Yên Khê (Con Cuông): Giữ mãi "hồn quê"

23/10/2011 17:06

(Baonghean.vn) Xã Yên Khê (Con Cuông) có hơn 1.200 hộ (hơn 5.000 nhân khẩu), trong đó khoảng 75% dân số là đồng bào dân tộc Thái. So với các địa phương khác trong toàn huyện, Yên Khê là một trong những "điểm sáng" về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Hiện tại, toàn xã có 6/9 bản được công nhận danh hiệu Làng văn hóa. Có thể nói, phong trào xây dựng đời sống văn hóa chính là cơ sở để đồng bào dân tộc Thái ở Yên Khê thực hiện tốt công tá c bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Hiện xã đã thành lập được 2 CLB Dân ca Thái của bản Nưa và bản Tờ với tổng số lên tới 40 hội viên. Trong vòng hơn 3 năm qua, 2 CLB này thực sự đã khơi dậy niềm say mê và yêu mến những khúc hát dân ca, là "điệu hồn" và "nhịp sống" của bao thế hệ người Thái. Thành viên của 2 CLB này trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa - văn nghệ trong xã.

Chị em bản Nưa (Yên Khê - Con Cuông) bên mâm cơm truyền thống của người Thái.

Điều đáng mừng nhất ở Yên Khê là bà con ý thức được ngôi nhà sàn chính là không gian đặc trưng của đời sống văn hóa, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất lẫn tinh thần. Hiện nay, toàn xã đang có khoảng 300 ngôi nhà sàn cổ của đồng bào dân tộc Thái. Trong đó tiêu biểu nhất là bản Nưa có gần 100 nhà, bản Tân Hương gần 80 nhà. Tìm đến bản Nưa, ấn tượng nhất đối với mọi người chính là những con đường sạch đẹp và từng dãy nhà sàn mọc lên san sát, gợi lên vẻ thanh bình, nền nếp của một bản làng vùng cao. Ông Vi Văn Lượng, Bí thư Chi bộ bản Nưa cho biết: "Người dân bản ta quý cái nhà sàn lắm, vì nó là "hồn" của bản làng người Thái, mất đi một ngôi nhà sàn tức là mất đi nét văn hóa truyền thống của ông cha để lại".

Yên Khê nằm giữa thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi đá điệp trùng tạo nên cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng. Đặc biệt, trong các dãy núi đá nơi đây có nhiều hang động đẹp và kỳ vĩ, mỗi hang động gắn liền với câu chuyện truyền thuyết về thời kỳ khai bản, lập mường cũng như quá trình đấu tranh với thiên nhiên để xây dựng và bảo vệ cuộc sống cộng đồng.

Trong đó, đáng chú ý nhất là hang Nàng Màn (tiếng Thái gọi là thẩm Nàng Màn) và suối nước Mọc. Cho đến hôm nay, suối Nước Mọc hay Nàng Màn đã trở thành một điểm tham quan lý thú của du khách gần xa. Điều đáng nói là mỗi người dân Yên Khê đều có thể trở thành một "hướng dẫn viên" tận tình và chu đáo khi có khách xa đến tham quan, tìm hiểu về những danh lam, thắng cảnh trên mảnh đất quê hương mình.

Anh Vi Văn Thìn, cán bộ Ban Văn hóa xã cho biết: "Yên Khê là "cửa ngõ" của Vườn quốc gia Pù Mát và nằm trong vùng quy hoạch xây dựng Thị xã Trà Lân nên chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và giữ gìn cảnh quan làng bản để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Chắc chắn, bà con sẽ phát huy sức mạnh để xây dựng Yên Khê thực sự là "điểm đến" của du khách trên con đường khám phá vẻ đẹp miền Tây xứ Nghệ".


Công Kiên