Quế Phong : Phát triển kinh tế hợp tác

23/10/2011 16:52

(Baonghean.vn) Đầu năm 2011, UBND huyện Quế Phong đã thông qua Đề án "Phát triển kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại giai đoạn 2011 - 2015". Mục tiêu đến năm 2015 huyện sẽ hình thành và phát triển các nghề: sản xuất đồ gỗ cao cấp, sản xuất hương trầm, chăn nuôi giống đặc sản quý hiếm (nhím, chồn, hươu, nai), sản xuất phân bón tổng hợp, sản xuất hàng mây tre đan và dệt thổ cẩm. Dự kiến đến 2015 sẽ phát triển 33 HTX, 141 trang trại trên địa bàn 14 xã, thị trấn toàn huyện.

Theo đó, huyện Quế Phong cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề, xây dựng thành lập các tổ chức kinh tế doanh nghiệp, HTX, trang trại như: cho thuê đất hoặc chuyển nhượng ruộng đất để tích tụ đất, miễn giảm phí thủ tục trong chuyển đổi ruộng đất, hỗ trợ đầu tư địa điểm có cơ sở hạ tầng cho HTX và trang trại, xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại các sản phẩm: rượu Mu Từn, vịt bầu, chanh leo, quế, cánh kiến...

Nghề dệt thổ cẩm góp phần ổn định cuộc sống cho đồng bào vùng cao

Ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, cho biết: Tính đến tháng 6/2011 toàn huyện đã có 81 trang trại, 10 HTX, 518 cơ sở và hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ. Thời gian qua, một số xã, thị trấn hình thành nhiều tổ chức kinh tế và phát triển ngành nghề khá mạnh như Thị trấn Kim Sơn (322 cơ sở), xã Nậm Nhóng (18 trang trại), xã Châu Kim, Mường Nọc, Tiền Phong (mỗi xã có 2 HTX Nông nghiệp và phi nông nghiệp) đã góp phần thúc đẩy các ngành nghề phát triển đa dạng, tạo ra nhiều giá trị thu nhập cho bà con và làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Khảo sát tại 3 cơ sở gồm: HTX Nông nghiệp dịch vụ Châu Kim - Bản Đô xã Châu Kim, tổ hợp thu mua và chế biến lùng xã Quế Sơn và HTX dệt thổ cẩm Cỏ Noong xã Mường Nọc, chúng tôi được chứng kiến quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, HTX khá phát triển, có khả năng đáp ứng tốt các dịch vụ, việc làm cũng như thu nhập cho người lao động.

Ông Vi Văn Nhất - Chủ nhiệm HTX Châu Kim, cho biết: HTX Châu Kim mới đại hội tháng 5/2011, nhưng đến nay HTX đã cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả: Phân bón tổng hợp, thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa lai... Ngoài ra, HTX đầu tư 1 máy sản xuất phân vi sinh (phân dúi) với sản lượng 18 tấn/tháng, đủ cung cấp cho 197 ha lúa nước sản xuất 2 vụ chính trên địa bàn. Từ kết quả thực tế cho thấy phân bón đông viên của HTX đã góp phần chống rửa trôi trôi ruộng bậc thang.

Ông Dân - tổ hợp thu mua nguyên liệu và chế biến lùng xã Quế Sơn cho hay: Cơ sở chúng tôi trực tiếp thu mua lùng cho bà con tại xưởng với giá 1.000 đồng/kg lùng đã cắt ống và chẻ thô. Đồng thời đầu tư 1 xưởng chế biến với 3 máy chẻ, truốt trơn sản phẩm tăm hương xuất khẩu. Tổ hợp thường xuyên thu hút từ 20 - 25 lao động phục vụ cho việc chẻ cật lùng và vận hành máy. Kết quả ban đầu được người dân Quế Phong rất ủng hộ vì người dân có việc làm và thu nhập ngay tại địa phương.

Chủ trương khuyến khích phát triển ngành nghề, thành lập các trang trại, HTX và tổ hợp kinh doanh của Huyện uỷ, UBND huyện Quế Phong là chính sách năng động kịp thời và thiết thực, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc miền núi toàn huyện. Mới đây, Liên minh HTX tỉnh đã lên huyện Quế Phong để tư vấn hỗ trợ và giúp đỡ các cơ sở thực hiện chủ trương của huyện. Nhằm tạo động lực cho HTX Cỏ Noong duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm tại xã Mường Nọc, và xã Tiền Phong trở thành Làng nghề dệt thổ cẩm, Liên minh HTX đã trao tặng HTX 2 máy khâu Trung Quốc trị giá 5 triệu đồng. Đồng thời giúp cơ sở mây tre đan, dệt thổ cẩm mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Hỗ trợ HTX dịch vụ Nông nghiệp Châu Kim 15 triệu đồng để tư vấn hướng dẫn hoạt động của HTX. Những tác động tuy nhỏ,nhưng đã góp phần giúp Quế Phong thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đề án giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra.


Quỳnh Lan