Cần có sự quan tâm đúng mức

23/10/2011 17:33

Kinh tế thuỷ sản là lĩnh vực quan trọng của một bộ phận không nhỏ nhân dân các xã ven biển, hiện tỉnh ta đang phát triển mạnh cả 3 lĩnh vực: nuôi trồng, chế biến và khai thác. Song để kinh tế thuỷ sản phát triển mạnh hơn và bền vững, cần có đầu mối thống nhất quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với lĩnh vực này.

(Baonghean.vn) Kinh tế thuỷ sản là lĩnh vực quan trọng của một bộ phận không nhỏ nhân dân các xã ven biển, hiện tỉnh ta đang phát triển mạnh cả 3 lĩnh vực: nuôi trồng, chế biến và khai thác. Song để kinh tế thuỷ sản phát triển mạnh hơn và bền vững, cần có đầu mối thống nhất quan tâm chỉ đạo thường xuyên đối với lĩnh vực này.

Với sản lượng khai thác hàng năm từ 40.000 - 50.000 tấn. hải sản, thu hút 6.500 - 7.000 lao động thường xuyên phục vụ và đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thuỷ sản hàng năm khoảng 14.000 ha, trong đó có gần 7.000 ha nuôi trồng theo phương thức công nghiệp. Tổng sản lượng hải sản khai thác hàng năm từ 2- 2,5 vạn tấn gồm tôm sú, cua, nghêu... Sản lượng hải sản chế biến từ 2- 2,5 vạn tấn gồm nước mắm, ruốc, hải sản khô, hải sản đông lạnh... Đi kèm theo đó, hạ tầng và dịch vụ nghề cá phục vụ cho kinh tế biển Nghệ An qua nhiều chính sách phát triển đã đạt những điều kiện cơ bản: Cảng cá Cửa Hội, Cảng cá Lạch Quèn và Cảng cá Lạch Vạn. Ngoài ra, còn có các bến cá nhân dân, các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá...

Nhìn lại chặng đường phát triển của tổ chức kinh tế phục vụ cho cả 3 lĩnh vực này qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ có những thăng trầm khác nhau. Ở lĩnh vực khai thác, trước đây theo đơn vị tàu thuyền, tổ, có 10 - 15 lao động/tàu thuyền. Thông thường để đóng được 1 chiếc tàu đánh cá, thường có sự góp vốn chung của 1-3 gia đình hoặc nhiều hơn. Đến năm (1994-1995) có dự án vươn khơi của Chính phủ ra đời (dự án 4.000 tỷ đồng) đã thúc đẩy hình thành tổ chức kinh tế mới: HTX khai thác thuỷ sản ra đời.

Các tổ hợp tác khai thác thủy sản ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) phát huy hiệu quả.

Và chỉ tồn tại được trong mấy năm ngắn ngủi, các HTX này đổ vỡ, giải tán do không hoạt động đúng tính chất của HTX. Những HTX này ra đời với mục đích đáp ứng điều kiện "cần" để tiếp cận dự án, mà các nhà quản lý cho rằng đó là những HTX "đẻ ngược" để tiếp cận dự án. Thời điểm này, Nghệ An có 27 HTX khai thác thuỷ sản, tiếp cận mới 38 tàu đánh bắt xa bờ của dự án. Nhưng khi có tàu to, máy lớn đưa vào sử dụng, lại nảy sinh một số bất cập ở chỗ trình độ kỹ thuật của các thuyền viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Thêm vào đó, tại thời điểm ấy mỗi khi tàu gặp sự cố, hỏng hóc, phải vào tận TP.Hồ Chí Minh mua phụ tùng thay thế vì thị trường Nghệ An và một số tỉnh lân cận không có bán. Thậm chí phải mời cả thợ từ TP.Hồ Chí Minh ra sửa chữa, thay thế phụ tùng, rất tốn kém. Hơn nữa, tàu lớn, tiêu hao nhiều nhiên liệu, khai thác không hiệu quả, lỗ tiền dầu... làm ăn không hiệu quả. Còn nhớ tại thời điểm đó, địa phương có doanh số thu nợ cao nhất là huyện Diễn Châu cũng chỉ được 7% (Diễn Châu 12 tàu). Sau khi hoạt động không trả được nợ vay, không đúng bản chất của HTX, chủ trương của Nhà nước cho thanh lý các đôi tàu vươn khơi của HTX. Các tàu còn hoạt động được sau khi bán cho tư nhân quản lý, sửa chữa, khai thác tốt hơn.

Sau nhiều năm thăng trầm, khẳng định nghề khai thác thuỷ sản trường tồn cùng với ngư dân các xã ven biển Nghệ An. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà hiện nay toàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được khoảng 139 tổ hợp tác khai thác thuỷ sản để liên kết, hỗ trợ nhau trong những chuyến xa khơi dài ngày. Tổ hợp tác khai thác thuỷ sản được thành lập tự nguyện, trên cơ sở đồng thuận của ngư dân cùng địa bàn, cùng ngư trường nhằm phát huy tinh thần hợp tác tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các tổ viên trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trên biển, góp phần xoá đói giảm nghèo; bảo vệ, phát triển nguồn lợi thuỷ sản và là lực lượng dân quân tự vệ hoạt động trên biển góp phần giữ vững an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia.

Việc thành lập các tổ hợp tác rất có lợi cho ngư dân, trong quá trình khai thác trên biển nếu hết nguyên liệu, dầu, đá lạnh, nước ngọt, lương thực thì chỉ một tàu quay vào đất liền vừa chở sản phẩm vào bờ tiêu thụ vừa tiếp nhiên liệu, lương thực cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi.

Như vậy, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, vừa tăng giá trị thu nhập cho các thành viên trong tổ khai thác. Đồng thời, khi gặp thiên tai, bão gió trên biển, thuyền này có thể hỗ trợ thuyền kia. Hay một tàu thăm dò phát hiện vùng nọ có nhiều cá thì cả 3- 4 tàu cùng tổ tập trung đánh bắt, nâng cao gấp nhiều lần sản lượng đánh bắt riêng lẻ. Riêng xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) đã thành lập 8 - 9 Hiệp hội nghề cá, lấy xóm làm đơn vị tổ chức, mỗi hiệp hội bao gồm từ 3- 5 tàu cùng liên kết đánh bắt ngoài khơi. Hiệp hội đồng thời cũng làm đơn vị tiếp nhận chính sách của Nhà nước.

Ở lĩnh vực chế biến, Nghệ An có truyền thống chế biến nước mắm và các loại hải sản đông lạnh khác. Trước đây có những hộ quy mô lớn sản xuất hàng trăm tấn chượp, nhưng vẫn là quy mô hộ. Bây giờ đã hình thành quy mô lớn hơn: Làng nghề chế biến hải sản. Và đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân chế biến hải sản như Doanh nghiệp Phương Mai - Quỳnh Lưu... Các sản phẩm chế biến cá, tôm, mực khô của Nghệ An được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, đem lại doanh thu khá lớn trong lĩnh vực này.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, trước đây chủ yếu nuôi tự phát theo quy mô hộ, nay đã hình thành nhiều tổ hợp tác và HTX nuôi trồng thuỷ sản tập trung nhiều ở 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh lưu. Tổ hợp tác, HTX trên cả 3 lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến đã góp phần thúc đẩy sản xuất thuỷ sản phát triển mạnh toàn diện: tăng sản phẩm nguyên liệu thuỷ sản xuất khẩu, khai thác tiềm năng mặt nước diện tích mặn lợ cho nền tảng thuỷ sản, tạo bước nhảy vọt về công tác giống thuỷ sản (tôm, cua, cá rô phi đơn tính). Đa dạng hoá mẫu mã thương hiệu sản phẩm hàng hoá thuỷ sản, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An và chính quyền các địa phương đã có nhiều cơ chế chính sách và các giải pháp nhằm quản lý và thúc đẩy phát triển lĩnh vực này nhưng chưa được triển khai đầy đủ, một số chính sách mới chỉ nằm trên giấy. Quản lý nhà nước về thuỷ sản là Sở Nông nghiệp, song trên thực tế nhiều ngành đang cùng phụ trách lĩnh vực này: Liên minh HTX, Hội Nông dân, chính quyền địa phương và các Hiệp Hội nghề cá. Do vậy, sự quan tâm chưa thống nhất, chưa đồng bộ, đang mang tính chất chủ quan của các ngành. Do đó chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi thực tế của lĩnh vực này.


Quỳnh Lan