Bài cuối: Mọi công dân, tổ chức đều phải tuân thủ pháp luật Nhà nước
(Baonghean) - Sau khi nhận được phản hồi của dư luận về các vấn đề báo nêu liên quan đến đất đai ở sân vận động Đồng Cây Dừa, xã Công Thành (Yên Thành) và Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam (TP. Vinh); Báo Nghệ An tiếp tục thông tin để làm rõ các sự việc trên.
Ngày 3/10/2011, chúng tôi trở lại xã Công Thành trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân tự nguyện hiến đất xây dựng sân vận động Đồng Cây Dừa phục vụ cụm thể thao 4 xóm: Rú, Đồng Rào, Ngọc Thượng và Long Tiến. Các hộ dân mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết diện tích đất mà họ tự nguyện hiến đều đã được cấp bìa đỏ theo Nghị định 64 và việc hiến đất để xây dựng sân vận động theo quy hoạch của chính quyền xã đều vì mục đích phục vụ nhu cầu thể dục thể thao của nhân dân 4 xóm theo đúng trình tự thủ tục pháp lý nhà nước. Ông Lê Văn Lục, giáo dân xóm Ngọc Thượng cho biết: "Khi biết rõ mục đích xây dựng sân vận động để phục vụ nhu cầu hoạt động văn hoá, thể thao của nhân dân 4 xóm theo quy hoạch của chính quyền, vì lợi ích chung, gia đình tôi tự nguyện hiến 3 thước đất. Về việc xây dựng các công trình trên sân vận động theo tôi chính quyền cần phải giải thích rõ cho người dân về nguyên nhân sai trái để có hướng giải quyết". Còn ông Bùi Hữu Trầm cho hay: Sau khi biết chủ trương của xã về quy hoạch cụm thể thao 4 xóm, gia đình chúng tôi đã tự nguyện hiến 3 thước đất ruộng. Từ 4 năm nay, sân vận động được xây dựng và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu văn hoá thể thao của nhân dân. Đương nhiên việc quản lý sân vận động Đồng Cây Dừa sẽ là của Nhà nước mà cụ thể là chính quyền xã Công Thành". Chúng tôi cũng gặp một chủ hộ giáo dân khác đã tự nguyện hiến đất xây dựng sân vận động Đồng Cây Dừa là bà Nguyễn Thị Dần. Theo bà: "Mặc dù không nắm rõ những việc liên quan xảy ra gần đây do đi miền Nam thăm con mới về, nhưng theo tôi sân vận động phải được sử dụng đúng mục đích để con cháu có nơi chơi thể dục thể thao, giảm được các tệ nạn xã hội...".
Trong cụm 4 xóm thì xóm Long Tiến được công nhận Làng Văn hoá cấp tỉnh. Chúng tôi tìm gặp giáo dân Trần Văn Hoàng- Phó Bí thư chi bộ xóm để tìm hiểu. Ông Hoàng thẳng thắn bày tỏ: "Việc xây dựng công trình tường bao và nhà trên sân vận động Đồng Cây Dừa là trái pháp luật. Bởi diện tích đất xây dựng sân vận động do nhân dân tự nguyện hiến nhưng thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Đồng thời sân vận động này được xây dựng nhằm phục vụ mục đích duy nhất là đáp ứng nhu cầu văn hoá thể thao của nhân dân. Tôi cũng đã có ý kiến như thế với cụ linh mục và Ban hành giáo xứ, phải xử lý như thế nào sau khi xảy ra sự việc trên, theo tôi phải làm có tình, có lý nhưng phải tuân theo đúng pháp luật và Luật Đất đai của Nhà nước"...
Những người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng sân vận động Đồng Cây Dừa đều mong muốn công trình tiếp tục được sử dụng đúng mục đích là phục vụ nhu cầu thể thao văn hoá của nhân dân. Tuy nhiên, chính quyền xã Công Thành cũng cần giải thích để người dân hiểu rõ: Ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do đó đất đai là tài sản của toàn dân trong đó Nhà nước là đại diện và thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu. Nhà nước thực hiện việc giao đất hoặc không giao đất, công nhận hoặc không công nhận quyền sử dụng đất hoặc Nhà nước thu hồi đất, xác định mục đích sử dụng đất thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy việc tự nguyện hiến đất của người dân để xây dựng sân vận động nói trên là đã theo đúng quy định của Nhà nước và chỉ có thể thực hiện trên cơ sở thực hiện đúng Luật Đất đai.
Trao đổi về hướng giải quyết cho sự việc xảy ra ở sân vận động Đồng Cây Dừa xã Công Thành, ông Trần Văn Đại - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Yên Thành cho biết: Thường vụ và các cấp ngành địa phương xác định lấy vận động tuyên truyền là chủ yếu để cụ linh mục, HĐMV Giáo xứ Ngọc Long thấy việc làm sai để tự tháo dỡ các công trình đã xây dựng trái pháp luật. Nếu sau khi vận động, thuyết phục vẫn không chấp hành hoặc cố tình không hiểu việc làm sai trái đó, chính quyền nhà nước sẽ tiến hành tháo dỡ để giữ vững kỷ cương, phép nước".
Cũng liên quan đến luật đất đai của Nhà nước, mà cụ thể là việc một số bà con giáo dân ở Giáo xứ Cầu Rầm (Thành phố Vinh) do thiếu thông tin hoặc nắm bắt thông tin chưa đầy đủ nên đã kiến nghị yêu cầu chính quyền Thành phố Vinh trả đất cho giáo xứ là đất đã được quy hoạch xây dựng khu vui chơi giải trí du lịch Hồ Cửa Nam. Như chúng tôi đã đề cập trên Báo Nghệ An số ra ngày 3/10/2011. Năm 1976 Ban hành giáo xứ đã nhường lại CSVC gồm căn nhà hai tầng phá dỡ dở dang còn lại sau khi bị bom Mỹ phá hoại cho HTX Hợp Đức quản lý và sử dụng với số tiền 13 nghìn đồng. Điều 2 Luật Đất đai ban hành ngày 24/7/1993 đã xác định: "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đai đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...". Điều này cũng phù hợp với giáo luật công giáo năm 1983 do cộng đồng Vatican II đề ra đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô phê chuẩn. Cụ thể Khoản 1290 (quyển 5) về tài sản của giáo hội phần khế ước và chuyển nhượng ghi rằng "Những gì mà luật đời ở địa phương đã ấn định về khế ước cách chung cũng như cách riêng và về việc tháo giải thì trong giáo luật cũng phải được tuân giữ với mọi hiệu lực như vậy, đối với những sự việc thuộc quyền cai trị của giáo hội". Ngày 5/8/2010 Chủ tịch UBND Thành phố Vinh đã có Văn bản số 2420/UBND trả lời đơn ngày 25/4/2010 của Giáo xứ Cầu Rầm với nội dung Khu đất giao cho Công ty Cổ phần Trường Giang thực hiện dự án Khu vui chơi giải trí Du lịch Hồ Cửa Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thu hồi của HTX Hợp Đức theo Quyết định số 1226/QĐ- TTg ngày 24/12/1999 chứ không phải là đất của xứ Cầu Rầm quản lý, sử dụng do đó việc đòi lại đất của linh mục, ban hành Giáo xứ Cầu Rầm là không có cơ sở và không được chấp nhận. Việc UBND tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Trường Giang làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu vui chơi, giải trí du lịch hồ Cửa Nam là thực hiện theo Nghị quyết số 90/CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao công cộng trên nguyên tắc giữ nguyên mục đích sử dụng (xây dựng khu vui chơi, giải trí, du lịch). Thế nhưng, Công ty Cổ phần Trường Giang đã không đảm bảo được tiến độ của dự án. Vì vậy, để tránh những hiểu lầm, cho rằng chính quyền giao đất cho tư nhân, UBND tỉnh đã có Thông báo số 156/TB. UBND- ĐT về việc đề nghị Công ty Cổ phần Trường Giang- Sài Gòn dừng việc đầu tư dự án khu vui chơi giải trí hồ Cửa Nam. Ngày 28/6/2010, UBND tỉnh tiếp tục ra Quyết định số 189/QĐ-UBND.ĐC thu hồi khu đất và giấy phép đầu tư của Công ty Cổ phần Trường Giang- Sài Gòn để UBND Thành phố Vinh tiếp tục thực hiện dự án xây dựng công viên bằng nguồn ngân sách Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy việc Giáo xứ Cầu Rầm có đơn kiến nghị số 106/HCR/11 ngày 3/6/2011 đề nghị chính quyền cho chuyển nhà thờ Cầu Rầm hiện nay về khu đất đã được quy hoạch xây dựng Khu vui chơi giải trí du lịch hồ Cửa Nam là không có cơ sở pháp lý. Vấn đề này cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đức Phớc trực tiếp trao đổi, trả lời với cụ Giám mục Nguyễn Thái Hợp và các cụ Linh mục Nguyễn Văn Viên- Tổng đại diện Giáo phận Vinh, cụ Nguyễn Khắc Bá - Giám đốc Đại chủng viện Vinh trong cuộc họp giữa UBND tỉnh và đại diện Tòa Giám mục Giáo phận Vinh ngày 11/06/2011.
Thực tế hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các quốc gia trên thế giới, đất đai đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, khi cần phục vụ mục đích quốc kế dân sinh, Nhà nước có chính sách trưng dụng chỗ này, cấp quyền sử dụng đất chỗ khác cũng là lẽ đương nhiên. Ví dụ như năm 1994, chính quyền Đài Loan đã di chuyển 4 cơ sở Kitô giáo ở Đài Bắc để làm đường cao tốc và di chuyển một số tượng đài phật giáo gần công viên số 7 tại thủ đô vì lý do che khuất tầm quan sát của công viên. Các chức sắc, chức việc tôn giáo ở các nước nói trên đã hợp tác tích cực với nhà nước, phát động đồng bào tôn giáo nhiệt tình ủng hộ để làm tròn bổn phận công dân. Ngay ở Nghệ An, trong sự nghiệp phát triển chung của quê hương, đất nước, đồng bào giáo dân đã có nhiều việc làm tốt đời, đẹp đạo, tự nguyện hiến đất mở đường, xây trường học, trạm xá, nhà văn hóa... phục vụ xây dựng nông thôn mới như ở xóm 9, Hùng Sơn (Anh Sơn). Xóm có 113 hộ, 580 nhân khẩu trong đó hộ giáo có 93 hộ với 454 nhân khẩu (chiếm 88%). Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã tự nguyện hiến 3.600m2 đất vườn để mở rộng hành lang an toàn giao thông nông thôn, đóng góp ngày công, vật chất đổ sân bê tông bóng chuyền, xây dựng khuôn viên, nhà văn hóa xóm tổng trị giá 135 triệu đồng, hoặc như 27 hộ dân ở xã Công Thành đã tự nguyện hiến 5.805m2 đất để xây dựng sân vận động Đồng Cây Dừa đã nêu trên..., Như vậy tôn giáo ở quốc gia nào cũng cùng chung ý nguyện gắn bó giữa "đạo với đời", "tôn giáo với dân tộc", góp công sức vào sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước. Việc xây dựng công viên công cộng tại khu đất Hồ cá Cửa Nam cũng không nằm ngoài mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng, làm đẹp cảnh quan phố phường vì sự phát triển chung của thành phố; hay việc công trình sân vận động Đồng Cây Dừa phải được sử dụng đúng mục đích là phục vụ nhu cầu thể thao văn hóa của nhân dân, nhằm xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Và nó cũng phù hợp với tinh thần trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam "... Tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người (ĐCCCN 14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì "dù tin hay không tin, con người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này" (MV 21,6)".
Nhóm PV