Bà con giáo dân Nghệ An nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá

25/10/2011 16:43

(Baonghean.vn) Trước kia, thôn Tân An (xã An Hoà, Quỳnh Lưu) vốn là một xóm giáo toàn tòng, một làng chài nghèo bên sông Mai Giang, nhà cửa tạm bợ luôn bị thiên tai đe doạ, quanh năm cảnh "gạo chợ nước sông" thiếu đói triền miên. Nhưng hơn 10 năm lại đây, đời sống của thôn Tân An thay đổi nhanh chóng. Bà con vươn lên mạnh dạn đầu tư đóng mới những con thuyền lớn đủ sức ra khơi xa, hiện thôn đã có tới 35 thuyền công suất lớn, mỗi thuyền trị giá trên 1 tỷ đồng. Bà con còn năng động vay vốn mở mang thêm nhiều nghề mới.

Bên cạnh nghề truyền thống như làm muối, chế biến hải sản, hiện nay Tân An còn có nhiều nghề mà trước kia chưa có như: chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, các dịch vụ hậu cần nghề biển (nước đá, xăng dầu, sửa chữa cơ khí,..). Thôn Tân An là hình ảnh tiêu biểu về nỗ lực xây dựng đời sống kinh tế, văn hoá của vùng đồng bào có đạo của Nghệ An.

Ông Dương Hà Nam, trưởng thôn Tân An cho biết: Đến nay thôn đạt 100% nhà ngói hoá, 90% có nhà kiên cố, đường làng ngõ xóm cơ bản bê tông hoá, đặc biệt 100% nhà dân có nhà vệ sinh tự hoại. Nét nổi bật của Tân An là sự cần cù, năng động, sáng tạo của người dân cộng với tinh thần cách mạng, tình đoàn kết gắn bó trong cuộc sống rất cao, đó cũng là nguồn động lực để xây dựng Tân An thành xóm văn hoá. Năm 2009, nghề chế biến hải sản của Tân An được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề. Cũng trong năm học vừa qua, thôn có 8/8 em thi đỗ ĐH, CĐ số học sinh thi vào THPT, CĐ, ĐH ngày càng tăng.



Về Nghi Lộc, một huyện có đông đồng bào theo đạo với hơn 9400 hộ, hơn 44 ngàn nhân khẩu ở 53 họ đạo, 17 giáo xứ. Chỉ tính trong vòng 5 năm lại nay, đời sống kinh tế của bà con giáo dân đã tăng lên không ngừng, thu nhập bình quân đầu người từ 4,7 triệu đồng/người/năm(2005) tăng lên 11,6 triệu đồng/người/năm(2010), tăng 244%; số hộ khá và giàu tăng hơn 3 lần, không còn hộ đói và nhà tranh tre tạm bợ.

Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của bà con giáo dân xuất hiện như mô hình nuôi trồng thuỷ sản của gia đình chị Hà ở giáo xứ Tân Lập, Nghi Quang; mô hình kinh tế VAC kết hợp làm mộc dân dụng của hộ anh Quảng ở Nghi Thuận; mô hình kinh tế trang trại của hộ ông Tuân, giáo xứ Xuân Mỹ, Nghi Đồng; mô hình kinh doanh gạch xây dựng của hộ anh Lương, giáo họ Ngọc Sừ, Nghi Trung; mô hình bện chổi đót của gia đình ông Lạc, giáo họ Xuân Sơn, Nghi Hưng... có thu nhập từ 50 - 150 triệu đồng/năm. Nét nổi bật trong phong trào giúp nhau làm kinh tế ở vùng giáo những năm gần đây là đã phục hồi và phát triển làng nghề thủ công truyền thống như làng nghề mây tre đan ở giáo xứ làng Anh (Nghi Lộc), làng nghề chế biến hải sản ở giáo xứ Tân An (Quỳnh Lưu), giáo xứ Mỹ Dụ (Hưng Nguyên)... Nói về phong trào phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng của vùng giáo. Ví như phát triển kinh tế trang trại của giáo dân Diễn Châu khá đa dạng, có các mô hình trang trại trồng hoa cây cảnh của ông Nguyễn Viết Cường, giáo xứ Đông Tháp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; trang trại ông Lê Xuân Bát ở giáo họ Phúc Thịnh thu nhập trên 500 triệu đồng /năm. Các trang trại tổng hợp VAC của các giáo dân Nguyễn Hoan (giáo xứ Yên Lý), Nguyễn Ngọc Lễ(giáo xứ Đăng Cao), Vũ Bảo (giáo xứ Vạn Phần), Nguyễn Văn Dũng, Hồ Sỹ Cường (giáo xứ Đông Tháp), Phạm Văn Hào (giáo xứ Bén Đén)... có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vùng giáo Diễn Châu có nhiều cơ sở chế biến và kinh doanh phế liệu, phôi thép như các cơ sở của ông Chu Quang Hùng, Trịnh Thái Châu, Trần Văn Ngận (giáo xứ Đông Tháp); ông Nguyễn Văn Sơn, Trần Văn Thế, Nguyễn Bá, Nguyễn Văn Long (giáo xứ Xuân Phong)... có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ năm, thu hút từ 15 - 20 lao động/cơ sở. Vùng giáo Yên Thành vốn thuần nông nhưng đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, về trồng trọt có 244 trang trại, chăn nuôi 299 trang trại, vườn đồi 59, thương mại - du lịch 202, Cty TNHH 11, ngành nghề khác 31, với thu nhập bình quân 10,5 triệu/người/năm. Điển hình như giáo xứ Núi Đất (xã Long Thành) có 4 Cty TNHH, 2 xưởng cưa, 20 xưởng mộc cao cấp, 2 xưởng sản xuất gạch men...

Khi đời sống kinh tế được nâng lên thì đời sống văn hoá - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Trước đây, tỷ lệ con em vùng giáo thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ rất thấp thì nay đã gần bằng các làng quê có truyền thống hiếu học khác. Nhiều gia đình giáo dân có tới 4- 5 con học ĐH như ông Trương Văn Lục ở Nghi Phương, ông Nguyễn Văn Chương ở Xuân Kiều (Nghi Kiều), ông Nguyễn Văn Tuất ở giáo xứ Xuân Hoà... Các trạm y tế vùng giáo trong toàn tỉnh được nâng cấp khang trang, 100% đối tượng chính sách và hộ nghèo được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

Phong trào văn nghệ, TDTT phát triển ngày càng sôi động. Các địa phương có đông đồng bào theo đạo đều tổ chức các đợt hội diễn, giao lưu văn nghệ "Tiếng hát đồng bào công giáo" từ cơ sở đến cấp tỉnh. Xuất hiện nhiều tấm gương của các vị chức sắc tôn giáo làm tốt công tác từ thiện những năm qua, như: Linh mục Nguyễn Đăng Điền ở Nghi Diên, Nghi Lộc vận động thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, tàn tật và ủng hộ hàng trăm triệu đồng, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 46 em...


Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở vùng đồng bào có đạo luôn được sự thống nhất cao giữa Ban đoàn kết công giáo, Hội đồng mục vụ với ban cán sự các cấp, dù kinh phí hoạt động còn ít ỏi nhưng tinh thần trách nhiệm rất cao. Bởi khi phong trào xây dựng đời sống văn hoá phù hợp với giáo lý của các tôn giáo, với bà con công giáo là phù hợp tinh thần Thư chung của Hội đồng giáo mục Việt Nam cách đây 30 năm "sống phúc âm giữa lòng dân tộc, kính Chúa, yêu Nước".


Mai Hồ Minh