Bao giờ người dân bản Kim Hồng được bàn giao đất sản xuất?

05/09/2011 10:35

Cách đây gần 1 năm, Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh về thực trạng người dân tái định cư ở bản Kim Hồng - xã Ngọc Lâm (Thanh Chương- Nghệ An) rời nơi ở mới quay về quê cũ làm ăn. Đến nay, hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do đất sản xuất vẫn chưa được bàn giao đầy đủ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống...

(Baonghean) - Cách đây gần 1 năm, Báo Nghệ An đã có loạt bài phản ánh về thực trạng người dân tái định cư ở bản Kim Hồng - xã Ngọc Lâm (Thanh Chương- Nghệ An) rời nơi ở mới quay về quê cũ làm ăn. Đến nay, hiện tượng này vẫn đang tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do đất sản xuất vẫn chưa được bàn giao đầy đủ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong ổn định cuộc sống...

Trở lại bản Kim Hồng lần này, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi bắt gặp là những ngôi nhà cửa đóng, then cài. Quang cảnh nơi đây xơ xác, vắng lặng và chỉ thấp thoáng bóng dáng trẻ em và người già, người ốm đau, bệnh tật. Còn phần lớn lực lượng lao động chính trong bản đã quay về quê cũ ở Tương Dương để phát rẫy làm ăn hoặc đi làm thuê nơi khác để kiếm sống, vì ở quê mới họ vẫn chưa được giao đất sản xuất... Gia đình ông Lô Văn Nghị có 12 khẩu thì có 7 khẩu phải về quê cũ làm ăn. Trong nhà chỉ còn vợ chồng người con trai Lô Đại Phú vốn là bí thư chi đoàn bản, 2 đứa con gái út 10, 12 tuổi và đứa cháu nội mới một tuổi rưỡi. Anh Phú cho hay, nếu không vướng con nhỏ và hai đứa em đang đi học thì anh cũng đã theo mọi người về quê phát rẫy chứ ở đây " không có đất sản xuất, làm thuê bữa có, bữa không, không đủ nuôi 5 miệng ăn...".


Mảnh vườn nhỏ của nhà trưởng bản Chương Xuân Tần trồng ngô sắn
không đủ cung cấp lương thực.

Toàn bản Kim Hồng có 103 hộ, 434 khẩu nay ở lại ổn định chỉ còn 16 hộ, có 5 hộ đã bán nhà về quê và đi nơi khác sinh sống là Lương Văn Ngọ, Lương Văn Hùng, Lương Văn Tuấn, Quang Văn Hoành, Quang Văn Đào. Ngay cả đội ngũ cốt cán của bản cũng đi đi, về về giữa quê cũ quê mới để mưu sinh. Vừa mới trở về từ quê cũ ở lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương), trưởng bản Chương Xuân Tần trầm ngâm: "Không có đất sản xuất cũng không thể trông chờ vào lương thực hỗ trợ cứu đói của Nhà nước, dân bản đành rủ nhau quay về quê làm rẫy lúa, tận thu hoa màu. Mọi hoạt động của các tổ chức đoàn thể đều ngừng trệ ngay cả chi bộ cũng không thể duy trì sinh hoạt vì thiếu đảng viên. Điều đáng lo nhất là hiện nay có 28 học sinh Tiểu học, THCS, 11 em mầm non theo bố mẹ về quê có nguy cơ thất học. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có lẽ cũng xin giải tán ban quản lý vì bản không có dân biết quản lý ai?".

Là bản xuống muộn nhất ở khu tái định cư, người dân Kim Hồng phải đối mặt với thực tế là đất sản xuất "chỉ mới được chia trên giấy tờ" do đã bị xâm chiếm bởi một số trang trại của người dân bản địa và người dân tái định cư các bản xuống trước. Chính quyền huyện Thanh Chương, UBND xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn và cả Ban quản lý Thủy điện 2 đã có rất nhiều cuộc họp, nhiều văn bản chỉ đạo và cũng đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hiện tại đất sản xuất của người dân Bản Kim Hồng vẫn bị 86 hộ dân các bản đến trước lấn chiếm. Theo ông Lương Quảng Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm thì "các trang trại của người dân sở tại và các hộ dân canh tác lấn chiếm không chịu bàn giao đất. Với lý do phải có tiền đền bù tài sản trên đất mới bàn giao... Lực lượng cán bộ của xã mỏng nên rất khó khăn trong việc giải tỏa, thu hồi những phần đất bị lấn chiếm".

Ông Phan Đình Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Trường hợp lấn chiếm giữa các hộ dân của các bản tái định cư, đặc biệt là 86 hộ dân lấn chiếm đất của bản Kim Hồng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã, huyện đã chỉ đạo chính quyền sở tại phối hợp Ban quản lý Thủy điện 2 vận động bà con về canh tác đúng phần đất của mình và trả lại đất sản xuất cho đồng bào đến sau, trường hợp không vận động được chúng tôi sẽ giải quyết theo đúng luật đất đai...

Thế nhưng giải quyết thế nào để hài hòa lợi ích giữa các hộ đến trước đã canh tác trên đất người khác (chủ yếu là cây lâu năm) và các hộ bị lấn chiếm đất là vấn đề hiện chính quyền các xã đang hết sức lúng túng và thực tế là đến tận thời điểm này khi đã về quê mới được gần 3 năm, 103 hộ dân ở Bản Kim Hồng vẫn chưa thể nhận đất sản xuất để ổn định cuộc sống. Bởi vậy, thiết nghĩ thay vì chỉ đạo cấp xã, UBND huyện Thanh Chương cần trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với các bên liên quan để giải quyết dứt điểm, không để kéo dài tình trạng xâm lấn đất đai. Đồng thời sớm giao đất, kịp thời tháo gỡ khó khăn về lương thực, thực phẩm cho người dân bởi mấu chốt vấn đề là không có đất sản xuất đồng bào sẽ quay trở lại với cái đói, cái nghèo, không thể yên tâm an cư, lạc nghiệp trên quê mới...


Khánh Ly