Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ: Bất cập ở cơ sở

29/08/2011 16:16

(Baonghean) - Đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về nâng cao...

(Baonghean) - Đánh giá kết quả sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, theo báo cáo mới nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thì cơ bản các chi bộ (tổng số 10.170 chi bộ) trên toàn tỉnh đã bám sát theo các nội dung hướng dẫn, quy định đảm bảo sinh hoạt đúng định kỳ, có chất lượng, từ đó góp phần nâng cao sức chiến đấu cho tổ chức Đảng các cấp của tỉnh trong giai đoạn mới này.

Tuy nhiên, trong thực tiễn, có thể chỉ ra một số bất cập phổ biến mà nếu có sự chỉ đạo sâu hơn, kiểm tra sát hơn và chấn chỉnh nghiêm hơn thì mới khắc phục được và đồng thời những đánh giá mới đúng thực chất về chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đó là việc sinh hoạt chi bộ còn hình thức, đối phó, chiếu lệ. Trong sinh hoạt không xây dựng được chuyên đề rõ ràng.

Hiện rất nhiều chi bộ trực thuộc cấp cơ sở do nhiều nguyên nhân, lý do chưa thực hiện đúng Hướng dẫn (08-HD/BTCTU) của Ban Tổ chức Tỉnh ủy quy định thống nhất lấy ngày 03 hàng tháng là ngày sinh hoạt chi bộ. Nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ khối cơ quan, đơn vị phần lớn mới chỉ để đánh giá, kiểm điểm lại hoạt động chuyên môn; có nghĩa nhiều khi nội dung sinh hoạt chi bộ trùng với nội dung họp chuyên môn. Lý do là chi ủy, trực tiếp là đồng chí bí thư chi bộ đã không soạn thảo báo cáo nội dung sinh hoạt chi bộ một cách chu đáo. Khi sinh hoạt, phần thông báo tình hình thời sự, những chủ trương, chính sách mới của Đảng, nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên rất tùy tiện bị “lược bỏ”. Sinh hoạt chi bộ đối phó và không soạn thảo được nội dung sinh hoạt, nên khó để lựa chọn nội dung sinh hoạt theo chuyên đề nhằm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chuyên môn một cách thiết thực, cụ thể.

Các chi bộ ngoài hành chính nhà nước thì thế nào? Có chi bộ khối phố thuộc địa bàn nhạy cảm về tệ nạn xã hội ở TP. Vinh, kỳ sinh hoạt cuối năm chỉ bàn được mỗi chuyện không nuôi chó thả rông làm mất vệ sinh chung (!), còn về các mục tiêu xây dựng ngõ phố văn minh, khối phố văn hóa, phát triển kinh tế… khó đề cập. Có chi bộ nông thôn họp, cũng bài bản điểm danh, thông báo tình hình thời sự, chỉ đạo của cấp trên hẳn hoi, nhưng khi đi vào triển khai nội dung chính thì mời nhau chén rượu nhắm lạc rang, tranh cãi om sòm như họp tổ sản xuất thời đổi công....

Đánh giá về tồn tại, hạn chế của thực hiện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ của Thường vụ Tỉnh ủy nêu rõ: “Số lượng ý kiến tham gia thảo luận của đảng viên ở một số chi bộ chưa nhiều, ít có các ý kiến mang tính phản biện, đặt vấn đề; nhiều nội dung mang tính cấp bách, quan trọng chưa được bàn bạc và thảo luận kỹ; thực hiện tự phê bình và phê bình ở một số chi bộ chưa thường xuyên, còn tình trạng nể nang, né tránh…”. Tình trạng đó cho thấy sức chiến đấu ở các chi bộ đó kém và chắc chắn giảm sút nếu không sớm được chấn chỉnh. Điều đáng nói là, hiện nay sức chiến đấu thể hiện trong phê và tự phê, thảo luận tại sinh hoạt chi bộ thì ở các chi bộ nông thôn thường cao hơn các chi bộ ở khu vực hành chính nhà nước. Vấn đề này, được lý giải là đảng viên ở nông thôn thường quan tâm, đòi hỏi lợi ích cao hơn, bên cạnh đó họ thiếu thông tin đầy đủ về cơ chế chính sách của nhà nước nên dẫn đến thắc mắc, phản biện nhiều hơn. Trong khi đó, các đảng viên ở khối các cơ quan, đơn vị thường ngại phát biểu, phê và tự phê, ngại phản biện vì phải…giữ “lợi ích ổn định” của mình!

Đặt ngược lại vấn đề, nếu ở chi bộ nông thôn, chi ủy mà cụ thể là bí thư chi bộ không có đủ năng lực, bản lĩnh, trình độ, thì rất khó có thể giải quyết, giải thích cụ thể các thắc mắc, phản biện của đảng viên, quần chúng, nhiều khi đó chính là yếu tố dẫn đến tố cáo, khiếu nại kéo dài, vượt cấp ở cơ sở. Thí dụ, như việc thu hồi đất để quy hoạch khu công nghiệp Đông Hồi (Quỳnh Lưu); cùng trên một chân ruộng, giá đền bù của doanh nghiệp cao hơn giá nhà nước đền bù để xây dựng đường giao thông; thắc mắc nảy sinh từ đảng viên mà một chi bộ sở tại đã rất lúng túng trong giải thích, giải quyết…

Cũng ở chi bộ khu vực nông thôn, hiện đang trong “hiệu ứng” thiếu đội ngũ hậu bị, có chi bộ gần như suốt một nhiệm kỳ không kết nạp được đảng viên mới nào. Nguyên nhân là do lực lượng thanh niên thiếu việc làm, chuyển dịch ra thành phố, vào các khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Vấn đề này đặt ra nhiệm vụ mới: phải đẩy mạnh việc kết nạp đảng trong các doanh nghiệp cùng với tăng cường nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ tại đó. Hiện một số chi ủy, chi bộ nhất là ở các loại hình doanh nghiệp, công ty cổ phần, công ty TNHH... việc duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ chưa nghiêm, chất lượng sinh hoạt yếu. Ở đây lại cần xem xét thêm một khía cạnh ở một ví dụ cụ thể khác: Trong số trên 200 doanh nghiệp trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, hầu hết chưa có tổ chức đảng cơ sở. Bên cạnh đó thì tại hai công ty liên doanh với nước ngoài lại có chi bộ đảng cơ sở hoạt động rất tốt là Công ty mía đường Tate&Lyle (ở nhiệm kỳ chưa chuyển đổi chủ sở hữu mới) và chi bộ đảng của Công ty khai thác đá YABASHI - VN. Tại các dơn vị này, lãnh đạo, chuyên gia người nước ngoài đều thừa nhận, các kỹ sư, công nhân viên là đảng viên của chi bộ đảng đều có tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả công tác, lao động cao hơn hẳn đội ngũ quần chúng…

Đó là một vài thực tế ở cơ sở. Trong rất nhiều giải pháp để thực hiện nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ đảng, nên chăng các cấp ủy cần phải có sự chỉ đạo sâu, kiểm tra sát và chấn chỉnh nghiêm hơn để thực hiện tốt Chỉ thị của Ban Bí thư TW và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nhiệm vụ trên.


Đình Sâm