Phật giáo Nghệ An đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc
(Baonghean.vn) Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 25 ngàn phật tử của gần 50 đạo tràng ở hầu khắp 20 huyện, thành, thị.Những năm gần đây Phật giáo từng bước phát triển với nhiều hoạt động ý nghĩa...
Phật giáo và đời sống tâm linh
Cũng như bao miền quê khác trên dải đất hình chữ S, ngôi chùa đã trở thành hình ảnh quen thuộc. Hiện vẫn còn nhiều ngôi chùa cổ lưu giữ những hiện vật quý là tư liệu để các nhà khoa học nghiên cứu giá trị lịch sử to lớn của nó như chùa Cần Linh (Cửa Nam, TP Vinh), Chùa Thiên Sơn (Diễn Châu), chùa Viên Quang (Nam Đàn), chùa Ân Hậu (Nghi Đức), chùa Phổ Môn (Nghi Liên)...
Với rất nhiều người dân, việc lên chùa vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng, hay vào những ngày lễ lớn trong năm như ngày Tết âm lịch, lễ Vu lan, lễ Phật đản để thắp hương, cầu Phật không chỉ là thói quen mà đã trở thành văn hóa tín ngưỡng.Vì thế, khi vui người ta cũng đi chùa, có chuyện buồn cũng tìm tới cửa Phật. Trong tín ngưỡng Phật giáo của nhân dân Nghệ An trước đây cũng có người ăn chay, giữ giới, tụng kinh, phóng sinh và chẩn tế,đó là những người muốn tu nhân tích đức, diệt dục, đem lại sự thanh thản cho bản thân và gia đình. Đức Phật Thích Ca, Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Âm Nam Hải... chiếm một vị trí quan trọng trong đức tin của người dân. Các nhân vật ấy đều là những hình ảnh củalòng vị tha mênh mông, tình thương bao la. Những đức tính ấy thống nhất với đạo lý cổ truyền của nhân dân ta là hiếu thuận, thương người, chịu đựng, vị tha, tận tình giúp đỡ những người bất hạnh...mà ta thường gặp trong văn học dân gian.
Chùa Cần Linh làm lễ phóng sinh trong Đại lễ Phật Đản
Còn với cụ Bùi Thị Việt (82 tuổi ở phường Cửa Nam) thì việc lên chùa, ăn chay niệm Phật thường xuyên giúp cho tuổi già thấy mình sống vui hơn, khỏe hơn. Với cụ, việc lên chùa, cầu Phật, tụng các bài kinh đã trở thành thói quen không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Chăm lo việc thiện
Ni sư Thích nữ Diệu Nhẫn - trụ trì chùa Cần Linh cho biết: "Không chỉ chú trọng việc trùng tu và mở rộng các kiến trúc tam quan, chính điện, tả vu, hữu vu... Nhà chùa rất quan tâm đến công tác từ thiện. Cùng với tấm lòng của chư tăng, phật tử, mỗi năm nhà chùa dành khoảng hàng nghìn suất quà để làm từ thiện. Nhờ có nguồn tiền từ thiện này mà rất nhiều người đã tìm lại được ánh sáng như em Trần Thị Mai (huyện Đô Lương), em Nguyễn Văn Thanh (TP Vinh), bé Lê Thị Quý (huyện Nam Đàn)... Trong các sự cố thương tâm như sập núi đá tại công trình Thủy điện Bản Vẽ, chìm đò ở Chôm Lôm, tai nạn giao thông thảm khốc ở rú Nguộc - Thanh Chương, lũ lụt ở Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương... Chùa Cần Linh luôn đi đầu trong công tác cứu trợ, cứu nạn. Ngoài ra, chùa còn là nơi cưu mang giúp đỡ nhiều em nhỏ lang thang và những sinh viên nghèo hiếu học. Nhân ngày Đại lễ Phật đản tháng 9 năm 2010 vừa qua, trụ trì Chùa Phổ Môn thầy Thích Trí Nghĩa phối hợp với tăng ni, phật tử cùng các gia đình hảo tâm TP HCM tới thăm và tặng quà cho bà con thiệt hại lũ lụt trong năm cùng các đối tượng khó khăn đặc biệt, tàn tật... với tổng giá trị 45 triệu đồng.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2010, Chùa Phổ Môn cũng đã tiến hành tặng quà trị giá hơn 50 triệu đồng cho trẻ em khuyết tật, mồ côi... của 6 tỉnh Bắc miền Trung. Riêng Đại đức Thích Minh Hương - trụ trì chùa Lô Sơn, (phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) đã trao 17 suất quà cho các em mầm non, 12 suất quà cho các em tiểu học và 18 suất quà cho các em THCS con nhà nghèo, học giỏi trên địa bàn phường; Thượng toạThích Minh Trí - trụ trì chùa Ân Hậu - Nghi Đức - TP Vinh tặng hai ngôi nhà trị giá 50 triệu đồng cho UBMT Tổ quốc tỉnh, tặng 21 suất quà cho các gia đình chính sách, khó khăn, tặng 30 phần quà cho các em học sinh vượt khó học giỏi của hai trường THCS và Tiểu học xã Nghi Đức ngay tại chính buổi lễ nhậm chức.
Ông Nguyễn Hồng Nhị - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: "Với phương châm: "Đạo pháp - Dân tộc và chủ nghĩa xã hội", thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Nghệ An đã động viên các tăng ni, phật tử trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, sống "tốt đời, đẹp đạo." Đặc biệt, tăng ni, phật tửđã tích cực tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và cuộc vận động "Ngày vì người nghèo" do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, góp phần cùng đẩy mạnh sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Những đóng góp trên của tăng ni, phật tửđã tích cực góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tựở từng địa phương và trên phạm vi toàn tỉnh. Ủy ban MTTQ tỉnh tin tưởng Chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, phật tử Phật giáo Nghệ An luôn đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Thanh Thủy