Cơ hội và thách thức
(Baonghean.vn) Dự án Thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch xã thuộc 62 huyện nghèo được "khởi động" tại tỉnh ta từ tháng 6. Qua 4 tháng triển khai đã tuyển chọn được 26 gương mặt xuất sắc nhất. Tuy nhiên, nói về hiệu quả của dự án không ít người còn bày tỏ sự lo ngại...
Bài 1: Nhìn từ thực tế
Mặc dù mới được triển khai nhưng có thể thấy rõ sức "hút" của dự án này qua số lượng hồ sơ dự tuyển. Với 127 bộ hồ sơ của tất cả các ngành nghề, trong đó nhiều nhất thuộc các chuyên ngành nông-lâm nghiệp, kinh tế và kỹ thuật, luật và hành chính, sư phạm trong đó chiếm hơn một nửa là hồ sơ tốt nghiệp loại khá, giỏi. Phải rất khó khăn, Hội đồng tuyển chọn cấp tỉnh mới chọn ra được 76 hồ sơ sau khi đã qua vòng sơ loại tại các huyện, ưu tiên những chuyên ngành đang thực sự thiếu ở các huyện miền núi như: nông, lâm nghiệp, kinh tế kỹ thuật và luật. Các chuyên ngành còn lại dù có nhiều em tốt nghiệp bằng khá, nhưng căn cứ vào điều kiện thực tế ở các huyện, Ban tuyển chọn đã cương quyết loại bỏ. Ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ - Trưởng ban Chỉ đạo dự án, cho rằng: "So với mặt bằng chung của 61 tỉnh thành khác, chất lượng các ứng viên của tỉnh Nghệ An cao hơn hẳn. Do đó, để "so bó đũa chọn cột cờ" là điều không dễ dàng".
Mặc dù đầu vào khá đồng đều, song qua buổi phỏng vấn trực tiếp, nhiều yếu điểm của các ứng viên đã bộc lộ. Em Lô Khăm Phăn - xã Nga My, huyện Tương Dương tự tin: "Em sinh ra ở Tương Dương và muốn được lập nghiệp trên quê hương của mình và cuộc thi này là một cơ hội. Quyết tâm là thế nhưng khi hỏi về công việc tương lai, hầu hết các em đều rất mơ hồ về công việc mình sẽ làm. Một số thí sinh làm các thành viên của hội đồng giám khảo "giật mình" khi đưa ra những câu trả lời, không chính xác.
Hội đồng tuyển dụng đang phỏng vấn các ứng viên.
Trước câu trả lời: thu nhập bình quân đầu người của huyện Tương Dương là 2,6 triệu đồng/người của một ứng viên, ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch huyện Tương Dương không khỏi lo lắng: "Con số trên quá xa rời thực tế, các em đăng kí về làm việc tại địa phương mà không biết tí gì về tình hình KTXH ở đó thì liệu khi đứng trước hàng nghìn người, các em có điều hành được không?". Một ứng cử viên đăng ký về huyện Quế Phong, trước câu hỏi về chức năng của UBND xã, có em trả lời được đúng một ý: "Giải quyết các tranh chấp".
Ngoài ra, những vấn đề tối thiểu liên quan đến hệ thống chính trị, chính quyền nhà nước ở cấp xã như các chức danh của UBND xã, luật HĐND, UBND... các ứng viên đều trả lời lúng túng. Nhiều em còn nhầm lẫn giữa chức danh công chức xã và cán bộ công chức. Điều này cũng dễ hiểu vì phần lớn các em mới rời ghế nhà trường, chỉ có những cán bộ thu hút về theo Quyết định 26 hay cán bộ 30a đã qua thực tế ở cơ sở là trả lời khá tự tin. Các thành viên Ban giám khảo cũng không quên đưa ra các tình huống trực tiếp như: xử lý về một vụ khiếu kiện tập thể, giải quyết vấn đề chỗ ở cho các cán bộ xã, phương án di dời dân trong lũ lụt... để thử thách bản lĩnh của các ứng viên, nhưng đa phần đều chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trăn trở: 5 xã khuyết chức danh phó chủ tịch ở Quế Phong đều là xã nghèo, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế yêu cầu tối thiểu đầu tiên của một phó chủ tịch xã tương lai là phải biết tiếng dân tộc, biết phong tục tập quán của đồng bào, vậy nhưng đa phần các ứng viên đều chỉ biết Quế Phong qua sách vở. Các em chưa có kinh nghiệm thực tế, chưa va chạm nên sẽ rất khó khăn trong quá trình quản lý, điều hành.
Các ứng viên trước vòng phỏng vấn.
Bà Lê Thị Hoài Nam - Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy đưa ra ý kiến: "Đây là một dự án thí điểm vì thế có thể có thất bại, có thể có thành công. Bản thân tôi thực sự rất lo lắng cho các cháu, bởi các cháu dù có tốt nghiệp đại học, dù có là bằng khá, bằng giỏi nhưng với kiểu giáo dục "nghe - đọc - chép" như chúng ta hiện nay liệu các cháu có đủ kiến thức và kinh nghiệm khi đối diện với thực tế". Riêng ông Nguyễn Hồ Cảnh, sau vòng sơ loại ở huyện, ông đã trao đổi thẳng thắn: Chọn để về bồi dưỡng thì được, còn chọn để vào đảm nhiệm vai trò quản lý thì thực sự là khó cho các địa phương. Trí thức trẻ, thế mạnh của họ là kiến thức và ý chí, nhưng điều đó mới cần chứ chưa đủ để đảm nhận được nhiệm vụ của người lãnh đạo, nhất là trước áp lực của các xã đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.
Ông Nguyễn Hồng Hoa - Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn cũng không tránh khỏi lo lắng khi 8 xã cần bổ sung phó chủ tịch xã ở Kỳ Sơn là Hữu Kiệm, Hữu Lập, Bảo Nam, Bảo Thắng, Phà Đánh, Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống chủ yếu là dân tộc Thái, Khơ mú, "nếu đưa người dân tộc Thái về làm lãnh đạo ở xã toàn người Mông thì đồng bào chắc chắn không chịu, mà đưa người Kinh về thì các em sẽ phải mất khá nhiều thời gian để học tiếng, làm quen với phong tục tập quán và tìm hiểu tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh ở địa phương. Đó là chưa kể qua được vòng tuyển chọn các em còn phải qua vòng bầu cử theo Luật bầu cử ở cấp xã...".
Thực tế, việc đưa trí thức trẻ về tăng cường tại các xã, các khu vực khó khăn đã được thực hiện nhiều năm tại tỉnh ta, tuy nhiên, trong các chương trình trước chủ yếu đều tăng cường để làm công tác chuyên môn. Thực tế cũng cho thấy, sau mỗi chương trình như chương trình thu hút cán bộ trẻ theo Quyết định số 26 và Quyết định 1876 của tỉnh trước đây, số cán bộ trụ lại và tiếp tục phát huy được năng lực cũng không phải là nhiều.
Tại huyện Tương Dương, tỷ lệ thành công của hai chương trình này là 50/50, số cán bộ được giữ lại, chuyển qua biên chế và tiếp tục được cân nhắc nay cũng đã xấp xỉ tuổi 40. Hỏi chuyện những người may mắn tồn tại được sau các chương trình thu hút, một người đã chia sẻ: "Trong những ngày đầu mới lên các huyện vùng cao, chúng tôi rất khó khăn vì phải làm quen với tiếng nói, phong tục, tập quán của đồng bào. Gần một năm đầu, chúng tôi như người học việc, phải học lại tất cả và để trụ vững đến ngày hôm nay chúng tôi đã mất 10 năm phấn đấu không bền bỉ. Thế hệ chúng tôi làm anh "công chức quèn" còn khó khăn đến vậy, liệu các em mới bước vào đã làm "cán bộ" sẽ mất mấy năm thử thách đây".
Trao đổi với một phó chủ tịch xã trẻ (sinh năm 1982) mới được cân nhắc từ Bí thư đoàn lên làm lãnh đạo quản lý tại xã Công Thành - huyện Yên Thành, anh cho biết: "Quả thật là khó chị ạ. Mặc dù đã thâm niên công tác Đoàn, nhưng đôi khi tôi vẫn lúng túng trong điều hành công việc. Bởi trong ủy ban toàn những người đáng bậc cha, chú mình. Trách nhiệm nặng nề mà cái mình còn yếu lại là vốn sống, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng quản lý nên cũng thấy rất áp lực. Phải vừa làm, vừa lắng nghe, vừa học hỏi. Cũng may mình là người địa phương nên được tạo điều kiện chứ nếu là người nơi khác về sẽ rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu thiếu tự tin và quyết tâm...".
Gia huy - Mỹ Hà