Bài cuối: Cách nào để "chọn mặt gửi vàng"?
Phát triển KCN được khẳng định hướng đi đúng đắn trong thời kỳ kinh tế mở cửa, tạo đà cho tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, để KCN Nam Cấm thực sự đạt được kết quả như mong muốn, ngoài những cơ chế thông thoáng, khâu then chốt bắt đầu từ việc nhận diện nhà đầu tư, quản lý tốt "hậu cấp phép".
(Baonghean) - Phát triển KCN được khẳng định hướng đi đúng đắn trong thời kỳ kinh tế mở cửa, tạo đà cho tỉnh nhà phát triển. Tuy nhiên, để KCN Nam Cấm thực sự đạt được kết quả như mong muốn, ngoài những cơ chế thông thoáng, khâu then chốt bắt đầu từ việc nhận diện nhà đầu tư, quản lý tốt "hậu cấp phép".
Ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định của Chính phủ như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế TNDN, Luật Thuế XNK, Quyết định số 85/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Cấm còn được hưởng các ưu đãi riêng của tỉnh ban hành theo Quyết định số 02/2010/QĐ-UBND ngày 07/01/2010 của UBND tỉnh Nghệ An. Rõ ràng là tỉnh đã nỗ lực tạo hành lang chính sách thông thoáng có tính khuyến khích cao đối với nhà đầu tư nhưng vì nguyên nhân chủ quan, khách quan, có quá nhiều dự án sản xuất cầm chừng hoặc không tiến hành triển khai đầu tư. Một số doanh nghiệp vì khủng hoảng kinh tế, đầu vào, đầu ra cho sản xuất khó khăn; một số năng lực tài chính hạn chế; một số nữa là lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, nhiều năm đầu tư không phải nộp tiền thuê đất (miễn tiền thuê đất 11, 15 thậm chí là 20 năm), nên lợi dụng giữ đất.
Ông Phan Xuân Hóa - Phó Ban quản lý KKT Đông Nam bức xúc cho rằng: Chính sự thông thoáng của Luật đã tạo kẽ hở cho một số nhà đầu tư lách. Ông Hóa lấy ví dụ, nếu như quy định trước đây khi nhà đầu tư muốn đăng ký thuê đất thì phải được thẩm tra năng lực tài chính của dự án. Thế nhưng, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2006 lại quy định dự án có vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng mới phải thẩm định. Điều đó có nghĩa, dưới 300 tỷ đồng là ung dung đăng ký thuê đất, mà nhà đầu tư vào KCN Nam Cấm vốn chủ yếu dưới 200 tỷ, thậm chí chỉ vài chục tỷ. Vì thế, chiếu theo Luật là phải cấp phép và kết quả là dự án treo, trao tay chuyển nhượng ngầm đã diễn ra khá phổ biến gây bức xúc dư luận.
Hiện tượng găm giữ đất, "xí phần" mà không triển khai dự án không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất, tạo tiền lệ xấu mà bài học nhãn tiền là "tuột" mất một số nhà đầu tư quan tâm muốn đầu tư vào Nam Cấm dự án lớn nhưng không có mặt bằng. Đó là trường hợp mới đây của Công ty Nhựa Tiền Phong (Hải Phòng) muốn mở rộng thị phần đầu tư vào khu vực miền Trung một nhà máy và chọn Nam Cấm để đầu tư nhưng sau khi tìm hiểu không còn "chỗ" đã quay ra Thanh Hóa. Hay như Công ty CP Việt Trung đang sản xuất có hiệu quả tại khu C, muốn mở rộng nâng công suất dây chuyền nhà máy từ 25.00m3/năm lên 80.000m3/năm, không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động mà còn tạo nguồn cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng/năm. Để thực hiện kế hoạch nâng cấp nhà máy, ngoài bài toán xây dựng vùng nguyên liệu, vấn đề đặt ra là phải có quỹ đất để mở rộng lắp đặt thêm dây chuyền thiết bị. Trong khi Việt Trung loay hoay chờ có mặt bằng để mở rộng thì nhiều dự án lại bỏ hoang, hàng trăm, hàng nghìn mét vuông đất không được sử dụng hợp lý!
Việc găm giữ đất khiến nhiều cuộc họp xử lý giữa các bên liên quan đã phải tổ chức, thậm chí là kiện tụng kéo dài. Ngay như ngày 14/9 mới đây, Ban QL KKT Đông Nam trong một ngày đã phải làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư để bàn biện pháp giải quyết (Công ty CP thương mại Hoa Kỳ, Công ty CP khoáng sản Việt Thành, Công ty CP Bao bì Toàn Thắng, Công ty TNHH chế biến hải sản Trang Hải và Công ty thương mại và dịch vụ Thái Hồng).
"Chúng tôi kiên quyết thu hồi đối với dự án cố tình kéo dài không đầu tư" là ý kiến của lãnh đạo BQL KKT Đông Nam. Và đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong cuộc làm việc với Ban về phát triển Khu kinh tế Đông Nam, các KCN Nghệ An giai đoạn 2011-2015: "Khẩn trương và kiên quyết xử lý các dự án chậm, kéo dài, chưa đầu tư, chiếm giữ đất để chuyển nhượng... theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tế ở Nghệ An." (Thông báo số 323-TB/TU ngày 6/9/2011 của BTV Tỉnh ủy)
Khi thu hút đầu tư, chúng ta tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư nhưng chúng ta lại thiếu cơ chế ràng buộc họ có những cam kết với cơ quan quản lý dự án, thiếu chế tài, biện pháp để sàng lọc những nhà đầu tư năng lực tài chính kém. Thế mới biết, việc nhận diện nhà đầu tư có năng lực tài chính, để "chọn mặt gửi vàng", mới khó khăn làm sao? Đã đến lúc Nhà nước phải nâng tầm địa vị pháp lý, chức năng và thẩm quyền của ban quản lý các KCN- KKT hiện nay, và có như vậy, các ban quản lý mới có thể làm tốt hơn công tác kiểm tra, hậu kiểm đối với các DN.
Thu Huyền