Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới

10/10/2011 17:38

(Baonghean) - Chương trình mục tiêu quốc gia "Xây dựng nông thôn mới" đang từng bước được triển khai ở các địa phương trong tỉnh, với phương châm: "Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân là chủ thể": các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở làng, xã do cộng đồng người dân làm chủ, bàn bạc, quyết định. Qua đó, nhiều xã, huyện trong tỉnh đã phát huy tốt nguồn lực từ cộng đồng, tạo được tính năng động, tự chủ cho người dân nông thôn.

Với mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất tinh thần của người dân, quy hoạch và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi làng quê, chương trình xây dựng nông thôn mới đang được đông đảo người dân trên địa bàn toàn tỉnh hào hứng đón nhận.

Là một trong 5 huyện của cả nước được chọn làm huyện điểm xây dựng nông thôn mới, Nam Đàn xác định mục tiêu giai đoạn 2010-2015 sẽ có 8-10 xã đạt 19 tiêu chí và có 5-7 xã đạt 15 tiêu chí; đến năm 2015, có 100% xã có hệ thống điện; 75% xã có hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, nhà văn hoá đạt chuẩn. Để đạt được các mục tiêu trên, ngoài nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương, huyện xác định huy động và phát huy tối đa nội lực của địa phương, thực hiện đa dạng hoá các nguồn vốn để triển khai xây dựng. Đồng chí Trần Đình Hường, Bí thư huyện ủy Nam Đàn cho biết : "Việc đầu tiên Nam Đàn triển khai là thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận của người dân về nông thôn mới, làm cho người dân hiểu rõ giá trị và ý nghĩa to lớn về công cuộc xây dựng. Đến nay cơ bản người dân đã biết về diện mạo nông thôn mới trong tương lai sẽ như thế nào. Quan trọng hơn, người dân đã chủ động bàn, tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng "...



Huyện Hưng Nguyên đầu tư máy liên hợp gặt đập đưa vào sản xuất. Ảnh: S.M

Đến nay, 23/23 xã trong huyện đã thành lập và kiện toàn xong bộ máy xây dựng nông thôn mới cấp xã và sắp sửa hoàn thành các quy hoạch nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn quê Bác đã và đang đổi mới từng ngày, bởi người nông dân đã hiểu ý nghĩa của công cuộc xây dựng này. Lão nông Nguyễn Văn Cảnh, xã Xuân Hòa cười móm mém tâm sự: "Nông thôn mới nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, làm cho chính mình chứ phải cho ai đâu. Tôi sẵn sàng nhường đất mở đường, làm mương thủy lợi. Để xây dựng nông thôn mới bà con chúng tôi sẵn sàng chung tay, góp sức".

Xã Tam Thái, huyện Tương Dương (một trong 42 mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Nghệ An trong năm 2011) trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ sở hạ tầng, làng bản văn hoá, vệ sinh môi trường. Ngay sau khi được chọn làm xã điểm, chính quyền xã đã nhanh chóng thành lập ban chỉ đạo và ban quản lý dự án xây dựng chương trình nông thôn mới cũng như thành lập các ban giám sát dự án cấp bản. Ban chỉ đạo xã đã căn cứ 19 tiêu chí nông thôn mới triển khai công tác quy hoạch theo hướng dẫn của các ngành chuyên môn. Chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã được bà con đồng tình ủng hộ. Ông Lương Văn Toàn, một đảng viên trong xã cho biết: Cơ sở hạ tầng chỉ là nền tảng để cho người dân sống tốt hơn. Cốt lõi của quá trình xây dựng nông thôn mới là đã tạo ra tính năng động tự chủ của người dân trong quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn".

Ông Phan Phúc Hảo - Chủ tịch UBND xã Minh Thành, huyện Yên Thành cho biết: Xác định rõ xây dựng nông thôn mới là vì dân, của nhân dân và tư tưởng này được người dân toàn xã nắm rõ nên hoàn toàn đồng tình ủng hộ. Những kế hoạch của đề án khi triển khai đều được thực hiện tốt... Ở Minh Thành đã hình thành rõ nét hơn tác phong dân chủ và đưa người dân vào tham gia quản lý, các cuộc họp bàn xây dựng nông thôn mới được tổ chức ở nhà văn hóa thôn. Nhà văn hóa trở thành địa điểm thực hiện quyền làm chủ của nông dân, ở đó bà con được họp bàn, đưa ra các quyết định cuối cùng. Để thực hiện xây dựng nông thôn mới, Minh Thành quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, đa dạng hóa chăn nuôi, trồng trọt. Trồng rừng nguyên liệu. Tổng giá trị sản xuất của Minh Thành 6 tháng đầu năm 2011 ước đạt 65 tỷ 745 triệu đồng, tăng 22 tỷ 445 triệu so với cùng kỳ năm 2010.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã và đang được Nghệ An xây dựng kế hoạch cụ thể (giai đoạn 2010 - 2020) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã (tương đương 90 xã) và đến năm 2020 có 50% số xã (tương đương 229 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Ông Nguyễn Quang Hạnh, Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho biết: Mỗi người dân, hộ gia đình đã tham gia xây dựng đời sống văn hóa cũng chính là đang tích cực xây dựng nông thôn mới - xây dựng và phát triển làng văn hóa theo hướng tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho nhân dân tự quản thảo luận về tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa, xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống dân tộc.


Thành Chung