Bài 3: Cần sự phối hợp tích cực

10/10/2011 16:22

(Baonghean) - Làm thế nào để những người dân đang "bám trụ" ở lòng hồ chấp thuận di dời đến nơi ở mới? Làm thế nào để những hộ đã tái định cư ổn định không quay trở về chốn cũ? Để giải đáp những câu hỏi này, cần sự vào cuộc, phối hợp tích cực của các cấp chính quyền, các ban ngành liên quan và cả cộng đồng.

Tất thảy những người dân ở lại hoặc quay trở về lòng hồ Bản Vẽ đều chung một tâm niệm: xin ở lại lòng hồ. Mặc dầu người dân "bám trụ" lại khu vực lòng hồ ai cũng nhận thức rằng ở lại đây là không có xã, không có bản, con cháu phải gửi đi học khắp nơi, lại không có chế độ gì... Nhưng tại sao một số người dân vẫn cố tình ở lại?

Theo ông Trịnh Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, đối với số dân còn tồn lại trong vùng lòng hồ, đặc biệt ở bản Chà Coong (xã Hữu Dương cũ) và một số hộ ở các bản khác, từ năm 2004, UBND huyện Tương Dương đã cử rất nhiều đoàn, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động. Đại đa số bà con đã về Thanh Chương và các khu tái định cư và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do tập quán làm ăn của đồng bào vùng núi cao, khi về đến khu tái định cư ở Thanh Chương đã gặp nhiều khó khăn nên có một số quay trở lại lòng hồ.



Phóng viên Báo Nghệ An phỏng vấn một gia đình vẫn "bám trụ" quê cũ
ở bản Chà Coong.

Một số hộ ở lại, trong đó có 32 hộ ở bản Chà Coong, đã được vận động và hướng dẫn, giúp đỡ và đại đa số đã về với các khu tái định cư ở Thanh Chương hoặc đăng ký di dân theo nguyện vọng về các huyện khác. Tuy nhiên, mặc dù huyện đã làm đầy đủ chế độ, chính sách nhưng vẫn còn một số hộ không đồng tình và tỏ ra chống đối. Một số khác xin di dân theo nguyện vọng cá nhân lại "đổi ý" không đi nữa, cho nên mới tồn đọng lại những cư dân "bất đắc dĩ" này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vấn đề hiện tại là những điểm dân cố ở lại đó không thể bố trí được đường giao thông, không thể bố trí được trường học, bởi vì toàn bộ số dân này đã đăng ký di dân và đăng ký ra khỏi khu vực lòng hồ. Vấn đề khác nữa là chính các hộ này đã tổ chức khiếu kiện lên các cấp từ xã, huyện, tỉnh đến Trung ương (trong đó có ông Lương Khắc Phùng - Trưởng bản Chà Coong), nêu nguyện vọng duy nhất là ở lại. Nhưng nếu như huyện cho số hộ trên ở lại thì 2.800 hộ vùng lòng hồ đã di dân về các vùng khác sẽ không còn tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước!

Tại Thanh Chương, Ban quản lý Dự án Thủy điện 2 đã lo đủ đất ở, đất vườn và đất sản xuất. Tuy rằng, theo phong tục tập quán bà con các dân tộc Tương Dương, số diện tích đất rừng để đảm bảo phát rẫy như ở quê cũ thì với điều kiện Thanh Chương không thể đáp ứng được. Do vậy, bà con phải biết tự thay đổi và thích nghi với tập quán làm ăn mới. Tuy nhiên, hiện tại nhân dân chưa đủ điều kiện nâng cao nhận thức, dân trí. Đó cũng là một nguyên nhân chính mà một số hộ khi huyện thu hồi đất nhưng chưa bồi thường kịp nên họ đã quay về nơi cũ làm ăn, phát nương làm rẫy. Từ khi những hộ trên quay về, huyện đã thành lập 4 đoàn công tác để tìm hiểu và vận động, thuyết phục bà con trở lại Khu tái định cư. Huyện đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với UBND 2 xã Hữu Dương, Kim Tiến và các già làng, trưởng bản có uy tín cùng với cán bộ chính quyền các xã từng công tác tại khu vực lòng hồ nay tiếp tục về đảm nhiệm công việc tại Ngọc Sơn, Thanh Sơn (Thanh Chương). Bên cạnh đó, các xã khu tái định cư vẫn tiếp tục mở rộng vòng tay, chào đón bà con của mình trở về khu ở mới, cho dù những hộ nói trên đang còn tự ti, tự ái.

Nhờ vậy, từ chỗ những hộ dân này cương quyết thực hiện ý đồ bằng việc đi khiếu nại khắp nơi, bây giờ họ đã dần nhận ra tất cả dân cư của 7 xã vùng trên đều có ý thức rất tốt trong việc di dời. Đặc biệt, số người bỏ về và bám trụ đều thuộc những vùng dân cư có nhận thức tốt nên tỏ ra xấu hổ với những người đã ra đi. Cũng do tâm lý xấu hổ nên họ không muốn, hoặc có thể nói là không dám quay lại.

Để xóa bỏ trở ngại về tâm lý này, huyện đã mời các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, mặt trận vận động, thậm chí là đưa người thân như anh em họ hàng vẫn tiếp tục sinh sống ở Thanh Chương đến khuyên nhủ, tâm tình. Thái độ và trách nhiệm của huyện là vẫn tiếp tục cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân về với khu tái định cư Thanh Chương, nơi đã có cơ sở hạ tầng rất tốt. Đất đai có thể thiếu, tập quán chưa phù hợp, nhưng rồi sẽ có nhiều chính sách mới của Nhà nước để hỗ trợ dân tái định cư. Vừa rồi, UBND tỉnh đã đã giao UBND huyện Thanh Chương lập các dự án phù hợp để nâng cao đời sống bà con. Cụ thể đã có dự án trồng chè, hỗ trợ giống, phân bón cho bà con. Hiện tại ở khu tái định cư, cũng đã có nhiều hộ có ô tô, xe máy và các tiện nghi sinh hoạt khác.

Đối với Ban quản lý Dự án Thủy điện 2, tất cả các chính sách, chế độ của nhân dân vùng lòng hồ nằm trong khu vực tái định cư sẽ được chi trả 100%. Riêng những khoản phát sinh mới, sau khi có ý kiến của UBND tỉnh sẽ tiếp tục được chi trả đầy đủ. Còn riêng về đền bù đất, sau khi có Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bồi thường đất đai thuộc các công trình của thủy lợi, thủy điện thì có vướng mắc về diện tích đo vẽ phần trên vùng ngập không có cơ sở để đo, bởi vì đất đó không được cấp bìa. Tập quán canh tác của người dân nay đồi này, mai đồi khác, thì việc xác nhận diện tích đất đó là không có cơ sở. Nhưng người dân vẫn quan niệm diện tích đất do họ phát nương làm rẫy trong từng ấy năm cộng lại sẽ bằng diện tích được đền bù của họ. Đây là một vấn đề vô lý và do nhận thức của dân còn kém.

Vì vậy, tỉnh cần có chủ trương, trong đó xác định nguồn gốc sử dụng đất, đồng thời đo vẽ những vùng đất dân canh tác để đền bù theo quy định của pháp luật, chứ không phải dân đòi bao nhiêu sẽ được đền bù bấy nhiêu. Về cơ bản, chính sách đất đai đối với 2.800 hộ trong lòng hồ về các điểm tái định cư đã được thực hiện theo quy định tạm thời, đó là đất ở, đất vườn và đất sản xuất. Chỉ còn lại 230 hộ di dân tự do thì huyện đang tiếp tục trình vì trong Quy định nói rõ, việc bồi thường cho người dân ở đó bằng cách cấp lại cho họ đất ở, đất vườn và đất sản xuất, số còn lại sẽ bù trừ chênh lệch. Mà bù trừ chênh lệch này phải khi UBND huyện Thanh Chương đã có số liệu giao đất cho các hộ tái định cư thì ở Tương Dương mới có cơ sở để tính toán.

Đối với huyện Thanh Chương, thiết nghĩ cũng cần có thêm nhiều động thái tích cực để tiếp tục vận động người dân quay về khu tái định cư. Ngay đối với các hộ còn ở lại lòng hồ, huyện cần tiếp tục vận động để bà con đến với các khu tái định cư, nếu không sẽ gây mâu thuẫn giữa 2.800 hộ đã di chuyển và những hộ ở lại. Huyện tạo điều kiện tốt nhất cho những người đến với khu tái định cư bằng cách hỗ trợ kinh phí vận chuyển nhà sàn và huy động tất cả lực lương dân quân tự vệ trong huyện để giúp bà con ngoài chính sách chế độ của Ban quản lý Dự án Thủy điện 2. Huyện cũng sẵn sàng giúp họ về mọi phương diện như bốc dỡ, vận chuyển bè đưa họ về Thanh Chương và nhiều khoản khác như y tế, lương thực trước mắt...

Có thể thấy rằng, cư dân "bám trụ" và cư dân quay trở về lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ cũng chỉ vì muốn ở lại đất sinh sống của cha ông hàng bao đời nay để đảm bảo cho chuyện mưu sinh. Tạo lập cuộc sống mới cho họ với đầy đủ mọi yếu tố đảm bảo không phải là chuyện của ngày một ngày hai, nhưng đó là trách nhiệm của chính quyền, của cộng đồng. Để dòng điện Bản Vẽ được "tuôn chảy", để cuộc sống của cư dân lòng hồ trở về êm ấm tại các khu tái định cư, những điều đó phụ thuộc vào sự hợp tác thật sự của cả người dân và chính quyền.


Trần Hải - Thành Chung - Công Kiên