Con Cuông, Tương Dương sản xuất rau hàng hóa

15/11/2011 15:51

Thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê là vùng sản xuất rau màu truyền thống và phục vụ đề án sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP của huyện Con Cuông. Hiện có hơn 70% số hộ trong thôn tham gia sản xuất trên diện tích 7 ha, là địa phương chuyên canh cây rau màu lớn nhất huyện.

(Baonghean) - Thôn Quyết Tiến, xã Chi Khê là vùng sản xuất rau màu truyền thống và phục vụ đề án sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Việt GAP của huyện Con Cuông. Hiện có hơn 70% số hộ trong thôn tham gia sản xuất trên diện tích 7 ha, là địa phương chuyên canh cây rau màu lớn nhất huyện.

Con Cuông đa phần diện tích đất canh tác đều là đất trồng rừng, cây công nghiệp, cây ăn quả… nên phần lớn các loại rau màu phục vụ nhu cầu của người dân hàng ngày đều nhập từ các huyện miền xuôi. Việc xây dựng một vùng chuyên canh cây rau màu đã đáp ứng nhu được một phần nhu cầu của thị trường và góp phần cải thiện đời sống của những hộ trồng rau.

Ông Trần Huy Chương, trưởng thôn Quyết Tiến, cho biết: “Sau mưa bão, hiện nay nhân dân thôn Quyết Tiến đang khẩn trương trồng rau màu, rau an toàn các loại. Tuy phải chạy đua để kịp mùa vụ nhưng bà con nông dân vẫn đáp ứng đúng “Quy trình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn”. Chị Phạm Thị Dung, một chủ vườn rau tại thôn Quyết Tiến, cho biết: “Gia đình chúng tôi hiện có 3 sào đất trồng các loại rau màu như: su hào, bắp cải, đậu cô ve. Tất cả đều được trồng và chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất rau sạch mà cán bộ khuyến nông huyện đã hướng dẫn”.



Mô hình sản xuất rau an toàn của gia đình chị Trần Thị Huế ở thôn Quyết Tiến (Chi Khê, Con Cuông).

Hiện nay ở thôn Quyết Tiến có một số gia đình trồng rau đạt hiệu quả kinh tế cao và luân canh 3 vụ trong năm đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng trên 1 sào đất, như gia đình bác Trịnh Xuân Tạo, bác Hoàng Văn Hòa, chị Trần Thị Huế, chị Phạm Thị Dung. Điều đó cho thấy triển vọng và hiệu quả của việc xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn mà huyện Con Cuông đã đề ra và đang tiếp tục triển khai mở rộng.

Còn ở huyện Tương Dương, vụ đông năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Tính, khối Hòa Nam, Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) đã trồng hơn một sào cây cà chua. Hiện nay gia đình chị tiếp tục làm đất để trồng các loại rau cải, đậu đỗ, rau gia vị đáp ứng nhu cầu thị trường.

Mặc dù là địa hình miền núi nhưng bà con nông dân huyện Tương Dương vẫn tận dụng những nơi đất tốt, bằng phẳng như bản Chắn, xã Thạch Giám; khối Hòa Nam, Thị trấn Hòa Bình; một số xã vùng sâu, vùng xa như: Yên Na, Yên Hòa... để trồng rau. Rau được xem là nguồn thu nhập chính cho bà con những vùng này. Điều đặc biệt là rau xanh ở Tương Dương hoàn toàn không sử dụng các hóa chất độc hại trong khi sản xuất, nên người tiêu dùng yên tâm.

Vụ đông năm nay, huyện Tương Dương sản xuất 300 ha rau đậu các loại. Phòng Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo bà con các xã, thị trấn tích cực làm đất sản xuất kịp thời vụ. Do năm nay thời tiết mưa nhiều nên tiến độ trồng rau chậm hơn so với các năm trước, những lứa rau sớm đã bắt đầu cho thu hoạch. Đồng thời huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông tăng cường giám sát theo dõi sâu bệnh trên rau để có biện pháp phòng trừ. Người trồng rau ở Tương Dương sử dụng các loại phân bón, như: ủ phân xanh trộn vôi, phân chuồng hoai.... để bón vừa chống được sâu bệnh lại không độc hại nên rất an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Là huyện miền núi, nhu cầu thị trường đòi hỏi nhiều loại rau, do vậy, người trồng rau không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Cây rau vụ đông của Tương Dương năm nay chủ yếu là các loại rau cải, đậu cô ve, rau gia vị, trong đó có một số mô hình trồng thử nghiệm cây cà chua quả to.

Với phương châm sản xuất "rau sạch", người trồng rau ở Tương Dương bên cạnh chú ý đến mục đích kinh tế thì còn rất chú trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng.


Thu Trang - Khánh Hiền