Lễ hội chọi trâu: Tinh thần thượng võ xứ Nghệ

13/09/2011 17:33

(Baonghean) - Lễ hội chọi trâu tại xã Nghi Thái (huyện Nghi Lộc) diễn ra trong 2 ngày từ 12/9 -13/9, thu hút hàng nghìn người dân vùng Phúc-Thái-Thọ và Thành phố Vinh cũng như khách thập phương tìm về tham dự.

Đây là năm thứ 3, lễ hội “cấp xã” này được tổ chức, với sự tham gia của 16 “ông trâu”. Lễ hội chọi trâu đã kết thúc tốt đẹp với phần thưởng 15 triệu đồng thuộc về trâu số 36 của ông Đặng Văn Ngọc ở xóm Thái Lộc, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc.

Lễ hội chọi trâu thể hiện rõ tinh thần thượng võ, khí phách hào hùng, mang đậm chất văn minh lúa nước của người Việt cổ. Không ai rõ lễ hội này xuất hiện từ bao giờ nhưng ngày nay lễ hội chọi trâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống tại nhiều địa phương trong cả nước như quận Đồ Sơn, Thành phố Hải Phòng, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc…và hiện diện mới đây ở xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Tại xã Nghi Thái, các “ông trâu” lên trường đấu từ năm 2009 với 2 “ông” tham dự, năm 2010 với 5 “ông”. Và năm nay, tầm vóc cũng như quy mô của lễ hội lớn dần lên từ số lượng với 16 “ông” tranh tài, đến sự chuyên nghiệp với sự có mặt của những người bảo vệ trường đấu, quản lý trâu từ Đồ Sơn, Hải Phòng (nơi có lễ hội chọi trâu cấp quốc gia tổ chức hàng năm).


Hai "ông trâu "ghì sừng “tóe lửa”


Khán giả đội mưa đến tham gia lễ hội

Nếu như ở Đồ Sơn, trâu chiến được người dân cất công săn lùng đi tới tận những bản làng miền núi xa xôi, thậm chí sang tận Lào và Campuchia, mất hàng tuần trời ăn ngủ để chọn con ưng ý nhất dắt về cũng như đầu tư chăm sóc với tổng chi phí cho đến lúc trâu lên sân đấu lên tới hàng trăm triệu. Còn ở Nghệ An, việc “chơi” trâu còn nguyên thủy và giản đơn hơn, những “võ sỹ trâu” của đấu trường Nghi Thái đều được tuyển lựa từ chuồng nhà, vẫn là bạn nhà nông cùng người cày cấy, chế độ ăn uống chỉ nhỉnh hơn trâu thường chút ít… Nói vậy nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”, không phải “ông” nào cũng “chiến” được, ông Nguyễn Văn Chung, chủ trâu số 5 chia sẻ kinh nghiệm tuyển trâu: Trâu chọi mắt phải dày, gan, đỏ, mí trên mí dưới cộm; Sừng cong, rộng, khỏe; vó chân trước phải ngắn quản ngoài ra còn là khoáy, trâu phải có 4 khoáy chung gồm 2 khoáy đóng vai và 2 khoáy đóng hông, 1 khoáy mặt thì trâu nghịch, 2 khoáy mặt thì trâu thuần…

Chi phí để cho những “ông trâu” đấu ở Nghi Thái tuy không lớn nhưng việc chăm sóc cũng chu đáo, có “bài”. Ông Vương Đình Bắc, chủ trâu số 12 cho hay: Trâu phải được tiêm phòng cẩn thận, việc ăn uống của trâu cũng phải được tính toàn, có giai đoạn cho trâu ăn những thứ để máu trâu sôi lên, người trâu nóng hừng hực, mắt đỏ ngầu; có giai đoạn cho uống những thức làm trâu mát đi để tăng độ lỳ khi tham gia chọi.

Trong 2 ngày diễn ra lễ hội, trời mưa to nhưng người dân vẫn đến rất đông, chật cứng xung quanh khu vực chọi với mục đích được thưởng thức một lễ hội của thượng võ. Đấu trường là sân vận động xã. Mặc dù Ban tổ chức cũng đã chăng hàng rào bằng mét vững chắc nhưng điều đó không ngăn nổi đám đông hiếu kỳ ngày càng áp sát mỗi khi có trận đấu sôi nổi và có lúc bị sập hẳn một góc do người xô đẩy nhau. Nhiều khán giả phải trèo lên ngọn cây để chứng kiến, nhiều mái nhà bằng, nhà tầng đã thành khán đài. Khi “ông” trâu tiến ra đấu trường, toàn bộ khán giả đều sôi lên, vỗ tay, bình phẩm phấn khích. Những cú húc, ghẹ sừng nảy lửa, những pha rượt đuổi của trâu chiến trong tiếng reo hò cuồng nhiệt của đám đông, đã đem lại cho lễ hội chọi trâu một nét rất riêng…

Dù thắng hay thua, các “ông trâu” này đều là những chiến binh dũng cảm. Và theo lệ làng sẽ xẻ thịt để đem bán lấy hên, vượng khí cho mọi người, bởi theo quan niệm của làng được ăn 1 miếng thịt trâu chọi, sẽ gặp may mắn: 150.000đ – 500.000đ/kg thịt, tùy theo trâu bị thua ở vòng loại hay vào sâu hơn… Được biết, lễ hội này được tổ chức theo hình thức xã hội hóa tối đa, kêu gọi được 24 doanh nghiệp tài trợ, huy động được trên 150 triệu đồng để tổ chức giải. Không hề xuất hiện tình trạng tệ nạn xã hội, cờ bạc cá độ trong lễ hội. Người dân tìm đến được xem miễn phí, được sống trong không khí lễ hội đậm nét văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ của người Nghệ.


Thành Chung