Nhọc nhằn nghề muối: Bài I - Muối... đắng!
Để có được hạt muối chát mặn, người diêm dân phải trải qua biết bao nhọc nhằn, cực khổ. Thế nhưng bao đời nay "phận muối" vẫn hẩm hiu. Giá muối quá thấp, diêm dân đang lao đao trong vòng quay bão giá.
Làng muối ở Diễn Vạn -Diễn Châu xưa có tên gọi là Vạn Phần với nghề làm nước mắm nổi tiếng khắp vùng. Hồi ấy đồng làng sình lầy mọc toàn cỏ lác, lau sậy, là nơi trú ngụ của rắn rết, chim cò. Mỗi làng mạc như những đảo hoang, bởi tứ bề đều bị sông lạch bao bọc. Vào mùa lũ nước ngập cả làng mạc, nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi. Nhưng từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng con đê, trở thành tấm lá chắn ngăn bão gió triều cường, ôm ấp lấy những xóm, làng, thì cấp uỷ, chính quyền xã Diễn Vạn mới tìm được con đường để góp phần cứu dân thoát nghèo. Đó là huy động tổng lực từ sức dân, cùng với hỗ trợ của Nhà nước, khai hoang phục hoá, biến những cánh đồng sình lầy trở thành cánh đồng muối Vạn Nam, Vạn Tài... ngày nay.
Nghề muối xưa nay vẫn được xếp vào hàng nghề nặng nhọc, nhưng đời sống bà con diêm dân lại bấp bênh.
Những ngày tháng 7 âm lịch, tiết trời mưa nắng xập xìu, chúng tôi vẫn thấy những bóng dáng diêm dân đang cần mẫn trên những cánh đồng muối mênh mông ở Diễn Vạn - Diễn Châu. Ông Phạm Vĩ đã gần 80 tuổi, da xạm đen vì nắng gió, cả bộ áo quần thấm đẫm mồ hôi phả ra mùi mặn chát đang rải cát trên ruộng muối than thở: Năm nay mưa nắng thất thường, diêm dân làm muối bầy tui khổ hết chỗ nói. Anh coi, công sức hai thân già này làm cả ngày, chiều trời lại đổ mưa thế là "treo niêu".
Nghề muối vốn là nghề nặng nhọc, chỉ phù hợp với sức vóc đàn ông, trai tráng. Thế nhưng ở Diễn Vạn, sự nặng nhọc ấy vẫn được dồn lên những bờ vai gầy gò của phụ nữ, trẻ em và cả người già. Vì thương những đứa con vất vả làm nghề muối, ông Vĩ, bà Hiên dù tuổi cao sức yếu nhưng vẫn cứ phải cố sức để làm muối. Ở Diễn Vạn đang còn rất nhiều cụ ông, cụ bà tuổi "thất thập, cổ lai hi", "gần đất, xa trời" nhưng vẫn lê bước ra cánh đồng muối giúp sức với cháu con.
Dưới cái nóng hầm hập trên cánh đồng muối Vạn Nam, chị Lê Thị Hoá đầm đìa mồ hôi trên tấm áo bạc phếch vì muối, cho biết: "Hôm nay trời không mưa, thu được vài tạ muối là ngày mai có gạo anh ạ!" Chị Hoá kể: Nghề muối bao nỗi gian truân không phải ai cũng biết. Khi trời nắng to, người ta nghỉ ngơi mình lại xách đồ nghề ra đồng muối, làm quần quật đến tối mịt mới về. Phương pháp làm muối của Diễn Vạn vẫn theo kiểu truyền thống. Khi thuỷ triều lên, nước biển, thủ công. Diêm dân phải ra đồng muối từ khi gà chưa gáy sáng giữa trưa hè nắng gắt, nhiệt độ lên tới 35-40 độ c, gió Lào quạt cho phờ phạc thì người làm muối vẫn phải ra đồng. Chiều về cả cánh đồng muối lại nhộn nhịp tiếng cười nói, tấp nập xe cút kít đưa muối về kho.
Trong ráng chiều đỏ thẫm, phía ruộng muối bên kia, chị Phan Thị Hào dáng người tiều tuỵ, gầy xanh đang liêu xiêu đẩy cát. Vuốt những giọt mồ hôi trên mặt, chị nói khẽ: "Thu muối vào kho xong, lại tranh thủ chuẩn bị đẩy cát. Làm đến khi trăng lên mới về anh ạ." Mấy năm nay chị Hào bệnh tật liên miên, khiến thân hình gầy quắt chỉ có 32 kg, nhưng chị vẫn đẩy cả tạ cát, gần gấp 3 trọng lượng cơ thể chị.
Để đầu tư ô nại, theo chị Hào, do ở cách xa bờ biển hơn 2 km nên diêm dân Diễn Vạn phải sang tận xã Diễn Kim mua từng xe bò lốp cát biển với giá 100.000 đ/1 m3 cát. Ngay từ đầu vụ còn phải bỏ ra chi phí gần 3 triệu đồng để cải tạo ô nề, nhưng tính ra chi phí mỗi ngày làm cật lực bà con thu được từ 80.000 đ-100.000 đ. Nhưng làm nghề muối thời gian mỗi năm chỉ từ 4-5 tháng. Những tháng ngày nông nhàn còn lại không có việc làm thì bà con lại phải đi làm mướn, đào ao thuê, bốc gạch ngói
Chiều muộn. Mây đen vần vũ kéo về, tôi vẫn thấy bóng dáng những diêm dân đang liêu xiêu đẩy xe cút kít "chạy mưa" trên cánh đồng muối ở Vạn Nam- những cơn mưa chiều "chết muối".
Văn Trường - Phú Hương