Bài 1. Vai trò của kinh tế trang trại

11/10/2011 15:42

Từ khi Đề án phát triển kinh tế trang trại (KTTT) giai đoạn 2007 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo hướng dẫn, KTTT đã có bước phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vấn đề bất cập, cần tiêp tục được giải quyết.

(Baonghean) - Từ khi Đề án phát triển kinh tế trang trại (KTTT) giai đoạn 2007 - 2015 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo hướng dẫn, KTTT đã có bước phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Song trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những vấn đề bất cập, cần tiêp tục được giải quyết.

Theo ông Trần Văn Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch, Chi cục phát triển nông nghiệp &NT Nghệ An, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến loại hình KTTT. Nhưng từ năm 2000, với Thông tư 69 của liên Bộ Nông nghiệp- Tổng Cục Thống kê hướng dẫn tiêu chí để xác định KTTT và Quyết định 22381 của UBND tỉnh "về kinh tế tập thể và kinh tế trang trại giai đoạn 2006-2010" thì KTTT phát triển nhanh hơn. Đặc biệt khi UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển KTTT do Sở NN&PTNT giai đoạn từ 2007 đến 2011" thì KTTT phát triển càng đúng hướng. Hiện nay, thực hiện Thông tư số 27/2011 của Bộ NN&PTNT, Sở Nông nghiệp & PTNT đang tiến hành khảo sát KTTT theo tiêu chí mới nhằm phát triển loại hình kinh tế này hơn nữa.

Như vậy, với những thông tư, đề án và chính sách giao đất giao rừng, chính sách tín dụng vay vốn ngân hàng (số 423/2000), hai đợt hỗ trợ lãi suất kinh tế hộ, cũng như hàng loạt chính sách khuyến khích khác: Khuyến khích đầu tư khai thác đất trống đồi trọc, đất hoang hóa (khuyến khích nông dân tích tụ chuyển đổi ruộng đất; hỗ trợ đào tạo nghề, lại suất vay và lồng ghép chương trình dự án xây dựng cơ sở hạ tầng) đã giúp cho kinh tế loại hình này có điều kiện phát triển và thể hiện vai trò kinh tế xã hội to lớn.

Vai trò rõ nhất của kinh tế trang trại là tạo ra kinh tế hàng hóa ở vùng nông thôn. Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp tự nhiên là manh mún, "tự cung tự cấp", sản xuất theo tập quán lâu đời, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó đưa cây con mới vào địa bàn. Do vậy, nó phải nhờ những tác động của loại hình kinh tế trang trại để đột phá, trên cơ sở sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua tính năng động, táo bạo của các chủ trang trại.



Trang trại trồng cao su ở Tân Kỳ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Trường

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Kinh tế hộ - Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết: "Từ sự quan tâm khuyến khích của Trung ương và UBND tỉnh Nghệ An, đến nay loại hình kinh tế trang trại theo tiêu chí sửa đổi 2003 đã có 2.345 trang trại. Riêng năm 2010, phát triển thêm 196 trang trại mới". Từ số liệu của Cục Thống kê ta thấy được vai trò phát triển kinh tế hàng hóa của trang trại. Năm 2010, lượng xuất bán trâu bò hàng hóa là 6.684 con và 10.490 tấn; trái cây hàng hoá bán buôn là 20 nghìn tấn cam, 18 nghìn tấn dứa quả, 3 nghìn tấn nhãn và gần 4 nghìn tấn vải. Sản lượng hàng hoá này chủ yếu từ kinh tế trang trại.

Vai trò kinh tế của trang trại không chỉ thể hiện ở khối lượng hàng hóa tập trung, ở giá trị sản xuất mà còn mở ra dịch vụ thiết yếu về giống cây, con mới, năng suất hiệu quả kinh tế cao hơn vào các vùng nông thôn, nhất là vùng miền núi. Các chủ trang trại như các ông Nguyễn Đăng Tự và Lê Đình Hải (Xóm 1 Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ) nuôi trên 100 con lợn thịt và hàng chục con lợn nái, cung ứng giống cho các xã vùng xung quanh trại; Ông Đặng Khắc An (Nghĩa Tân) cung cấp giống cây cao su cho bà con quanh vùng. Các trại cung cấp tôm giống ở Quỳnh Lưu cũng giải quyết được nhu cầu tôm giống trên địa bàn.v.v. Thực tế những nơi cung ứng giống thường truyền thụ kinh nghiệm nuôi, trồng theo phương pháp và kỹ thuật tiên tiến cho bà con nông dân. Ngoài ra vai trò kinh tế của trang trại còn thể hiện ở chỗ: các trang trại thường là nơi thu gom, dịch vụ kỹ thuật để các hộ sản xuất giỏi trong vùng thành "vệ tinh" cùng sản xuất hàng hóa. Ông Bùi Văn Vinh, (Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu) nuôi 60 con bò, bê sữa. Ông vừa lấy sữa, cung ứng giống, vừa dịch vụ thu gom "sữa thô" cho bà con trong vùng vận chuyển về nhà máy chế biến. Các chủ thu gom có lãi nhưng bà con cũng nhờ họ mà chăn nuôi nhỏ lẻ phát triển được.

Bên cạnh vai trò về kinh tế hàng hóa của trang trại thì bản thân nó còn có tác động xã hội rất lớn như giải quyết việc làm cho lao động vốn dư thừa ở nông thôn. Trung bình mỗi trang trại lớn nhỏ giải quyết từ 4 đến 5 lao động. Báo cáo tổng kết kinh tế trang trại của huyện Tân Kỳ cũng cho biết: Trung bình cứ 4,8 lao động trong 1 trang trại thì phải thuê 1,8 lao động bên ngoài. Như vậy, ở Tân Kỳ, nơi có 305 trang trại thì cũng giải quyết ít nhất 500 lao động thường xuyên, chưa kể số thuê theo thời vụ. Trang trại của anh Nguyễn Trọng Hương (Nghĩa Hoàn) thường cần đến 30 lao động thời vụ hàng năm. Như vậy, tính chung toàn tỉnh với con số trên 2,3 nghìn trang trại, đã giải quyết được trên 5 nghìn lao động. Mức thu nhập ở trang trại cũng khá cao so với vùng nông thôn. Theo thống kê danh sách kinh tế hộ sản xuất kinh doanh giỏi (bao gồm cả kinh tế trang trại) của Hội Nông dân Nghệ An, số hộ làm kinh tế trang trại có mức thu nhập phổ biến từ trên 1,5 triệu đồng/lao động/tháng đến 6 triệu đồng/tháng. Nhiều trang trại như của ông Lương Ngọc Thoát (Châu Bình, Quỳ Châu), Lô Thanh Thiệu (Quang Phong, Quế Phong), bình quân thu nhập lao động trên 2 triệu đồng/tháng; Đặc biệt trang trại ông Lê Sĩ Minh (Quang Tiến) với 15 ha mía, thu nhập của người lao động bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.v.v.

Ngoài tăng thêm của cải vật chất, giải quyết việc làm, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra hàng hóa lớn thì còn nhiều tác động khác của kinh tế trang trại cũng không kém phần quan trọng như tác động tốt đến môi trường sinh thái. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có trên 7,8% tổng số trang trại sản xuất kinh doanh bằng trồng cây lâm nghiệp. Ông Vạn Thọ ở Yên Thành, ngoài bảo vệ hàng chục ha rừng xanh tốt còn bảo tồn được giống gỗ dẻ quý hiếm. Trang trại của ông Lê Thanh Thản (Diễn Lâm, Diễn Châu) thì việc kéo điện vào trại cũng giải quyết luôn nhu cầu điện thắp sáng cho hàng trăm hộ những xóm dọc đường dây mà do xa trung tâm, xã chưa có điều kiện đầu tư. Biết bao chủ trang trại đã bỏ vốn của mình để mở giao thông, nâng cấp hồ đập, kéo điện làm lợi cho nhân dân trên địa bàn.v.v

Tuy nhiên, KTTT vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết mới phát triển vững chắc được. Thời gian qua loại hình kinh tế này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề mà các cấp, ngành cần giải quyết. Đó là trình độ lao động và năng lực quản lý kinh doanh của các chủ trang trại; Vấn đề tích tụ đất và vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh; Vấn đề hiệu quả của các loại hình trang trại; Tiêu thụ sản phẩm và những "hệ lụy" khi thống kê trang trại theo tiêu chí mới...


Hoàng Chỉnh - Văn Trường