Chưa tương xứng tiềm năng

09/09/2011 11:11

Năm 1998, Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh với diện tích quy hoạch hơn 143 ha. Sự kiện này chứng minh Nghệ An là một trong những địa phương sớm thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư vào KCN, Cụm công nghiệp (CCN). Mặc dù "đi sớm" nhưng hiệu quả lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

(Baonghean) - Năm 1998, Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập khu công nghiệp (KCN) Bắc Vinh với diện tích quy hoạch hơn 143 ha. Sự kiện này chứng minh Nghệ An là một trong những địa phương sớm thực hiện chủ trương quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư vào KCN, Cụm công nghiệp (CCN). Mặc dù "đi sớm" nhưng hiệu quả lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của tỉnh.

Dự án "đầu tay" làm KCN ở tỉnh ta là KCN Bắc Vinh (năm 1998) đến nay sau hơn 12 năm nhưng chỉ thực hiện được giai đoạn I có diện tích rộng hơn 60 ha (được phê duyệt 143 ha). Cho dù có 21 dự án đăng ký đầu tư và đã lấp đầy diện tích đất cho thuê, nhưng trên thực tế tại KCN này chỉ có 16 dự án đi vào hoạt động và những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hiệu quả thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những doanh nghiệp sau nhiều lần "thay quân" cuối cùng chỉ còn lại nhà xưởng và có không ít doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. KCN Nam Cấm (rộng 328 ha) nay "lọt thỏm" vào KKT Đông Nam nhưng cũng đã thu hút 58 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 812 tỷ đồng và 17,1 triệu USD. KCN Cửa Lò (rộng 50 ha) bởi liên quan đến nhiều yếu tố, nên KCN này đã " im hơi, lặng tiếng".

Năm 2007 Khu kinh tế (KKT) Đông Nam được thành lập với diện tích quy hoạch 18.826 ha, bao gồm 10 xã thuộc huyện Nghi Lộc, 6 xã của huyện Diễn Châu, 2 phường ở TX.Cửa Lò. Cùng với đó, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 8 KCN (gồm Hoàng Mai, Đông Hồi, Thọ Lộc, Sông Dinh, Tân Kỳ...) và 46 CCN, trong đó có 10 CCN đã đầu tư và đang hoạt động. Để thu hút đầu tư, tỉnh đã đổi mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư và rà soát, bổ sung các loại quy hoạch làm cơ sở vận động, thu hút đầu tư, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng quyền lợi cao nhất, thực hiện nghĩa vụ thấp nhất theo quy định của pháp luật... Nhờ vậy, tại KKT Đông Nam và các KCN trong tỉnh có 87 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (trong đó 10 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 18.226 tỷ đồng và 1.044 triệu USD. Tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong KKT và KCN (năm 2010) đạt hơn 2.118 tỷ đồng. Cùng với việc quy hoạch, thu hút đầu tư thì công tác thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KKT, KCN được quan tâm. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn gặp khó khăn, vẫn tập trung ưu tiên nguồn vốn và vận động các nguồn vốn khác đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 390 tỷ đồng, địa phương 277,33 tỷ đồng và doanh nghiệp 492,51 tỷ đồng. Tuy đạt được một số kết quả khả quan trong việc xây dựng và thu hút đầu tư vào KKT, KCN, CCN, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Nghệ An.


Chế biến đá trắng tại Công ty TNHH Phủ Quỳ (Quỳ Hợp).


Nhà máy Thực phẩm gia súc cao cấp Con Heo Vàng tại KCN Nam Cấm.


Sản xuất tôn và xà gồ thép của Công ty TNHH Châu Thức tại cụm công nghiệp Diễn Hồng - Diễn Châu.

Qua tìm hiểu được biết, tại KCN Bắc Vinh do Công ty phát triển KCN Bắc Vinh thuộc Tổng Công ty lắp máy Việt Nam LILAMA làm chủ đầu tư. KCN Nam Cấm do Công ty phát triển KCN Nghệ An làm chủ đầu tư. KCN Hoàng Mai do Công ty CP đầu tư Dầu khí V.I.P Việt Nam chủ đầu tư. KCN Đông Hồi do Công ty TNHH Viennam Investment Partners làm chủ đầu tư và phần lớn tại CCN là do địa phương chủ đầu tư. Một thực tế rất dễ nhận thấy ở tỉnh ta là đầu tư, xây dựng nhiều KCN, CCN và dàn trải trên nhiều địa phương, trong khi nguồn vốn hạn hẹp, nên luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư trầm trọng và việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, thi công dở dang, kéo dài nhiều năm. Tại dự án trọng điểm là KKT Đông Nam hiện nay có nhiều hạng mục thuộc diện ưu tiên đầu tư đang chờ vốn (các tuyến đường giao thông quan trọng N1 đến N5, D4, các khu tái định cư, hệ thống điện, cấp nước KCN Thọ Lộc, Nam Cấm, khu xử lý nước thải...). Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật của KKT Đông Nam trong giai đoạn đầu tư 2011- 2015 cần tới số tiền hơn 11.934 tỷ đồng. Và bên cạnh đó vốn đầu tư hạ tầng cho các KCN trong tỉnh (Giai đoạn 2011- 2015) cũng cần khoảng 9.108 tỷ đồng. Rõ ràng nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, nhưng nguồn ngân sách thì hạn hẹp, tỉnh ta cần tranh thủ tối đa các nguồn lực khác để đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, sử dụng hình thức hợp tác Nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đánh giá về xây dựng và thu hút đầu tư vào KCN, CNN ở tỉnh ta, Tiến sỹ Bùi Trường Giang- Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho hay: Với việc quy hoạch KCN, CNN trải rộng sẽ làm cho Nghệ An khó khăn hơn trong việc huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt trong việc thu hút những tập đoàn lớn. Những doanh nghiệp thu hút vào nghệ An chủ yếu sản xuất thép, xi măng, chế biến và khai thác đá... Các KCN thu hút đầu tư chưa có sự chọn lọc và thu hút theo ngành nghề nhằm tạo ra mối liên kết và hình thành các cụm, tuyến công nghiệp lớn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ chủ đầu tư hạ tầng KCN cố gắng lấp đầy KCN nhằm thu hồi vốn và tăng lợi nhuận. Các doanh nghiệp hầu hết thực hiện ở khâu sơ chế và xuất thô (đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, bột đá). Ngoài doanh nghiệp sản xuất thép Kobe - Nhật Bản, thì hiện nay tại Nghệ An đang thiếu các nhà đầu tư chiến lược và doanh nghiệp nước ngoài lớn có thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Vì vậy nên lựa chọn chiến lược hình thành cụm, tuyến công nghiệp theo từng giai đoạn cụ thể. Nên thu hút các doanh nghiệp PDI lớn, có tầm cỡ vào đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp vệ tinh tạo nên các KCN mang tính chuyên nghiệp thực sự.

Ông Cao Văn Chính - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: "Trong giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu của công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư nhằm thu hút vốn, nhất là nguồn lực từ bên ngoài vào KCN, CCN. Phấn đấu mục tiêu thu hút được 80 - 85.000 tỷ đồng đăng ký của các dự án đầu tư không sử dụng vốn ngân sách tỉnh và đạt 50 - 55% vốn đăng ký".

Để đạt được mục tiêu trên, trước hết tỉnh ta cần nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Thời gian qua, công tác này đạt được kết quả khả quan, vì ngoài việc chuẩn bị tốt tài liệu xúc tiến đầu tư (tiếng Việt và tiếng Anh), còn tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, nhất là ký kết chương trình hợp tác phát triển KT - XH với các tỉnh, thành trong nước... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả hơn, cần có chính sách vận động thu hút đầu tư các đối tác, nhà đầu tư trọng điểm phù hợp với định hướng thu hút của tỉnh. Gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư Quốc gia, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong khu vực... Xúc tiến đầu tư mang tính chuyên nghiệp cũng là điều cần thiết hiện nay đối với tỉnh ta. Cùng với chú trọng công tác xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch, thì việc thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KCN, CCN phải được chú trọng. Một vấn đề nổi cộm hiện nay tại KCN tỉnh ta là nhà ở của người dân "chung đất" cùng KCN. Tại KCN Hoàng Mai hiện vẫn còn tình trạng khu dân cư chưa giải tỏa được, vì chủ đầu tư chưa tiến hành đền bù GPMB và tình trạng này cũng đang xẩy ra tại KKT Đông Nam... Một trong những cơ sở quan trọng để khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào KCN, CNN và công tác giải phóng mặt bằng. Làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư là mục tiêu thực hiện trong thời gian tới của tỉnh. Cùng với đó tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong các KCN, CCN...

Với sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, thì đến nay trên địa bàn tỉnh ta KKT, KCN, CCN có những bước phát triển quan trọng về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, từ thực tế đã nêu ở trên, có thể thấy rằng việc xây dựng, thu hút đầu tư KKT, KCN, CCN của tỉnh ta chưa xứng với tiềm năng. Để đạt được hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp có tính quyết định như: Vốn đầu tư, cơ chế chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư và mô hình quản lý... Có như vậy mới tạo được "dấu ấn" và bước đột phá trong việc phát triển KKT, KCN, CCN của Nghệ An.


Hoàng Vĩnh