"Lương tối thiểu vẫn chưa đủ đáp ứng mức sống"

26/10/2011 11:13

Sáng 25/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa công bố Báo cáo Nghiên cứu về tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu của người lao động trong khu vực doanh nghiệp của Viện Công nhân-Công đoàn.

Điều đáng buồn là bản báo cáo này đã cho thấy, mức tăng lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động.

Theo Viện Công nhân-Công đoàn, mức điều chỉnh hợp nhất lương tối thiểu khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động.

TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn cho biết, việc tăng lương tối thiểu phải được tính toán khoa học và từ bữa ăn thực tế của người lao động và giá cả tại nơi làm việc của người lao động. Việc tính toán theo cách tính chung chung như hiện nay là dựa vào các chỉ số như CPI và GDP sẽ không phản ánh hết đời sống thực tế của người lao động.

Trên thực tế, mức chi trả của doanh nghiệp cho người lao động hiện nay là không đáp ứng được mức sống tối thiểu. Ngay cả mức tăng lương tối thiểu vừa ban hành cũng không đáp ứng được yêu cầu này.

Cụ thể, theo khảo sát của Viện Công nhân-Công đoàn từ thì mức sống tối thiểu được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố gồm nhóm lương thực phẩm, nhóm phi lương-thực phẩm và xác định nhu cầu nuôi con.

Kết quả khảo sát từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011 tại Hà Nội (vùng I), với khẩu phần ăn đáp ứng được nhu cầu 2.300 kilô calo/ngày (gồm gạo tẻ, thịt hoặc trứng, rau, chuối, mỡ, mắm, muối, nước, gas) thì người lao động phải chi phí tới 35.300đ/ngày. Như vậy chỉ riêng tiền ăn, mỗi tháng người lao động đã phải chi tối thiểu 1.059.000đ.

Kết quả nghiên cứu cũng cho biết, chi phí để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động vùng IV là gần 1,5 triệu đồng/người/tháng, vùng III là gần 1,9 triệu đồng/người/tháng, vùng II là khoảng 2,2 triệu đồng/người/tháng và vùng I là hơn 2,42 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, theo quyết định của Chính phủ, từ tháng 10/2011, mức lương tối thiểu chung áp dụng là 830.000 đồng/ tháng. Đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài (FDI), sẽ là mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) thống nhất, đối với vùng I: 2 triệu đồng, vùng II: 1,78 triệu đồng, vùng III: 1,55 triệu đồng, vùng IV: 1,4 triệu đồng.

Như vậy, mức lương tối thiểu hiện tại so với lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu vẫn còn có khoảng cách./.

4 vùng lương tối thiểu

Vùng 1: Các quận và Thành phố Hà Đông thuộc Hà Nội, các quận thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Vùng 2: Các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai và Thành phố Sơn Tây (Hà Nội), các huyện Thành phố Hồ Chí Minh, các quận và 2 huyện Thủy Nguyên, An Dương (Hải Phòng), các quận huyện (Đà Nẵng); quận Ninh Kiều, Bình Thủy (Cần Thơ); Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), TP Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom (Đồng Nai); thị xã Thủ Dầu Một, các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); thành phố Vũng Tàu và huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Vùng 3: Các thành phố trực thuộc tỉnh còn lại; các huyện còn lại của Hà Nội; thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Sơn (Bắc Ninh); thành phố Bắc Giang và các huyện Việt Yên, Yên Dũng (Bắc Giang), thị xã Hưng Yên và các huyện Mỹ Hào, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ (Hưng Yên); thành phố Hải Dương, các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành, Kinh Môn (Hải Dương); thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), các huyện còn lại của thành phố Hải Phòng; thành phố Móng Cái, TX Uông Bí, Cẩm Phả (Quảng Ninh); thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng); thành phố Nha Trang, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa), huyện Trảng Bàng (Tây Ninh); các huyện còn lại thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; thị xã Tân An và các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước (Long An); các quận huyện còn lại của thành phố Cần Thơ, thị xã Bà Rịa và các huyện Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Vùng 4: Các địa bàn còn lại.


(Theo Vietnam+)