Bài 2: Còn nhiều trở ngại
(Baonghean.vn). Nhìn chung công tác củng cố, xây dựng, phát triển đảng viên ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm của cấp ủy Đảng, nhận thức của chủ doanh nghiệp, của quần chúng và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp...
(Baonghean.vn). Nhìn chung công tác củng cố, xây dựng, phát triển đảng viên ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, bắt nguồn từ sự thiếu quan tâm của cấp ủy Đảng, nhận thức của chủ doanh nghiệp, của quần chúng và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp...
Trong số trên 181 nghìn lao động đang làm việc tại 6.852 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có 70% lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên và trên 30% lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Phần lớn những người đã là đảng viên trước khi vào làm tại các doanh nghiệp như ông Nguyễn Văn Minh- Bí thư chi bộ,
Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh (trực thuộc Đảng bộ Quỳnh Lưu ), ông Nguyễn Vĩnh Phúc- Bí thư chi bộ- Phó Giám đốcnhân sự Công ty TNHH Phú Vinh (Trực thuộc Đảng bộ Nghi Phú- TP.Vinh), ông Trần Vũ Quang- Giám đốc Công ty T&D (trực thuộc Đảng bộ phường Hà Huy Tập - Tp.Vinh)... thì dù trải qua nhiều công việc với nhiều vị trí khác nhau nhưng họ luôn ý thức mình là một người đảng viên phải gắn liền với tổ chức Đảng.
Nguyện vọng tha thiết của họ là được sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng ngay tại nơi mình đang công tác. Và họ cũng chính là những đầu tàu trong các chi bộ đảng. Còn đối với lực lượng lao động trẻ là bộ đội xuất ngũ, sinh viên mới tốt nghiệp hay công nhân kỹ thuật, phần lớn đều có chung mong muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thế nhưng, quá nhiều cái "không" ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh khiến con đường trở thành đảng viên đối với họ trở nên vô cùng khó khăn.
Anh Đinh Thế Việt- công nhân ở một doanh nghiệp tư nhân chuyên về phần mềm bày tỏ: "Bố mẹ, các anh chị tôi đều là đảng viên. Bản thân tôi cũng muốn phấn đấu vào Đảng nhưng ở công ty không có tổ chức Đoàn Thanh niên, Công đoàn lẫn chi bộ nên đành chịu". Ngay tại các doanh nghiệp đã có tổ chức cơ sở Đảng, đoàn thể thì nhiều người lao động cũng phàn nàn rằng cấp ủy chưa thể hiện được vai trò lãnh đạo, vị trí của tổ chức cơ sở Đảng bị lu mờ và nhiều khi chưa được đánh giá đúng mức.
Thực tế này một mặt ảnh hưởng đến công tác xây dựng Đảng ở doanh nghiệp và mặt khác, tác động không nhỏ đến việc phát triển đảng viên mới ở từng đơn vị. Ngoài ra, một số cấp ủy ở doanh nghiệp không xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng để tạo nguồn phát triển đảng viên từ quần chúng. Nhiều cấp ủy không phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ quần chúng một cách thường xuyên. Kể cả đến lúc quần chúng đã tham gia học các lớp cảm tình Đảng nhưng tỷ lệ kết nạp sau đó lại rất thấp"- Bí thư Đoàn khối doanh nghiệp Nguyễn Văn Tuấn phản ánh.
Mặt khác, một sốtrong doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc phấn đấu vào Đảng. Họ sợ ràng buộc, sợ trách nhiệm và cũng bởi áp lực hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của đơn vị, bảo đảm thu nhập khiến họ không mặn mà với việc tham gia các hoạt động của tổ chức Đảng ở cơ sở. Còn tại những nơi đã có chi bộ thì lại xảy ra tình trạng đội ngũ cấp ủy viên ít chăm lo tới công tác đảng mà chỉ tập trung cho sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, họ cũng ít cơ hội được bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, cập nhật những kiến thức mới, nhất là về kinh tế xã hội và pháp luật. Điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các tổ chức đảng, đoàn thể thường rơi vào lúng túng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
Thành lập chi bộ Đảng cách đây 3 năm, trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Mai Linh với 11 đảng viên nhưng hiện nay Mai Linh Nghệ An đang hoàn tất thủ tục hồ sơ xin chuyển sinh hoạt Đảng về Đảng bộ xã Nghi Phú. Ông Hồ Đình Việt- Bí thư chi bộ, Giám đốc điều hành Chi nhánh Mai Linh Nghệ An lý giải " Tập đoàn đóng tận Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh nên việc sinh hoạt Đảng cũng như học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bồi dưỡng nguồn kết nạp đảng gặp nhiều khó khăn.
Trong 3 năm qua, chi bộ chỉ mới kết nạp được 2 đảng viên trên tổng số hơn 1 nghìn cán bộ công nhân viên. Vì vậy nguyện vọng của chúng tôi là được chuyển về Đảng bộ xã Nghi Phú để gần hơn với cơ sở. Thế nhưng, việc tìm tiếng nói chung giữa chi bộ khối, xóm và chi bộ doanh nghiệp là vấn đề không hề đơn giản. Về điều này, ông Nguyễn Văn Lịch - Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần khoáng sản Á Châu ở Khu công nghiệp Nam Cấm - trực thuộc Đảng bộ huyện Nghi Lộc thẳng thắn bày tỏ: Chúng tôi là doanh nghiệp, nhiệm vụ chuyên môn chỉ gắn với sản xuất kinh doanh.
Thế nhưng khi chúng tôi sinh hoạt tại Đảng bộ huyện nhà thì chỉ nói về phân bón, vụ mùa sản xuất nông nghiệp... Đó là điều khá xa lạ với thực tế hoạt động của doanh nghiệp". Một số lãnh đạo doanh nghiệp cũng bày tỏ trăn trở về quá trình tạo nguồn bồi dưỡng phát triển Đảng vì "nhiều người từ các địa phương khác đến cư trú nên cấp ủy khi xác minh lý lịch chính trị phải đi lại nhiều vùng khác nhau, tốn kém kinh phí, trong khi cán bộ Đảng cũng là nhân viên của doanh nghiệp, vẫn phải bảo đảm thời gian sản xuất, kinh doanh".
Từ đó, bản thân doanh nghiệp và người lao động đều cảm thấy e ngại. Chị Đoàn Thị Tình - quê ở Hà Tĩnh hiện đang làm kế toán cho một công ty tư nhân trên địa bàn Thành phố Vinh, chia sẻ: "Việc làm của người lao động như bọn em thường không ổn định, nên doanh nghiệp cũng chẳng mấy quan tâm đến việc người lao động có muốn phấn đấu vào Đảng hay không".
Thêm vào đó, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay khiến việc phát triển Đảng ở các doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài hiện còn gặp rất nhiều khó khăn do đa số chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên nên chưa hiểu được đầy đủ vai trò, ý nghĩa, vị trí, chức năng của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp. Điều đó, cũng giải thích vì sao không ít doanh nghiệp có đủ số lượng đảng viên để thành lập tổ chức đảng nhưng chủ doanh nghiệp lại không mặn mà khi có đề xuất thành lập chi bộ vì tâm lý e ngại bị "chia sẻ" vai trò lãnh đạo, sợ thời gian sinh hoạt chi bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng có nơi chủ doanh nghiệp và đảng viên đều mong muốn thành lập tổ chức Đảng nhưng lại chưa đủ đảng viên nên không thể thành lập chi bộ...
Thời gian gần đây, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân đã nhận thức được: có tổ chức Đảng và các đoàn thể, doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững hơn và đó cũng là cách để gắn bó người lao động với doanh nghiệp nên đã chủ động đến Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và các huyện, thành ủy, đảng bộ phường, xã liên hệ, tìm hiểu về việc thành lập TCCS Đảng. Điển hình như Công ty cổ phần tư vấn xây dựng miền Trung có địa chỉ tại đường Lương Thế Vinh (Tp.Vinh), với 6 đảng viên hiện có, lãnh đạo công ty đã mạnh dạn lập tờ trình đề nghị hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ thành lập chi bộ và sinh hoạt Đảng tại đảng ủy phường Trường Thi. Đó là tín hiệu mừng nhưng cũng là thách thức đặt ra cho những người làm công tác Đảng bởi "thành lập được tổ chức đảng trong doanh nghiệp đã khó, giữ cho nó phát triển ổn định và hoạt động hiệu quả lại càng khó hơn gấp nhiều lần"- Ông Nguyễn Văn Tề - Phó Ban tổ chức Huyện ủy Quỳnh Lưu thẳng thắn bày tỏ...
(còn nữa)
Khánh Ly- Mỹ Hà