Thiết bị chống cận thị: Sự thật hay chỉ là quảng cáo

23/09/2011 17:51

(Baonghean) - Xuất hiện và nở rộ trên thị trường thành phố Vinh khoảng vài năm gần đây, các thiết bị chống cận thị đang được quảng cáo như một "cứu cánh" cho trẻ em ở cấp bậc tiểu học...

Đánh trúng tâm lý muốn con em mình tránh được bệnh cận thị học đường và cong vẹo cột sống của các bậc phụ huynh, vài năm trở lại đây, các Công ty sản xuất đã tung ra thị trường nhiều loại thiết bị chống cận thị như giá đỡ cằm, áo "giáp", bảng chống loá, đèn với những lời quảng cáo có "cánh ": Chống hình thành cận thị, cong vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế; giúp cho đôi mắt không bị mỏi nhức và tiết kiệm điện năng...

Giá đỡ cằm- thiết bị chống cận thị cho trẻ đang được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Dạo qua một vài con phố trên địa bàn thành Vinh, thật dễ dàng để tìm thấy những cửa hàng bày bán các loại sản phẩm này, với đủ các mẫu mã, phong phú về kiểu dáng và chất lượng mà theo quảng cáo của các nhà kinh doanh thì "miễn chê"... Tại cửa hàng Yến Công - chuyên kinh doanh sách giáo khoa và đồ dùng học tập trên đường Nguyễn Du ( TP Vinh), sản phẩm giá đỡ cằm chống cận được bày bán chiếm đến một tầng giá gỗ. Chị nhân viên bán hàng vồn vã giới thiệu với chúng tôi: Giá đỡ cằm hiện đang được nhiều khách hàng ưa chuộng vì giúp học sinh hình thành thói quen ngồi học đúng tư thế; dễ sử dụng. Chỉ cần gắn vào bàn học ngay trước ngực học sinh để trẻ không thể cúi thấp khi đọc, viết; tránh được cận thị do nguyên nhân cúi sát xuống bàn. Giá bán của sản phẩm dao động từ 65.000- 100.000 đồng/cái. Bên cạnh sản phẩm giá đỡ cằm, áo phòng chống vẹo cột sống và cận thị cũng đang được nhiều khách hàng chọn lựa. Loại áo này được thiết kế gần giống như áo phao, ở phần lưng có các nẹp nhựa, phần bụng có vòng đai giữ cho trẻ luôn ngồi ở tư thế thẳng đứng, không thể cúi hoặc gù lưng khi ngồi học. Tuy giá bán khá cao, từ 400.000-500.000 đồng/chiếc nhưng nhiều bậc phụ huynh đã không ngần ngại mua cho con, với hy vọng bảo vệ an toàn nhất cho mắt và cột sống.

Cũng được bày bán tràn ngập trên thị trường hiện nay là các loại đèn chống cận thị và bảo vệ thị lực. Với những tên gọi như đèn Halogen HLT, đèn V-light... Đèn có thể thu gọn lại, tuỳ loại mà có kiểu bóng khác nhau như bóng huỳnh quang, bóng tròn, bóng hạt mít. Theo lời giới thiệu của các chủ cửa hàng kinh doanh đồ điện- điện tử nằm dọc trên đường Trần Phú, đèn chống cận khác với loại đèn thông thường là chúng được trang bị mạch điện điều chỉnh tần số dòng điện, tạo ra ánh sáng giống với tự nhiên, giúp bảo vệ mắt và chống cận thị. Từ các tính năng, thương hiệu, giá của đèn chống cận thị cũng rất đa dạng; đèn do các công ty trong nước sản xuất, đèn Trung Quốc có giá từ 90.000- 200.000 đồng/chiếc. Nếu muốn "xịn" hơn thì dùng loại đèn nhập khẩu từ Mỹ, Pháp, Nhật... giá bán từ 600.000- 1.000.000 đồng/chiếc.

Ngồi học sai tư thế, cúi sát đầu xuống bàn học... là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh bị tật khúc xạ ngày càng tăng. Nhưng qua tìm hiểu thực tế, khi phụ huynh ép trẻ vào "khuôn" của giá đỡ cằm hay áo chống vẹo cột sống lại không có được hiệu quả như mong muốn, đã gây không ít rắc rối cho con trẻ khi ngồi vào bàn học. Lý do là những dụng cụ này khi được "nẹp" vào người gây cảm giác khó chịu, khiến trẻ mất đi sự tự nhiên, ảnh hưởng đến quá trình học tập và tiếp thu bài. Chị Phương Thuý (ở xóm 16- xã Hưng Lộc, thành phố Vinh) có con mới bước vào học lớp 1 cho biết: " Mỗi lần ngồi vào bàn học thằng bé luôn phản kháng, không chịu chui vào áo vì thấy vướng víu khó chịu. Cả buổi tập viết 2 mẹ con như đánh vật với nhau, các thao tác của cháu trở nên chậm chạp. Khi tôi tháo bỏ dụng cụ thì thấy cháu ngồi thoải mái hơn, chữ viết cũng đẹp hơn". Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Thuỷ (ở khu TT Bưu điện) cho biết thêm: " Bước vào đầu năm học chị đã mua cho con một chiếc bảng chống cận với giá 130.000 đồng. Tuy nhiên dùng được vài ngày phải tháo bỏ, vì bảng cao hơn mặt bàn lại có nhiều tầng lớp, khi để vở lên bảng khiến chỗ tập viết của bé không bằng phẳng. Cộng với thanh chắn ngang cằm khiến cháu bé khi viết luôn kêu mỏi cổ".

Đối với sản phẩm đèn chống cận, nhiều khách hàng sau khi nghe lời quảng cáo "êm tai" đã rinh về những chiếc đèn nhưng họ vẫn chưa thực sự yên tâm việc con mình sẽ tránh được bệnh cận thị. " Thấy người ta quảng cáo đèn chống cận có nguồn ánh sáng tốt hơn đèn bình thường thì cũng mua về dùng, chứ thực sự không biết chọn loại nào cho tốt, tôi đành mua đèn có màu sắc, hình dáng mà cháu nhỏ thấy thích", anh Nguyễn Đức Thống, cán bộ Trung tâm Viễn thông Vinh chia sẻ.

Trao đổi về vấn đề này, theo chị Trần Thị Lựu, cán bộ Công ty CP Thiết bị Vật tư Y tế và Dược phẩm Nghệ An - phụ trách Cửa hàng Vật tư y tế - kính thuốc, thì: Cận thị phát sinh chủ yếu do quá trình hoạt động, làm việc ở cự ly gần với cường độ cao trong thời gian dài. Ngoài ra, cận thị còn phụ thuộc vào dinh dưỡng, di truyền, vệ sinh lao động... trong đó chiếu sáng là yếu tố quan trọng. Trên thực tế, không có cái gọi là "đèn chống cận", có chăng là nhà sản xuất đã dùng cái tên "mỹ miều" hơn công dụng thực để bán hàng. Và đèn tốt nhất cho thị lực là loại đèn có nguồn sáng tập trung, gần giống với ánh sáng tự nhiên (ánh sáng mặt trời), không dọi vào mắt, không gây hoa mắt và sai lệch màu sắc... Không nên sử dụng bóng đèn có ánh sáng trắng lạnh, bởi ánh sáng này có nhiều tia tử ngoại; nếu dùng liên tục sẽ có nhiều nguy cơ làm giảm thị lực, tăng số với những người bị cận. Cách phòng cận thị cho trẻ tốt nhất, các bậc phụ huynh cần chú ý đến việc lựa chọn góc học tập, cách kê bàn ghế và tư thế ngồi học; tránh nhìn thẳng vào nguồn sáng chói có khả năng gây hại cho mắt...

Thiết nghĩ, với sự đa dạng của thị trường thiết bị học tập như hiện nay, người tiêu dùng trước khi chọn mua sản phẩm cho con em mình nên tìm hiểu kỹ, nhất là đối với thiết bị chống cận- không nên "phó thác" và quá tin vào những lời quảng cáo để tránh tình trạng "tiền mất tật mang".


Ngọc Anh