Những câu chuyện kể về nhà “kiến tạo hòa bình tài ba”

10/10/2011 16:18

Sau hơn 5 năm trên bàn đàm phán ở Pa-ri, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết. Đồng chí Lê Đức Thọ là nhân vật đã góp phần quan trọng để Hiệp định Paris về Việt Nam sớm được ký kết chính thức. Người ta đã gọi ông là “Người kiến tạo hòa bình kiệt xuất”. Đã có nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện cảm động về ông.

(Nhân 100 năm ngày sinh của đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911- 10/10/2011)

(Baonghean) - Sau hơn 5 năm trên bàn đàm phán ở Pa-ri, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã chính thức được ký kết. Đồng chí Lê Đức Thọ là nhân vật đã góp phần quan trọng để Hiệp định Paris về Việt Nam sớm được ký kết chính thức. Người ta đã gọi ông là “Người kiến tạo hòa bình kiệt xuất”. Đã có nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện cảm động về ông.

* Ấn tượng khó quên: Lần đầu tiên đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger gặp nhau là ngày 21-2-1970. Địa điểm hai người gặp gỡ là căn nhà số 11, phố Dathes, thị trấn Choisy Le Roi (Pháp). Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, ông đã làm cho Kissinger có những ấn tượng khó quên. Sổ nhật ký của Kissinger có đoạn : “Tóc hoa râm, đường bệ, Lê Đức Thọ bao giờ cũng mặc bộ đại cán xám hoặc marông. Ông lúc nào cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được...”.

Tháng 7-1972, Bộ Chính trị chủ trương chuyển từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình nhằm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị ngày 8-10-1972, cố vấn Lê Đức Thọ chủ động đưa ra dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi nghe cố vấn Lê Đức Thọ đọc bản dự thảo Hiệp định, Kissinger ghi ngay vào nhật ký: “Hầu hết các đồng sự của tôi và tôi hiểu ngay tầm cỡ của những điều chúng tôi vừa nghe …”.

Ngày 20-10-1972, hai Chính phủ Việt Nam – Mỹ thỏa thuận sẽ ký Hiệp định vào ngày 31-10-1972. Nhưng, Nhà Trắng đã lật lọng. Trước sự lật lọng của Nhà Trắng, nhưng với nhãn quan sâu rộng, với phương pháp ngoại giao vừa mềm dẻo, kiên trì, vừa cứng rắn, cương quyết, cố vấn Lê Đức Thọ vẫn khéo léo “lái” cuộc đàm phán Việt – Mỹ đi vào “đúng quỹ đạo”....Thế rồi, sau bao nhiêu nỗ lực, kiên trì, cuối cùng Hiệp định Paris về Việt Nam cũng đã được ký kết. Sau sự kiện đó, đồng chí Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hòa bình, nhưng ông đã từ chối không nhận. Năm 2002, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập giải Nobel Hòa bình (1902 – 2002), Nevis đã cho phát hành một mẫu tem chân dung cố vấn Lê Đức Thọ và nhắc lại “sự kiện” ông không nhận giải thưởng này. Cũng chính vì những lẽ đó mà ông là một trong những nhân vật được tôn vinh là “Nhà kiến tạo Hòa bình” xuất sắc của thế giới.

"...Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện trên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ” - Bộ trưởng Ngoại giao thời Tổng thống Richard Nixon là Henry Kissinger vừa thừa nhận. Chưa dừng lại, ông Kissinger còn bày tỏ sự thán phục với ông Thọ bằng cách ca ngợi tài năng và lòng trung thành mà ông theo ông Kissinger, là vượt trội so với người Mỹ. “Ông Thọ “mổ xẻ” chúng tôi như một người bác sĩ phẫu thuật tài năng với đôi tay cầm dao mổ điêu luyện”, ông Kissinger nhớ lại.



Cố vấn Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger. Ảnh tư liệu

Một hôm, sau buổi đàm phán, Henry Kissinger có nói với ông Lê Đức Thọ rằng: “Dù mới chỉ gặp được 45 phút nhưng ông hoàn toàn khiến chúng tôi bối rối”. Cách đây 1 năm, trong bài phát biểu trong hội thảo về lịch sử liên quan đến Đông Nam Á của Mỹ tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Henry Kissinger còn thừa nhận Mỹ đánh giá thấp sự kiên cường của các nhà lãnh đạo miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ; rằng người dân đất nước hình chữ “S” quá kiên cường và không hề nao núng trước kẻ địch. “Washington muốn thoả hiệp nhưng Hà Nội nhất định giành chiến thắng”, ông thừa nhận. Trong buổi hội thảo, ông Kissinger còn bày tỏ sự thất vọng và tiếc nuối vì cuộc chiến đã “chôn vùi” cả một thế hệ người Mỹ.

* Chiếc nhẫn đặc biệt của cố vấn Lê Đức Thọ: Trong các cuốn hồi ký, ông Henry Kissinger từng nhiều lần nhắc đến đối thủ của mình trên bàn đàm phán là cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ông này thừa nhận Lê Đức Thọ là người có phong cách đàm phán uyển chuyển, sắc sảo. Ông nhớ như in giây phút đầu tiên gặp nhà ngoại giao Việt Nam ngày 21-2-1970. Ông miêu tả Lê Đức Thọ có mái tóc hoa râm, dáng vóc đường bệ, bao giờ cũng mặc bộ đại cán, đôi mắt mở to và sáng, ít khi để lộ suy nghĩ. Nhưng có một chi tiết mà không bao giờ thấy Kissinger nhắc đến trong hồi ký là chiếc nhẫn sáng bóng mà cố vấn Lê Đức Thọ luôn đeo trong mỗi lần thương thảo. Đơn giản, nó là chiếc nhẫn được gò từ mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam!

* Món quà đặc biệt: Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 8-2-1973, ông Henry Kissinger sang thăm Hà Nội. Ra đón cố vấn Mỹ không phải ai khác chính là người quen biết cũ của ông: cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ông đã đưa Kissinger tới thăm Viện bảo tàng lịch sử. Khi nghe giới thiệu dân tộc Việt Nam đã ba lần chiến thắng quân Nguyên, ông Kissinger thốt lên: "Với chúng tôi một lần đánh nhau với các ông cũng thấy là quá đủ!".

Trong bữa cơm tiễn, được thưởng thức thứ rượu nếp cái hoa vàng cất ở vùng quê Nam Định, cố vấn Mỹ Kissinger cứ gật gù mãi và thích thú khi cố vấn Lê Đức Thọ tặng ông ta hai chai rượu trong văn vắt, nút lá chuối khô.


Nguyễn Viết Chính