Người gây dựng thương hiệu vịt bầu Quỳ Châu

27/10/2011 17:48

Bằng niềm đam mê với giống vịt bầu Quỳ (giống vịt được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là ngon nhất Việt Nam hiện nay), ông Thái Diệu đã lặn lội đi vào từng thôn bản của 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong để thu gom số trứng còn sót lại trong dân nhằm gây dựng lại giống vịt nức tiếng một thời.

(Baonghean) - Bằng niềm đam mê với giống vịt bầu Quỳ (giống vịt được Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá là ngon nhất Việt Nam hiện nay), ông Thái Diệu đã lặn lội đi vào từng thôn bản của 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong để thu gom số trứng còn sót lại trong dân nhằm gây dựng lại giống vịt nức tiếng một thời.

Trang trại chăn nuôi vịt của ông Thái Diệu nằm lọt thỏm dưới chân cần Châu Tiến (xã Châu Tiến, Quỳ Châu). Một bên là lèn núi cao, một bên là dòng sông Hiếu. Ai đi qua cũng thấy lạ lẫm với lối kiến trúc trang trại gắn với địa hình núi đá của ông. Và ở đó, một giống vịt nức tiếng một thời đang được ông chăm sóc, gây giống và gìn giữ. Ông Thái Diệu (SN 1957) vốn là người ở Liên Thành, Yên Thành. Sau nhiểu lần đưa vợ về thăm quê ngoại ở Quế Phong, ông say mê giống vịt bầu Quỳ đến mê mẩn. Đây là giống vịt đặc sản truyền đời của người dân tộc Thái sống tại các xã biên giới thuộc 2 huyện Quỳ Châu và Quế Phong. Thế rồi vào năm 1993, ông quyết định đưa vợ lên bản Đan, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong lập nghiệp với nghề nuôi vịt. Đến nay đã hơn 8 năm trôi qua, nhưng ông chưa một lần hối hận về quyết định của mình.



Đàn vịt giống của ông luôn được tiêm phòng đầy đủ.



Vịt bầu Quỳ - loài vịt ngon nhất Việt Nam hiện nay.

Kể về những ngày đầu đưa giống vịt về ấp, ông Diệu cười: Lúc đó, vịt bầu Quỳ chỉ được nuôi lẻ tẻ trong dân, nhà vài con chủ yếu làm thực phẩm nên không có trứng để mua. 2 vợ chồng đã phải lặn lội đến từng thôn bản, đi từng nhà dân, có hôm sang tận bên Lào. Nhưng ngày nhiều nhất cũng chỉ được 10 quả. Đến khi gom đủ trứng, ông bắt đầu tiến hành ấp. Mẻ trứng đầu tiên, dù đã có kinh nghiệm ấp trứng nhiều năm lúc còn ở Yên Thành nhưng số trứng nở cũng chỉ được vài chục con. Kiên trì sau gần 2 năm, ông đã có được gần 200 con vịt thuần chủng. Đây là lứa vịt bố mẹ đầu tiên mà ông gây dựng được. Cùng lúc đó, UBND huyện Quế Phong có chủ trương khôi phục lại giống vịt bầu Quỳ. Ban định canh, định cư (nay là Ban phát triển nông thôn miền núi) huyện Quế Phong đã hỗ trợ cho ông Diệu 20 triệu đồng nhằm giúp ông có điều kiện đầu tư mở rộng trang trại và mua máy ấp trứng. Từ đây, ông Diệu có thể cung cấp cho người dân đàn vịt giống có chất lượng tốt hơn.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại khi những người làm đang tiêm phòng cho đàn vịt con mới được vài ngày tuổi. Ông cho biết: “Dù giống vịt này có sức đề kháng cao gấp nhiều lần so với các giống vịt khác nhưng mình vẫn phải tiêm phòng định kỳ. Lứa vịt này khoảng 2 tuần tuổi nữa là có thể bán làm giống được rồi”. Được biết, mỗi tháng ông xuất được khoảng 1 vạn con vịt giống thuần chủng. Ngoài các hộ dân trong huyện, nhiều khách hàng sống ở các huyện lân cận như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Tương Dương nghe tiếng cũng tìm đến ông mua vịt giống. Bởi ông cho biết rằng, hiện tại chỉ có ông là người duy nhất có thể cho ấp trứng thành công giống vịt bầu Quỳ nổi tiếng này.



Lò ấp trứng vịt của ông Thái Diệu.

Tôi đã từng nghe kể về giống vịt bầu Quỳ nhưng vẫn chưa hiểu vì sao nó lại được xem là giống vịt ngon nhất Việt Nam như các nhà nghiên cứu của Viện Chăn nuôi Quốc gia đánh giá. Ông Diệu cười rồi giải thích: Vịt bầu Quỳ ngon hơn các giống vịt khác là vì thịt nó rất ít mỡ, dày, dai, chắc. Các nhà khoa học còn phân tích rằng, thịt vịt bầu Qùy còn chứa tỉ lệ axit glumatic (mì chính) vượt trội hơn các giống vịt khác. Nhưng người dân bản địa ở đây lại giải thích bằng cách riêng của họ. Họ cho rằng, chính nguồn thực phẩm từ rong rêu, con cua, con tôm, trên cái sương cái gió của vùng đất Phủ Quỳ là "đầu vào" đặc biệt để tạo thành vị ngon truyền đời của giống vịt này.

Ban đầu chỉ là niềm đam mê nhưng cuối cùng, chính nhờ nuôi vịt bầu Quỳ mà đến nay, ông Thái Diệu được đánh giá là một trong những người làm kinh tế lớn nhất huyện Quế Phong. Từ việc ấp trứng, bán vịt giống, trang trại của ông mỗi năm thu về gần 700 triệu đồng. Bằng chứng cho sự phát đạt của ông là vào năm 2009, ông mua chiếc ô tô hơn 9000 USD. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Thái Diệu còn giúp đỡ 4 hộ gia đình khác bằng việc đầu tư về con giống, thức ăn. Gia đình anh Nguyễn Đình Chín (xóm 2, xã Quế Sơn, huyện Quế Phong) là một trong 4 gia đình được ông Diệu giúp đỡ. Ban đầu, gia đình anh được hỗ trợ 1000 con vịt giống và thức ăn. Sau hơn 4 năm chăm sóc, đến bây thu nhập bình quân một tháng của gia đình hơn 100 triệu đồng.

Năm 2008, ông Diệu thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu chuyên sản xuất và cung cấp giống vịt bầu Quỳ thuần chủng, chất lượng cao. Từ đây, huyện Qùy Châu và Quế Phong đã ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp để cung ứng giống vịt bầu Quỳ cho các hộ dân theo Chương trình 135. Tháng 6/2011, Doanh nghiệp tư nhân Diệu Châu đã ký kết tham gia mô hình sản xuất và tiêu thụ vịt bầu Quỳ thuộc dự án cạnh tranh nông nghiệp. Theo bản hợp đồng, doanh nghiệp Diệu Châu có trách nhiệm cung ứng con giống cho hơn 100 hộ dân các xã trên địa bàn huyện Quế Phong. Đến nay, lứa vịt đầu tiên đã được hơn 3 tháng và hứa hẹn sẽ có hiệu quả kinh tế cao. Được bíêt, 90% thành viên mô hình là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây thực sự là “liều thuốc” giúp cho nhiều hộ gia đình có cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.


Phạm Bằng