Để nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững

10/10/2011 17:35

(Baonghean) - Những năm gần đây, tại một số địa phương ven biển trong tỉnh nuôi tôm thẻ chân trắng không chỉ là một hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy sản mà còn giúp "giải cứu" những hộ nuôi tôm sú làm ăn thất bát.

Ông Nguyễn Ngọc Sáng, xóm 6, xã Quỳnh Liên, huyện Quỳnh Lưu là một trong những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng của huyện Quỳnh Lưu. Từ nghề nuôi này, hiện tại gia đình anh đã sắm được ô tô cùng cơ ngơi bề thế, thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng.

Những hộ làm giàu nhờ nuôi tôm thẻ như gia đình anh Nguyễn Ngọc Sáng không phải là hiếm. Lợi nhuận từ nghề này mang lại đã khẳng định: Nuôi tôm thẻ chân trắng là nghề làm giàu cho nhiều hộ. Ông Văn Đức Cường, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Phú Cường, xã Mai Hùng, huyện Quỳnh Lưu, cho biết: "Trước đây, nông dân trong huyện thường nuôi tôm sú. Nhưng từ khi hiệu quả của nghề nuôi tôm thẻ được khẳng định và những thất bát, rủi ro trong nuôi tôm sú ngày càng gia tăng thì hầu hết nông dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ" chân trắng. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề nuôi tôm, ông Cường làm phép tính rồi nói thêm: "Nghề nuôi tôm sú có khoảng 20% số hộ thắng lợi và 80% số hộ thất bại, nhưng nuôi tôm thẻ chân trắng chỉ có 20% số hộ thất bại, trong khi đối tượng nuôi này không quá phức tạp và mất nhiều thời gian nuôi như tôm sú. Với 5.000 m2 ao, khi nuôi tôm sú cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng thì nuôi tôm thẻ chân trắng cho lợi nhuận có thể đạt trên 400 triệu đồng. HTX nuôi trồng thủy sản Phú Cường có 40 hộ tham gia nuôi tôm thẻ chân trắng, hiệu quả được khẳng định qua từng vụ nuôi và ai cũng thừa nhận".



Vùng nuôi tôm xã Mai Hùng, huyện Quỳnh Lưu.



Nông dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) thu hoạch tôm thẻ chân trắng

Cũng do lợi nhuận cao từ nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cùng với sự giúp đỡ của ngành Thủy sản và các địa phương, nông dân đã chuyển đổi các diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất làm muối kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Văn Học, Chi cục trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản Nghệ An, cho biết: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Nghệ An chiếm 91% diện tích nuôi tôm toàn tỉnh. Có nhiều vùng nuôi hiện đã chuyển sang nuôi 100% tôm thẻ chân trắng, như: Nghi Thái, Nghi Quang (huyện Nghi Lộc); Diễn Trung, Diễn Kim (huyện Diễn Châu); Mai Hùng, Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân (huyện Quỳnh Lưu)... Ông Lê Đức Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cũng cho biết: Ở Quỳnh Lưu đã có nhiều xã phát triển được nghề nuôi tôm thẻ chân trắng và đây là một trong những hướng chuyển đổi nghề mang lại hiệu quả cao tại địa phương.

Tuy vậy, nuôi trồng thuỷ sản tiềm ẩn những rủi ro, dịch bệnh và nhiều vấn đề khác đặt ra với nuôi tôm thẻ chân trắng cũng không nằm ngoài quy luật đó. Hiệu quả từ nuôi tôm thẻ chân trắng là không bàn cãi, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nghề nuôi này thực sự phát triển bền vững, lâu dài và hạn chế thấp nhất những rủi ro. Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết: Đây là vấn đề được ngành Thủy sản và các địa phương ven biển đặt ra và bàn tính đến. Tuy nhiên, để giải được bài toán này là điều không đơn giản, phải có sự vào cuộc không chỉ của ngành Thủy sản mà còn của cả các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cả các hộ nuôi.

Giải pháp được đặt ra là làm tốt việc quản lý tôm giống, quy hoạch, khoanh vùng nuôi, giám sát môi trường dịch bệnh để phát hiện và có những biện pháp xử lý kịp thời. Những vấn đề này, thực tế tại các vùng nuôi trong tỉnh, để làm tốt được là điều không dễ. Ngay như khâu xử lý môi trường, tránh việc gây ô nhiễm nguồn nước thì mỗi một vùng nuôi đang có những khó khăn, vướng mắc riêng. Đơn cử, tại nhiều vùng nuôi tôm ở huyện Quỳnh Lưu, chưa có hệ thống xử lý đầu ra của nguồn nước khi nuôi tôm và những khó khăn khác trong quản lý con giống, dịch bệnh. Theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết thì đây đang là thách thức của ngành và của địa phương trong việc phát triển bền vững nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.

Để khắc phục những vấn đề trên, ngành Thủy sản Nghệ An và các địa phương cần tập trung xây dựng các mô hình nuôi tôm bền vững; triển khai các giải pháp về xử lý môi trường, quản lý tốt con giống đầu vào, làm tốt công tác thú y thủy sản.., để đưa nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển bền vững, lâu dài, giảm thấp nhất những rủi ro.


Nguyễn Văn Nhật