Vì sao nông dân không mặn mà với cây trồng vụ đông?

28/10/2011 18:59

(Baonghean) - Giá cả vật tư tăng, giống ngô tăng cao, thiếu vắng lực lượng lao động, thời tiết bất lợi, dịch bệnh gia súc, gia cầm dẫn đến chuồng trại bỏ không… là những nguyên chính khiến nông dân nhiều nơi quay lưng với cây vụ đông.

Ông Vũ Văn Lai - Bí thư xóm Trần Phú- Thị trấn Yên Thành cho biết: Năm nay, chắc chắn diện tích cây vụ đông trên địa bàn sẽ giảm rất nhiều dù địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, như hộ dân nào trồng được 10 thước ngô sẽ được hỗ trợ 100% giống và 1 bao phân NPK. Nguyên nhân được ông Lai lý giải, hiện lực lượng lao động nông thôn đang rất thiếu. Phần lớn lao động trẻ tận dụng thời gian nhàn rỗi là đi làm thợ xây, phụ hồ và làm thuê từ các thành phố, với mức thu nhập một ngày công thấp nhất cũng lên tới 80 nghìn đồng/ngày, cao hơn hẳn so với làm nông nghiệp, lại vừa có thu nhập trong ngày.

Trong khi đó, cây trồng vụ đông ở Yên Thành chủ yếu chỉ là khoai lang và ngô, phục vụ nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Hiện đang là thời điểm ngành chăn nuôi ở địa phương đang gặp khó khăn. Theo ông Lai, thời điểm này số hộ trong xóm có nuôi lợn chỉ đếm trên đầu ngón tay, dịch bệnh liên miên khiến người dân hoang mang, dẫn đến tình trạng chuồng không trại trống.

Bà Nguyễn Thị Thủy, xóm Trần Phú, bộc bạch: Trước đây trong chuồng nhà bà lúc nào cũng có 4 con lợn, hàng trăm con gà, vịt, nên dù thế nào cũng phải cố gắng trồng ngô, khoai vụ đông để làm thức ăn cho vật nuôi. Nhưng năm nay lợn bị dịch bệnh, con giống đắt, mới rồi đàn gà cũng bị dịch chết sạch, cả hệ thống chuồng trại rộng hàng chục m2 đành bỏ không. Bởi vậy, gia đình bà không trồng một thước cây vụ đông nào. Đó cũng là thực tế đang diễn ra ở rất nhiều địa phương trong tỉnh.

Tuy nhiên, trong khi rất nhiều địa phương giảm mạnh về diện tích cây trồng vụ đông, thì ở rất nhiều địa phương trong tỉnh, cây vụ đông vẫn phát triển mạnh và mang lại hiệu quả rất tốt. Ở Quỳnh Lưu, nhiều xã đã mạnh dạn chuyển đổi, trồng các loại cây trồng vụ đông đáp ứng nhu cầu thị trường, có hiệu quả kinh tế cao, như: trồng bí xanh trên đất 2 lúa, thâm canh rau, củ quả trên đất bãi… Hay các xã Minh Thành, Hợp Thành, Hùng Thành… (Yên Thành) đã tập trung thay thế diện tích trồng ngô làm thức ăn cho gia súc bằng cây ngô ngọt, đáp ứng nhu cầu đang rất cao của thị trường.

Thực tế này cho thấy, địa phương nào vận dụng linh hoạt, bám sát nhu cầu và xu hướng thị trường căn cứ trên thế mạnh của mình thì chủ trương trồng cây vụ đông sẽ mang lại hiệu quả cao và ngược lại. Để diện tích cây vụ đông phát triển mạnh, tương xứng với tiềm năng và đem lại hiệu quả kinh tế, các địa phương cần xác định rõ từng vùng chuyên canh cây vụ đông, từ đó tập trung đưa những giống cây mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để chú trọng thâm canh tăng năng suất; không nên khuyến khích nông dân làm tràn lan mà không có hiệu quả về kinh tế./.


X.Hoàng