Tăng lương hỗ trợ lao động đối phó với lạm phát

11/10/2011 17:06

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng lương và tăng thêm trợ cấp cho nhân viên nhằm đối phó với tình hình giá cả tăng cao và xem đây là một giải pháp đối với công tác nhân sự trong bối cảnh khó khăn do lạm phát.

Đây là thông tin chính của kết quả khảo sát lương năm 2011 do Mercer (Mỹ) - một trong những công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn nhân sự và đại diện tại Việt Nam, TalentNet Corporation, công bố mới đây.

Bà Hoa Nguyễn - Trưởng phòng cấp cao bộ phận khảo sát lương Mercer thuộc công ty Talentnet cho biết, kết quả khảo sát lương thực hiện tại 329 doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam cho thấy mức tăng lương bình quân ở những tập đoàn đa quốc gia, công ty 100% vốn nước ngoài là 13,3%.

Nếu như những năm trước, các doanh nghiệp nước ngoài vì vấn đề cạnh tranh và thu hút người tài luôn có mức tăng lương tương ứng với tỉ lệ lạm phát thì năm nay tỉ lệ tăng lương bình quân chỉ là 0,8% so với năm 2010, thấp hơn 6,7% so với tỉ lệ lạm phát dự kiến.

Nguyên nhân do doanh nghiệp đang gánh chịu những tác động trực tiếp từ tình hình kinh tế Việt Nam và kinh tế bất ổn của thế giới, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến mức tăng lương thấp hơn tỉ lệ lạm phát.

Trong khi đó, các công ty Việt Nam có mức tăng lương cao hơn hẳn các công ty có vốn nước ngoài, bình quân là 19%. Điều này cho thấy do mức lương ở các công ty Việt Nam chưa cạnh tranh nên họ chú trọng đến việc tăng lương cao nhằm làm giảm khoảng cách so với các công ty có vốn nước ngoài, cũng như để khuyến khích và giữ nhân viên. Ngoài ra, do lạm phát tăng cao, các công ty Việt Nam cũng đề xuất mức tăng lương cao để hỗ trợ một phần đời sống nhân viên.

Cũng theo khảo sát, lạm phát ảnh hưởng đến chính sách lương của 75% các công ty tham gia. Hơn 33% các công ty tham gia khảo sát có những phản hồi tích cực để đối phó với lạm phát. Ngoài việc tăng lương hằng năm, các công ty hỗ trợ thêm một số phụ cấp hoặc điều chỉnh lại tỉ lệ tăng lương hoặc cộng thêm phần trăm tăng lương.

Cụ thể, mức trợ cấp bình quân ăn trưa đang được áp dụng hiện nay khoảng 500.000 đồng/tháng. Trợ cấp chi phí đi lại hoặc hỗ trợ phiếu đổ xăng cũng đang được các doanh nghiệp quan tâm. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đưa ra chương trình trợ cấp một lần, hỗ trợ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/năm cho toàn thể người lao động của đơn vị. Trợ cấp chức vụ, trợ cấp giữ xe, trợ cấp may đồng phục cũng là những lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng cho biết năm nay, dược phẩm là ngành có tỉ lệ tăng lương cao nhất, lên đến 14,1%. Mức tăng lương bình quân ở các ngành khác như ngân hàng, dầu khí, công nghệ cao... từ 12,5% đến gần 14%. Nhóm lao động phổ thông có tỉ lệ tăng lương bình quân cao nhất với 14,1%. Đây cũng là điều tất yếu vì lực lượng lao động này chịu ảnh hưởng nhiều nhất và nặng nề nhất bởi lạm phát.


Theo Vietnam+