Bài cuối: Cần một giải pháp tích cực

26/10/2011 16:49

Những tác động đến môi trường của việc nhập khẩu phế liệu ở Diễn Hồng, Diễn Tháp huyện Diễn Châu là khá rõ ràng, bởi bên cạnh các loại nằm trong danh mục được phép nhập, vẫn có nhiều trường hợp lén nhập về những phế liệu nguy hại, có lẫn hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đưa ra một giải pháp tích cực (kiểm soát ngay từ nguồn nhập vào) phù hợp với thực tế là điều cần thiết hiện nay.

(Baonghean.vn) Những tác động đến môi trường của việc nhập khẩu phế liệu ở Diễn Hồng, Diễn Tháp huyện Diễn Châu là khá rõ ràng, bởi bên cạnh các loại nằm trong danh mục được phép nhập, vẫn có nhiều trường hợp lén nhập về những phế liệu nguy hại, có lẫn hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc đưa ra một giải pháp tích cực (kiểm soát ngay từ nguồn nhập vào) phù hợp với thực tế là điều cần thiết hiện nay.


Trung tá Trần Phúc Thịnh (Đội trưởng đội 2, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Nghệ An), cho biết: Phế liệu là mặt hàng được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, thế nhưng lợi dụng chính sách thông thoáng về quản lý xuất nhập khẩu của Nhà nước, nhiều đối tượng đã vận chuyển vào nội địa những loại hàng hoá cấm nhập khẩu như ắc quy chì đã qua sử dụng, rác thải y tế...


Cảnh sát môi trường tích cực bắt giữ các vụ nhập khẩu phế liệu "bẩn".

Tính từ năm 2010 đến nay, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) Công an Nghệ An đã phát hiện và bắt giữ hàng chục vụ vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu. Trong đó năm 2010 đã bắt giữ 2.587 kg ắc quy chì phế thải, 419 kg phế liệu tổng hợp. Và trong năm 2011 này lực lượng chức năng cũng đã bắt giữ hơn 19 tấn phế liệu nhập khẩu nguy hại.


Mới đây nhất, vào ngày 23/6/2011, lực lượng CSMT phối hợp với Hải quan tỉnh phát hiện và bắt giữ xe tải mang biển số Lào UN-4590, do Mai Văn Bình, trú tại xã Diễn Hồng - Diễn Châu điều khiển, trên xe chở 19 tấn ắc quy chì nhập khẩu từ Lào về qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), đang trên đường đưa về Diễn Hồng để tái chế.


Tuy nhiên, những vụ việc vi phạm được phát hiện trong thời gian qua, chỉ là số ít so với thực trạng hoạt động nhập khẩu phế liệu vốn đang diễn ra phức tạp. Và dù pháp luật đã có những quy định rõ ràng đối với việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, như phạt tiền từ 2 đến 10 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu phế liệu sai quy định bảo vệ môi trường của Nhà nước.

Hay phạt về tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường từ 10 đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ mức án treo đến 10 năm. Thế nhưng, các đối tượng nhập khẩu phế liệu nguy hại vẫn tìm mọi cách để lách luật, tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, như: vận chuyển ban đêm hay tổ chức các đối tượng đi dò đường, nếu phát hiện thấy lực lượng chức năng thì dừng xe cất dấu hàng. Thậm chí, các chủ hàng còn không ra mặt, khi tiến hành các thủ tục nhập khẩu, khai man các mặt hàng, và thuê trọn gói vận chuyển về tận nơi tái chế. Chính những điều đó đã gây ra những khó khăn nhất định cho cơ quan chức năng khi kiểm soát, xử lý.


Bên cạnh đó, lực lượng CSMT còn mỏng, trang thiết bị còn thiếu (nhất là các máy soi kỹ thuật cao phát hiện được các loại chất độc hại), sự phối hợp giữa các ngành liên quan còn nhiều hạn chế. Do đó, hiệu quả đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này còn chưa cao so với tình hình thực tế.


Chính vì vậy, trước hết cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân ý thức hơn việc nhập về những phế liệu làm ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, phải đưa ra những quy định cụ thể, những chế tài xử phạt mang tính răn đe về việc phòng ngừa, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nhập khẩu phế liệu. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phối hợp giữa lực lượng Hải quan, CSMT và địa phương nơi có nhiều hoạt động nhập khẩu, tái chế phế liệu trong việc kiểm soát các chất thải nguy hại. Có vậy mới mong việc nhập khẩu phế liệu sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà vẫn bảo vệ được môi trường


Đặng Cường