Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Mong người dân hết sức chia sẻ...

28/10/2011 17:50

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định các giải pháp chống ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay mà Bộ đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai chỉ là cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết của Chính phủ chứ không phải là sáng kiến của Bộ GTVT.

Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định các giải pháp chống ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay mà Bộ đang phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai chỉ là cụ thể hóa nội dung các Nghị quyết của Chính phủ chứ không phải là sáng kiến của Bộ GTVT.

Trong gần 10 phút phát biểu tại nghị trường sáng nay, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng không ít lần mong nhận được sự ủng hộ và thông cảm của các đại biểu quốc hội (ĐBQH) cũng như cử tri, người dân về các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông mà Bộ đang triển khai theo tinh thần các nghị quyết Chính phủ đã ban hành nhiều năm qua để giải quyết vấn nạn này.



Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng cũng khẳng định các giải pháp chống ùn tắc, giảm tai nạn mà Bộ đang phối hợp triển khai cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM hiện nay, trong đó có giải pháp đổi giờ làm “chưa có gì gọi là sáng kiến của ngành giao thông vận tải” mà thực ra tất cả các giải pháp đó đã được nêu trong Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương và các nghị quyết của Chính phủ từ năm 2002 đến nay.

“Việc đổi giờ làm việc thực sự cũng gây xáo trộn ảnh hưởng đến một số người dân. Chúng tôi cũng mong người dân, các cử tri, các ĐBQH hết sức chia sẻ, bởi vì để đạt được một mục tiêu lớn hơn thì một số bộ phận rất nhỏ cũng phải có sự chia sẻ… Mình có thể hy sinh một chút nhỏ của mình, nhưng được cái lớn hơn của cả đất nước, của cả cộng đồng, và trong cái được đó thì bản thân người dân cũng được hưởng”, Bộ trưởng kêu gọi.

Ông Thăng cũng bày tỏ tin tưởng “với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc và nhân dân đồng thuận thực hiện thì chắc chắn việc kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn sẽ thực hiện được”.

Không nên quá lo lắng về nợ công

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay, 28.10, sau khi có nhiều ĐBQH tỏ ra lo ngại về an toàn nợ công của Việt Nam.
Mặc dù trong Báo cáo kế hoạch kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẳng nợ công được giữ ở mức an toàn với con số ước khoảng 54,6% vào cuối năm nay, và đến năm 2015 sẽ khoảng 60 - 65% GDP, song vấn đề an toàn nợ công vẫn khiến ĐBQH không khỏi lo ngại.

Đã từng phát biểu tại tổ khi thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2011, kế hoạch năm 2012, tại hội trường hôm nay, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) tiếp tục nhấn lại vấn đề an toàn nợ công của Việt Nam và đưa ra cảnh báo: thực tế cho thấy nhiều quốc gia châu Âu cách đây 2 - 3 năm đã tuyên bố an toàn về nợ nhưng hiện đang đứng trên bờ vực của khủng hoảng nợ công.

ĐB này đề xuất ngành tài chính cần phải duy trì kỷ luật thép trong quản lý chi tiêu ngân sách, đặc biệt là vấn đề quản lý nợ công.

Để trấn an các ĐB, Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội trường sáng nay thông tin thêm nợ công đến 31.12.2012 sẽ vào khoảng 58,4% GDP. “Chỉ số này tính trên cơ sở dự kiến kịch bản tăng trưởng 6%, nếu như kịch bản tăng trưởng đạt được 6,5% thì tỷ lệ nợ công này sẽ giảm thấp hơn đáng kể”, Bộ trưởng nói.

Một trong những tiêu chí để đánh giá về an toàn nợ công hay không là xem xét cơ cấu nợ. Về khía cạnh này, ông Huệ cho biết trong cơ cấu nợ công của Việt Nam, vay ODA chiếm 74%, vay ưu đãi 19%, còn vay thương mại chỉ chiếm 7%. Hơn nữa, thời gian vay nợ ODA vẫn còn dài, lãi suất thấp.

Tuy khẳng định nợ công Việt Nam vẫn đang trong ngưỡng an toàn bằng việc dẫn ra các con số cụ thể về tỷ lệ vay nợ, mức lãi phải trả trên từng khoản vay hằng năm, song Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết “Chính phủ cũng đã tính toán cơ cấu nợ đã và sẽ có thay đổi khi khoản ODA và ưu đãi đang giảm dần và vay thương mại đang có xu hướng tăng lên, bởi chúng ta đã được liệt vào danh sách các nước vào ngưỡng thu nhập trung bình”.

Cũng theo Bộ trưởng, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng chiến lược quản lý nợ công đến 2020 để trình Chính phủ, cùng lúc với xây dựng kế hoạch trung hạn và đề án cụ thể thực hiện chiến lược quản lý nợ công khi được thông qua.

Đồng tình với ý kiến các ĐB vấn đề quan trọng nhất trong nợ công không phải là vay nợ bao nhiêu mà quan trọng là khả năng trả nợ thế nào, Bộ trưởng cho biết “theo thông lệ quốc tế thì mức trả nợ an toàn là không quá 30% tổng thu ngân sách thì chúng ta mới sử dụng dư địa đến 14-16%. Do đó, Chính phủ cũng nhận thức rất đúng quan trọng là vay như thế nào, sử dụng có hiệu quả như thế nào và khả năng trả nợ như thế nào”.

“Chúng ta không lạc quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng về nợ công”, Bộ trưởng trấn an, đồng thời đề nghị QH cho giữ tỷ lệ nợ công đã trình theo kế hoạch 5 năm, đối với nợ quốc gia là không quá 50%, nợ Chính phủ không quá 53% và nợ công khoảng 60-65%.


(Theo Thanh niên)