Bài 2: Dự án mở rộng Đại học Vinh: Đã chậm càng thêm chậm !

04/11/2011 10:53

Trong khi các hộ dân ở các khu tập thể đang khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc thì 9 hộ còn lại của Khu tập thể Cọc Sợi vẫn bám trụ giữa ngổn ngang gạch vỡ. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này nếu không kiên quyết thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được...

(Baonghean) - Trong khi các hộ dân ở các khu tập thể đang khẩn trương tháo dỡ nhà cửa, thu dọn đồ đạc thì 9 hộ còn lại của Khu tập thể Cọc Sợi vẫn bám trụ giữa ngổn ngang gạch vỡ. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này nếu không kiên quyết thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được...

Tìm đến khu đất thuộc Dự án Mở rộng Trường đại học Vinh, khung cảnh ngổn ngang, ba dãy nhà tập thể ngang dọc hầu hết đã tự tháo dỡ, trả mặt bằng lại cho Đại học Vinh. Người dân đang thuê xe đến chở đồ đạc đi. Giường chiếu cũ, ngói cũ vỡ nát, những mái bếp tập thể đen ám, cho thấy một cuộc sống quá đỗi vất vả của nhiều gia đình cán bộ công nhân trong những mái nhà tập thể hàng chục năm qua. Mỗi hộ được thành phố tái định cư một lô đất tại phường Hà Huy Tập, sát đường Phạm Đình Toái, giá thời điểm trên thị trường hiện nay khoảng 15 triệu đồng/ m2, 1 lô đất nếu 100 m2 cũng có giá 1,5 tỷ đồng, nhưng các hộ chỉ phải nộp thêm phần đất chênh lệch theo giá nhà nước, từ 300 triệu - 450 triệu đồng/lô. Đây thực sự là một cuộc "đổi đời", một cơ hội tốt cho những hộ chưa từng có đất ở. Thế nhưng, một số hộ vẫn còn yêu sách, đòi thêm các quyền lợi, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng. Những góc nhà tập thể còn trụ lại giờ càng lụp xụp, cô độc...

Ngày 21/4/2009, UBND tỉnh có Quyết định số 1477/QĐ. UBND. ĐC về việc thu hồi đất tổng thể đối với 3 khu tập thể tại phường Trường Thi để thực hiện Dự án Mở rộng Đại học Vinh. Cũng ngày này, UBND tỉnh có QĐ số 119/QĐ- UBND.CN về việc phê duyệt Qui hoạch chi tiết xây dựng khu tái định cư Trường đại học Vinh tại phường Hà Huy Tập.



Một số hộ ở Khu tập thể Cọc Sợi cố tình không chịu di dời

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực này được triển khai từ khi có quyết định thu hồi đất của cấp có thẩm quyền. Thế nhưng, đã hơn 2 năm trôi qua, công tác giải phóng mặt bằng đang bó tay do một số ít hộ dân trong khu tập thể không chịu chấp nhận phương án đền bù. Một số hộ khác bám mặt đường Lê Duẩn cũng đề nghị phải có đất mặt đường tương đương đường Lê Duẩn mới có thể chấp nhận.

Tìm hiểu được biết: Tại Khu tập thể hướng nghiệp, tất cả 16 hộ đều đã nhận tiền bồi thường GPMB, nhận đất tái định cư, đã GPMB xong, Khu tập thể ban A 85 (16 hộ ) cũng đã nhận tiền bồi thường, nhận đất tái định cư. Còn Khu tập thể Cọc Sợi: (36 hộ) thì 27 hộ đã nhận đất tái định cư, còn 9 hộ không chấp nhận phương án.

Bà Phan Thị Mai - hộ chưa nhận tiền còn ở lại cho rằng: Năm 1992, Nhà máy Cọc sợi bán thanh lý, hóa giá Khu tập thể nhà máy Cọc Sợi tại khối 9, phường Trường Thi cho 45 gia đình, cá nhân để làm nơi ở. Theo bản đồ địa chính phường Trường Thi thì khu tập thể có 2 thửa đất: thửa 288 diện tích 5.636 m2, thửa 266 diện tích 1.930m2, tổng diện tích 2 thửa là 7.566 m2. Bà Mai yêu cầu diện tích đất đền bù của từng hộ phải bằng nhau và bằng tổng diện tích 7.566m2 chia đều cho 45 hộ vì khu đất đang ở là khu tập thể, nghĩa vụ đóng thuế và tiền mua nhà của các hộ là như nhau.

Thành phố căn cứ vào diện tích bà Mai đang sử dụng là 57,3m2, đền bù theo giá đất ở cho bà Mai 57,3m2, tổng tiền đền bù đất ở bà Mai được 375.028.500 đồng, tài sản trên đất được 77.785.200 đồng. Bà Mai được tái định cư tại Khu tái định cư phường Hà Huy Tập một lô đất và nạp thêm tiền chênh lệch đất theo giá nhà nước hơn 300 triệu đồng. Nhưng bà Mai chưa nhận. Các hộ khác như: Nguyễn Thị Vân, Trần Thị Ngọc, Lê Thị Mỹ Trinh,Trần Thị Đào, Dương Thị Thảo...đều có kiến nghị tương tự bà Mai.

Trao đổi với ông Hà Thanh Tịnh- Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh, ông cho biết: Với nguyên tắc: " Nơi đến bằng nhau, nơi đi theo hiện trạng", thành phố đã có phương án cụ thể đền bù tài sản và đất cho các hộ trong khu tập thể theo đúng Luật, nhưng trong khi hầu hết các hộ đã nhận tiền và nhận đất tái định cư, chỉ còn 9 hộ Khu tập thể Cọc Sợi không chịu, gây khó khăn cho công tác GPMB. Thành phố đang tổ chức họp dân, tuyên truyền cho các hộ. Nếu các hộ không nhận tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng thì thành phố sẽ có biện pháp kiên quyết hơn. Trong khi đó, còn 17 hộ bám đường Lê Duẩn, không chấp nhận tái định cư ở phường Hà Huy Tập, họ kiến nghị nơi đến phải ngang hoặc hơn nơi ở cũ. Trước vướng mắc này, Hội đồng đền bù GPMB xét thấy hợp lý nên đang tiến hành tìm đất tương đương để tái định cư cho các hộ.

Xung quanh việc khu tái định cư của Dự án Trường đại học Vinh, còn có những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong công tác phối hợp giữa thành phố và Trường đại học Vinh. Ông Đinh Xuân Khoa- Hiệu trưởng Trường đại học Vinh cho rằng: Trường đại học Vinh là chủ đầu tư được quản lý toàn bộ khu tái định cư, cấp đất cho ai, ai vào thì phải được sự đồng ý của trường. Còn Thành phố Vinh lại cho rằng: Trường đại học Vinh được UBND tỉnh giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư. Sau khi hoàn thành công tác xây dựng, phải bàn giao cho Thành phố Vinh để bố trí giao đất tái định cư theo quy định. Việc thành phố bố trí nhiều lô đất tái định cư của các dự án khác vào Khu tái định cư là phù hợp theo quy định của Điều 35- Nghị định số 197/ NĐ- CP quy định về điều kiện bắt buộc đối với khu tái định cư: "Khu tái định cư phải được sử dụng chung cho nhiều dự án". Điều này, xuất phát từ việc nhằm tránh đặc quyền, đặc lợi từ một dự án cụ thể cho một khu đất cụ thể nào đó. Chính vì vậy, Thành phố Vinh đã giao đất cho các hộ tái định cư của Dự án đường Phạm Đình Toái, Dự án Khu di tích Ngã ba Bến Thủy, đường Nguyễn Phong Sắc...

Có thể thấy công tác giải phóng mặt bằng ở Dự án Mở rộng Đại học Vinh không phải không làm được. Vẫn còn sự lúng túng trong quy hoạch, sắp xếp, tái định cư cho các hộ để đảm bảo hợp lý nhất. Giá như Hội đồng đền bù GPMB lắng nghe hơn, kiên quyết hơn và triển khai công tác tái định cư hợp lý hơn thì Dự án Mở rộng Đại học Vinh đã nhanh chóng có kết quả.


Hồng Sọc