở Quỳnh Lập, sắp tới ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ cùng với các địa phương có biển tổ chức hiệp thương phân chia ranh giới giữa các huyện, xã để nâng cao trách nhiệm cùng bảo vệ, cùng khai thác, gắn với lợi ích cộng đồng. Xây dựng cơ chế quản lý thống nhất để nâng cao hiệu quả bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Công Sáng