Bài 2. Những hạn chế về năng lực quản lý và tay nghề lao động
(Baonghean) - Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đào Thế Tuấn, Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phát biểu tại Hội thảo Kinh tế trang trại toàn quốc năm 2006 thì: "Lao động trong các trang trại yêu cầu phải qua đào tạo, vì tính đặc thù của loại hình kinh tế này. Đây là lao động chuyên về một thứ cây, con nhất định, cần phải biết sâu chứ không phải ở mức chung chung như người nông dân làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ trong gia đình. Trang trại là sản xuất hàng hóa nên năng suất lao động phải cao hơn năng suất bình quân lao động trong ngành Nông nghiệp. Đối với chủ trang trại, họ rất khác một hộ sản xuất giỏi trong kinh tế hộ. Một trang trại dù nhỏ, ông chủ trên thực tế cũng đóng vai trò như một "giám đốc" xí nghiệp, nông trường. Cái khó ở đây là giám đốc tự lo, tự quyết mọi chuyện. Do vậy chủ trang trại càng phải giỏi về nhiều mặt".
Theo số liệu khảo sát của Đề án phát triển kinh tế trang trại Nghệ An 2007 - 2015, trong tổng số lao động thường xuyên của các trang trại năm 2006 là 5.409 người thì hầu hết chưa qua đào tạo. Năm 2010 trong 8.312 lao động trang trại thì cũng mới chỉ có trên 1.000 người được học qua các loại hình trường lớp chuyên ngành. Ông Nguyễn Hùng, Trưởng phòng kế hoạch- Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết thêm: Tại thời điểm khảo sát làm đề án mới có 2,8% số lao động có trình độ đại học, cao đẳng và 6,63% số lao đông có trình độ trung cấp, sơ cấp. Nhưng đấy là nói đào tạo chung, thực tế hiếm có người được đạo tạo trong nhóm nghề sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm cá... Số còn lại, 90,57% là lao động phổ thông hoặc do chủ trang trại hướng dẫn "chuyền tay" để làm việc trong trang trại. Do vậy, năng suất thấp, tiền công thấp, bình quân khoảng 550.000 đồng/tháng (năm 2007) và năm 2010, bình quân thu nhập từ 1,2 triệu đồng đến vài triệu/tháng. Ông Trần Văn H, một chủ trang trại trồng cam, chăn nuôi lợn và cá ở Nghĩa Đàn, tâm sự: "Tôi trả mức lương 1,5 triệu đồng người, nuôi cơm, 4 lao động thường xuyên. Mức ấy là không thấp so với số thực lãi của trang trại và so với mức sống chung của nông thôn. Thế nhưng, họ lao động thiếu tự giác, và thiếu ý thức khi thu hoạch sản phẩm". Còn theo ông Nguyễn Trọng Hương (xóm Đồng Lâm, Nghĩa Hoàn, Tân Kỳ) thì lao đông trong trang trại của ông từ chăn nuôi lợn đến chăm sóc khai thác mủ cao su đều do ông tự bỏ tiền ra đào tạo. Trong số 20 lao động hàng năm, chỉ trừ 6 lao động "cứng", còn lại là hợp đồng thời vụ. Do vậy, năng suất thấp và lãng phí.
Chủ trang trại phải nắm được kiến thức về lĩnh vực phát triển của mình.
Ảnh: Xuân Hoàng
Trình độ tay nghề thấp như vậy, nếu ông chủ không cùng lao động, kiểm tra sâu sát hoặc nể nang thì chắc chắn phần lãi của trang trại càng không xứng với tiềm năng. Đó cũng là lý do chính vì sao trang trại ở Nghệ An thuờng nhỏ, ít lao động, ít đầu tư vốn lớn và không áp dụng những dây chuyền công nghệ cao, phức tạp. Các chủ trang trại thường tuyển dụng họ hàng, con em của bạn bè, láng giềng thân quen... làm ăn nhỏ với cây, con đã quen thuộc. Quan niệm "ngắn sào dễ trở", sử dụng lao động giản đơn, doanh thu ít (dưới 500 triệu đồng/trang trại/năm) đang tồn tại ở 80% tổng số trang trại.
Mặt khác, trình độ quản lý của các chủ trang trại ở tỉnh ta cũng thấy nhiều bất cập. Theo ông Võ Văn Phong, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, thì trong 1.582 danh sách các hộ làm ăn giỏi của toàn tỉnh năm 2010, trong đó có các chủ trang trại, thì có khoảng 25% là ông chủ tuổi trên dưới 30, còn lại trên tuổi 50. Họ có học nhưng chỉ là học tại chức hoặc qua các lớp đào tạo ngắn hạn, lấy chứng chỉ.
Chúng tôi đã tiếp cận với 10 chủ trang trại ở Yên Thành, Nghĩa Đàn và Thanh Chương, được biết: chỉ có 3 người biết sử dụng máy vi tính, 5 người thường xuyên đọc báo, nghe đài và 8 người có máy điện thoại di động; 7 người được đi báo cáo hoặc học tập ở tỉnh và tuổi đời của họ đều trên 58 tuổi. Hạn chế về trình độ và gánh nặng về tuổi tác khiến họ thu hẹp quy mô sản xuất, ít vay vốn ngân hàng và không muốn mạo hiểm kinh doanh nghề mới, cây con mới. Ví như ông Nguyễn Xuân Cương (xã Thanh Lâm, Thanh Chương), giai đoạn trước lập trang trại ông vừa trồng rừng nguyên liệu, vừa nuôi cá, trồng màu và thu mua cả sắn nguyên liệu; nay thì thu hẹp lại, chỉ chú trọng trồng rừng. Sự thu hẹp này khá phổ biến, vì nếu chuyển giao cho các ông chủ trẻ thì họ không được hào hứng kiên trì như thế hệ trước.
Văn bản của cấp huyện, tỉnh đề cập đến việc hỗ trợ đào tạo cho người lao động và chủ trang trại nhưng trên thực tế họ không được hưởng chính sách nay. Một phần do số lao động trong từng trang trại vừa ít, vừa biến động thường xuyên, nhưng phần khác cũng do các cấp chính quyền cũng chưa thấy hết tầm quan trọng của kinh tế trang trại. Trong 2 Đề án "Chương trình giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015" và "Đào tạo nghề đến 2015", vấn đề này đối với lao động và chủ trang trại nêu rất chung chung, mờ nhạt, thậm chí có đề án không đề cập, mặc dầu khu vực kinh tế này có tới gần 1 vạn lao động và gần 2.500 chủ trang trại.
Hoàng Chỉnh - Văn Trường