Bài 2: "Cầu kiều" nâng bước tới trường

04/10/2011 16:04

(Baonghean) - Thời gian qua, các cấp ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ học sinh đến và trở lại trường. Thực tế cho thấy chỉ có tấm lòng của những nhà giáo, sự quan tâm của toàn xã hội mới có thể tạo nên những nhịp "Cầu Kiều" nâng bước các em đến trường.

Đến với Trường THCS xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới Việt - Lào) trong dịp đầu năm học này càng thêm cảm phục tấm lòng mến trẻ, yêu nghề của những giáo viên, sự nỗ lực vượt khó của ban giám hiệu. Thầy Nguyễn Văn Vỹ - Hiệu phó nhà trường cho biết: "Những năm trước, số lượng học sinh người Đan Lai ra trường THCS học chỉ khoảng 3-4 em. Năm học 2009-2010, trường đã tổ chức cho giáo viên vào tận các thôn bản, gia đình để vận động đưa các em ra học. Hai năm nay, số học sinh tốt nghiệp tiểu học ra học ở trường THCS đạt gần 90%. Năm học này, số học sinh người Đan Lai ở các bản ra học là 43 em (tổng số cần huy động là 55 em)..." Thăm khu nội trú của nhà trường - nơi ở của những học sinh ở xa vào giờ cơm trưa. Bữa cơm "còm cõi" lắm, 6 người một rá cơm, một món rau cùng với cá kho song các em đều ăn rất hào hứng. Em La Văn Ngoan, lớp 8, bản Khe Búng hồ hởi: "Ở nhà ăn cơm độn sắn và măng rừng, học tại trường ăn ngon hơn ở nhà nhiều rồi. Ra đây được học, cái ăn cái mặc tốt hơn ở nhà nên ai nấy đều rất vui".



Chuẩn bị cơm chiều ở khu nội trú của học sinh Trường THCS Huồi Tụ -
Kỳ Sơn.

Khu nội trú của trường có 5 phòng, 37 em đang ăn ở tại đây. Cơ ngơi có được do nỗ lực lớn của tập thể giáo viên trường và chính quyền địa phương tích góp xây dựng. Gia đình các em đều rất nghèo, Chế độ 112 hỗ trợ học sinh nghèo đi học 140.000đồng/tháng/học sinh cũng không đủ. Để giữ các em ở lại trường, giáo viên trường THCS Môn Sơn đã bỏ tiền thuê đò chở các em ra; mỗi giáo viên nhận một học sinh để chăm lo từng bữa ăn, từng buổi học; thường xuyên thăm hỏi, động viên, trích tiền lương giúp các em mua nhu yếu phẩm. Học sinh thiếu quần áo, nhà trường lập tờ trình gửi các trường thuận lợi hơn quyên góp; cùng địa phương kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ gạo cho các em ăn; đề xuất huyện hợp đồng một người chuyên chăm lo chuyện ăn ở cho các em; hướng dẫn các em tăng gia sản xuất. Năm học vừa rồi, Trường vận động Hội LHPN xã giúp các em 3 tạ gạo, Đồn biên phòng 555 cấp giúp mỗi em 7 kg gạo/tháng, phòng LĐTB&XH huyện cấp 6 tấn gạo; Công ty Hương Rừng ủng hộ 28 triệu đồng mua giường, chăn cho các em... Tấm lòng của những người giáo viên ở Môn Sơn đối với các em học sinh thật đáng trân trọng. Chính tình thương và tinh thần trách nhiệm cao cả này đã thu hút các em.

Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm tích cực đến phong trào khuyến học thì chất lượng giáo dục được nâng lên và huyện Quỳ Châu là một điển hình như vậy. Huyện có 39 trường học các cấp, 27 trường thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong diện hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ, với gần 10 nghìn học sinh, 78% tổng số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do nhiều nguyên nhân, việc trẻ em trong độ tuổi đi học không đến trường, học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần vẫn xảy ra ( Năm học 2006-2007, 164 em bỏ học. Năm học 2007-2008 có 102 em). Xác định nhiệm vụ vận động học sinh đến lớp, duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh chuyên cần là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn, năm học 2008 - 2009, Huyện Quỳ Châu đã triển khai đồng bộ các biện pháp thiết thực chống bỏ học: Phát động phong trào dạy học bằng tâm huyết của người thầy, bằng tình cảm, lòng yêu thương; Tổ chức ký cam kết thực hiện cuộc vận động "Hai không" giữa nhà trường, địa phương và hội cha mẹ học sinh; Ngành Giáo dục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, với các đoàn thể, trưởng bản, Hội cha mẹ học sinh, Hội khuyến học các cấp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp; Phát huy và tạo các mối quan hệ mật thiết giữa các phụ huynh với đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên của nhà trường; Chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng tiếng địa phương thông qua đội ngũ cán bộ xóm bản có trình độ uy tín cao...Các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả thiết thực: tỷ lệ học sinh đến lớp ở huyện Quỳ Châu đạt kết quả khá cao, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ rệt.

Có rất nhiều rào cản đang ngăn bước các em tới trường, song cả xã hội cùng vào cuộc thì có thể phá bỏ được những rào cản đó.

Thầy Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Chương nêu ý kiến: "Giải quyết vấn đề học sinh bỏ học không chỉ là trách nhiệm riêng của nhà trường mà cần tăng cường sự phối hợp có chiều sâu giữa Ban giám hiệu - Giáo viên chủ nhiệm - Cha mẹ học sinh - Chính quyền, Đoàn thể địa phương để tất cả những học sinh có biểu hiện sa sút về học tập hoặc vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật phải được quản lý và có biện pháp ngăn ngừa, giáo dục ngay từ đầu. Ở miền núi, vừa qua tỉnh ta đã có quyết định phân công các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đỡ đầu, hỗ trợ các xã miền núi thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, nhờ đó các em được đến trường thuận lợi hơn, góp phần, hạn chế tình trạng bỏ học. Ở miền xuôi, các địa phương cấp huyện, xã cũng cần học tập để phân công giúp đỡ những hoàn cảnh học sinh cụ thể...".

Ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Huy Tập (một trong hai phường có phong trào giáo dục tốt nhất Thành phố Vinh) cho rằng: "Hơn lúc nào hết, đối với những học sinh chán học, bỏ học rất cần sự nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng, nhiệt tình của các lực lượng trong xã hội. Để phát triển chất lượng giáo dục, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở là cần đẩy mạnh phong trào khuyến học từ cấp khối xóm. Cần phải có chế độ khen thưởng, khuyến học đối với địa phương, gia đình làm tốt, chế tài xử phạt đối với địa phương, gia đình có học sinh bỏ học và xem đây là tiêu chí đầu tiên, quan trọng nhất trong việc xét thi đua của địa phương. Việc vận động con em đến trường phải được đưa vào qui ước, hương ước của các thôn, bản, khối xóm là tiêu chuẩn đánh giá gia đình văn hoá".

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: "Sở GD&ĐT Nghệ An đang phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, hội khuyến học, hội cha mẹ học sinh triển khai các biện pháp nhằm vận động các em sớm trở lại trường, tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng hỗ trợ học sinh nghèo, thực hiện yêu cầu "3 đủ": đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở đối với học sinh; Chỉ đạo các nhà trường tập trung rà soát các đối tượng bỏ học, phân tích nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ; Các trường nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường nhằm thu hút học sinh đến lớp; Phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, giáo viên để vận động học sinh trở lại trường; Mở các lớp bổ túc văn hoá cho học sinh không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông...". Rõ ràng, những biện pháp mà các cấp, ngành địa phương ở tỉnh ta thực hiện thời gian qua đã thu được một số kết quả nhất định. Song để học sinh không bỏ trường bỏ lớp, đưa các em trở lại học tập thì còn cần nhiều nỗ lực, hành động thiết thực của toàn xã hội, trong đó mỗi cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cá nhân đều chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt.


Thảo Nhi - Thành Chung