Bài 1: Xuất ngoại để... gom phế liệu
Tại Diễn Hồng, Diễn Tháp - một trong những trung tâm buôn bán phế liệu lớn trong toàn tỉnh, việc buôn bán phế liệu tấp nập như chợ đầu mối. Nơi đây phế liệu tập kết đủ loại, từng đống chất cao như núi, nằm ngổn ngang trong khu dân cư. Từ hoạt động này nhiều người đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đằng sau hoạt động này là những câu chuyện dài có nguy cơ gây hại đến với môi trường.
(Baonghean.vn) Tại Diễn Hồng, Diễn Tháp - một trong những trung tâm buôn bán phế liệu lớn trong toàn tỉnh, việc buôn bán phế liệu tấp nập như chợ đầu mối. Nơi đây phế liệu tập kết đủ loại, từng đống chất cao như núi, nằm ngổn ngang trong khu dân cư. Từ hoạt động này nhiều người đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, đằng sau hoạt động này là những câu chuyện dài có nguy cơ gây hại đến với môi trường.
Khác với nhiều người, xuất ngoại để học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, hay để kiếm việc làm trong các nhà máy..., thì nhiều người dân ở các xã Diễn Tháp, Diễn Hồng (Diễn Châu) lại xuất ngoại chỉ với mục đích là để... gom phế liệu. So với các địa phương trong tỉnh hay các tỉnh lân cận, thì việc thu mua phế liệu ở Lào có nhiều thuận lợi, không vấp phải sự "cạnh tranh" quá lớn của dân trong nghề, có nhiều loại có giá trị (sắt, nhôm, đồng, và cả ắc quy chì). Vì lợi thế đó, mà cách đây trên dưới 10 năm, những người Diễn Tháp, Diễn Hồng đã tiên phong trong việc phát triển "thị trường" thu mua phế liệu sang nước bạn Lào. Họ đã xây dựng được những cơ sở thu mua khá vững chắc, từ các khâu nhỏ nhất như đạp xe đi thu mua, cho đến thuê cơ sở tập kết, chờ khi đủ hàng đem về Việt Nam.
Theo những chiếc xe Lào, phế liệu được đưa về Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1970, trú tại xã Diễn Tháp), người đã có thâm niên gần 15 năm trong nghề thu mua phế liệu, vừa mới có một chuyến vận chuyển hàng từ Lào về cho biết: Cách đây 6 năm, sau khi có một ít vốn từ buôn bán phế liệu trong nước, và vay thêm một ít vốn ngân hàng, anh quyết định cùng với một số người trong xã sang Lào thu mua phế liệu. Hầu hết thời gian trong năm anh có mặt ở Lào và cứ khoảng 1 đến 2 tháng, lại đưa phế liệu về một lần. Phế liệu có rất nhiều loại, từ thùng giấy, nilon, các loại nhôm đồng, tivi, máy tính hỏng, các loại ắc quy... thậm chí là cả sừng, da, lông động vật. Bởi đối với họ, những thứ đó dù được xếp vào hạng vứt đi, nhưng chỉ sau vài công đoạn tuyển lựa là có thể được đưa vào tái chế sử dụng.
Nguyễn Văn Long (SN 1981, trú tại xã Diễn Hồng) có thời gian gần 10 năm sang Lào buôn phế liệu cho biết: Sau khi học xong cấp 3, gia đình khó khăn, nên Long không theo học tiếp mà theo mấy người trong xã đi buôn phế liệu. Mới ngày đầu sang Lào, vốn ít nên Long phải đạp xe vừa thu mua, vừa mang theo các vật dụng sinh hoạt (xoong, nồi, rổ, rá nhựa...) để bán, đổi trong dân Lào. Sau khoảng 4 năm, khi đã thông thuộc đường đi lối lại, cũng như phương thức buôn bán và đặc biệt là có ít vốn tiếng Lào, Long chuyển sang làm đại lý thu mua tại chỗ từ những người đi mua nhỏ lẻ, bao gồm cả người Việt và người Lào. Ngoài ra, Long cũng sắm thêm một chiếc xe tải để phục vụ cho việc vận chuyển phế liệu về Việt Nam.
Phế liệu sau khi nhập vềđược phân loại để bán cho các nhà máy tái chế.
Chi phí cho một chuyến hàng từ Lào về Việt Nam hiện nay là 3.500đ/1kg hàng, chủ hàng chỉ việc thanh toán cước vận chuyển đầy đủ cho lái xe, sau đó lái xe sẽ qua Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) thay mặt chủ hàng làm tất cả mọi thủ tục Hải quan, giấy tờ hàng hóa, và chạy theo Quốc lộ 8A, đưa hàng về giao đến tận nơi tại Diễn Hồng, Diễn Tháp để người nhà của chủ hàng (thậm chí là chủ hàng đi theo xe) kiểm kê, ký nhận. Bình thường nếu ổn định, không bị rớt giá, thì mỗi 1kg phế liệu thu mua được, trừ chi phí thì người thu mua cũng có lãi được 1.000đ.
Tuy nhiên, cũng theo như anh Lưu, anh Long thì, không phải lúc nào mọi việc cũng thuận lợi đối với nghề thu mua phế liệu này, nhất lại là khi thu mua ở tận bên nước bạn. Ngoài việc phải thuê nhà dài hạn để ở, một năm khoảng 7 triệu đồng tiền Việt Nam, phải xin cấp thẻ lao động từ phía các cơ quan chức năng (thẻ lao động có giá trị 3 năm, với mức phí khoảng 3,5 triệu đồng), việc bất đồng ngôn ngữ cũng gây nên những khó khăn nhất định. Ngoài ra, khi đưa tiền ở Việt Nam sang để thu mua, thì phải đổi sang USD, sau đó lại đổi tiếp sang tiền Kíp Lào, chính vì thế sẽ dẫn đến rủi ro nhất định khi có sự trượt giá của đồng tiền. Đó là chưa kể đến việc khi thu mua thì phải trả giá cao, nhưng khi vận chuyển về Việt Nam thì giá các loại phế liệu lại giảm xuống, khiến họ nhiều phen phải chịu lỗ vốn, trong khi tiền lãi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên.
Theo số liệu cho biết, hiện toàn xã Diễn Tháp có trên 2.000 lao động thì có hơn 200 người đi Lào thu mua phế liệu và Diễn Hồng số lao động hoạt động trong lĩnh vực này tại Lào cũng xấp xỉ 200 người. Tất cả họ đều giống nhau, đó là vừa nhặt nhạnh vừa thu mua các loại phế liệu, xây dựng điểm tập kết, cơ sở thu mua ngay trên đất Lào.
Đặng Cường