Đào tạo nghề cho đồng bào tái định cư

23/09/2011 17:10

(Baonghean.vn) Thực hiện chủ trương đào tạo nghề cho nông dân, Liên minh HTX tỉnh Nghệ An từng bước đào tạo nghề mây tre đan và dệt thổ cẩm cho đồng bào di dân Thuỷ điện Bản Vẽ về định cư tại 2 xã mới Ngọc Lâm và Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Ngọc Lâm và Thanh Sơn là 2 xã tái định cư của huyện Thanh Chương, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Được học nghề dệt thổ cẩm do Liên minh HTX và HTX thổ cẩm Hải Vân trực tiếp giảng dạy, chị em rất phấn khởi. Sau 2 tháng vừa học vừa thực hành, 90 học viên đầu tiên của 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn đã sản xuất được gần 200 sản phẩm dây thắt lưng và khăn tải truyền thống, được HTX Hải Vân thu mua với giá trị hơn 20 triệu đồng. HTX Hải Vân cũng là đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, nên đồng bào tái định cư không phải lo đầu vào - đầu ra.

Được đào tạo, trình độ tay nghề của bà con tái định cư được nâng lên

Chị Kha Thị Xuân - bản Xiêng Lằm, xã Ngọc Lâm, chia sẻ: "Gia đình tôi từ Tương Dương về tái định cư ở đây từ tháng 5 năm 2009. Về đây, giao thông đi lại thuận lợi hơn, nhưng đất sản xuất ít, đất loại xấu, chỉ trồng được sắn và cây keo, song hiệu quả không cao, thu nhập thấp, đời sống rất khó khăn. Ở đây không có ruộng nước, bà con phải đi mua gạo ăn. Nay được cấp trên cho học nghề dệt thổ cẩm, lại được HTX Hải Vân chuyên cung cấp sợi, mua sản phẩm, chúng tôi rất phấn khởi".

Ông Lương Quảng Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, cho biết: Toàn xã có 1.474 hộ đồng bào dân tộc Thái từ Tương Dương về định cư tại 14 bản của xã, đời sống của đồng bào tái định cư gặp rất nhiều khó khăn. Do đó công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được địa phương quan tâm hàng đầu. Nghề dệt thổ cẩm sát với tập quán của đồng bào, khơi dậy nghề truyền thống cũ. Để sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu thị trường cần phải có quá trình học tập, thực hành lâu dài. Song địa phương cũng băn khoăn đầu ra đang phụ thuộc vào các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ, thiếu bền vững. Đồng thời sản phẩm làm ra giá trị chưa tương xứng với ngày công. Ví như một tấm sản phẩm váy thêu, bà con phải mất nhiều thời gian nhưng chỉ bán được 300 ngàn đồng, song không có thị trường tiêu thụ ổn định mà chỉ bán cho những ai cần.

Ông Trương Công Tịch - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Thanh Chương, cho rằng: Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của phụ nữ Thái, do đó cơ bản bà con đã biết nghề, nay đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ thuật, mẫu mã mới để phù hợp với nhu cầu thị trường là điều cần thiết. Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất những sản phẩm thông thường như dây thắt lưng và khăn tải... thì không hiệu quả vì giá trị ngày công thấp quá. Phải nâng cao tay nghề, sản xuất nhiều mẫu mã mới thì mới có giá trị cao.

Khó khăn hiện tại của bà con là thiếu dụng cụ sản xuất, phần khung cửi chị em tự làm được, nhưng phần khuôn, lược không làm được. Để tháo gỡ khó khăn cho bà con trong quá trình đầu tư phương tiện sản xuất ban đầu, trước mắt HTX Hải Vân sẽ cung cấp số lượng lược cho bà con, với hình thức hỗ trợ 100 ngàn đồng/lược, số còn lại cho bà con nợ trừ dần vào sản phẩm nhập cho HTX. Về lâu dài, nếu bà con làm được nghề, Liên minh HTX tỉnh sẽ hỗ trợ cho bà con về số lượng lược, phục vụ đầy đủ nhu cầu và đưa bà con đi tham quan học tập mô hình dệt thổ cẩm ở các tỉnh phía Bắc để chuyển giao công nghệ, tiến tới sản xuất thổ cẩm bằng máy.

Tuy nhiên, để làm được nghề thành thạo, sản xuất ra nhiều mẫu mã mới, cần sự nỗ lực rất lớn của bà con. Những hộ làm tốt, gắn bó với nghề thì được Liên minh HTX tặng thêm 1 máy khâu để hỗ trợ trong quá trình hoàn thiện sản phẩm. Trong các năm tiếp theo, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đào tạo nghề phủ kín tất cả các bản của hai xã tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn, nhằm giúp đồng bào có "cần câu" ban đầu để họ biết tạo ra giá trị kinh tế từ chính trí tuệ và đôi tay lao động cần mẫn của họ, không chỉ bây giờ mà còn tạo tiền đề cho của sống lâu dài.


Quỳnh Lan