Tạo cơ hội cho thanh niên cống hiến, trưởng thành

16/10/2011 17:53

(Baonghean) - Ngày 16/10, tại thành phố Vinh, Hội đồng tuyển chọn tri thức trẻ tỉnh Nghệ An đã tổ chức phỏng vấn 76 ứng...

(Baonghean) -Ngày 16/10, tại thành phố Vinh, Hội đồng tuyển chọn tri thức trẻ tỉnh Nghệ An đã tổ chức phỏng vấn 76 ứng cử viên để chọn ra 26 tri thức trẻ về làm phó chủ tịch UBND các xã nghèo trong tỉnh. PV Báo Nghệ An đã phỏng vấn ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng vụ công tác Thanh niên của Bộ Nội vụ, Giám đốc Ban quản lý dự án.

PV: Ông có thể cho biết vì sao Thủ tướng Chính phủ lại có sự điều chỉnh về thời gian tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí tri thức trẻ về tăng cường làm phó chủ tịch UBND xã ở 62 huyện nghèo trong cả nước?

Ông Vũ Đăng Minh: Theo quyết định số 170 QĐ-TTG ngày 26/1/2011 của Thủ tướng chính phủ thì Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai thí điểm ở 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum; giai đoạn 2 từ sau năm 2013 đến năm 2020, triển khai tổng thể đối với các xã còn lại thuộc phạm vi dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi nhận thấy để tuyển chọn được một đội viên Dự án phải tốn rất nhiều công sức của nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương với rất nhiều khâu từ tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ đến tổ chức xét duyệt hồ sơ, phỏng vấn trực tiếp các ứng viên để lựa chọn những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện tham gia Dự án. Nếu tuyển chọn làm 2 giai đoạn thì sẽ rất tốn kém và lãng phí thời gian vì phải lặp lại qui trình, thủ tục, cách làm. Mặt khác nếu theo phương án cũ là chia làm 2 giai đoạn thì người cuối cùng được bố trí về xã sẽ vào năm 2014. Như vậy, những đội viên dự án được tuyển chọn trong giai đoạn 2 sẽ phải qua 2 nhiệm kỳ HĐND xã mới đủ thời gian 5 năm công tác ở xã.Trước thực tế đó, chúng tôi quyết định đồng loạt triển khai dự án ở cả 62 tỉnh thành trong cùng một thời điểm




Ông Vũ Đăng Minh (ngoài cùng bên trái) trong buổi phỏng vấn
tại Hội đồng thi huyện Tương Dương


PV:
Xin ông đánh giá về công tác chuẩn bị của Hội đồng tuyển chọn tri thức trẻ tỉnh Nghệ An?

Ông Vũ Đăng Minh: Nghệ An là một trong 5 tỉnh được chọn thí điểm đầu tiên, công tác chuẩn bị của tỉnh tương đối tốt, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ban ngành đã rất quan tâm, tạo điều kiện để dự án được triển khai thuận lợi. Các bước, các khâu được thực hiện theo đúng qui trình, thủ tục, qui định hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Nội vụ. Một điều rất mừng là Nghệ An có số lượng tri thức trẻ đăng kí tham gia dự án rất đông (126 hồ sơ), đa số các em có trình độ đại học chính qui từ khá, giỏi trở lên, nhiều em là người dân tộc.Ngành nghề học cũng phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay của các xã nghèo, đặc biệt là các ngành nông lâm, ngư nghiệp, thủy lợi và luật. Điều đó chứng tỏ nguồn nhân lực của Nghệ An rất dồi dào.

PV: Theo dõi quá trình phỏng vấn trực tiếp, ông có nhận xét gì về chất lượng ứng cử viên tri thức trẻ ở Nghệ An?

Ông Vũ Đăng Minh: Chất lượng ứng cử viên tri thức trẻ ở Nghệ An so với các tỉnh khác có mặt bằng tốt hơn, từ diện mạo, năng lực, trình độ đến tư duy, khả năng ứng xử. Quan trọng là các em đều tỏ rõ sự tự tin và quyết tâm cao. Có em còn mạnh dạn trực tiếp đến nạp hồ sơ tại Bộ nội vụ. Với số lượng ứng cử viên đông (76 hồ sơ), đã qua quá trình sơ loại nên trình độ tương đối đồng đều. Vì thế “cuộc đua” để chọn 26 em tăng cường cho 26 xã nghèo thuộc 3 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong nên sẽ rất khó khăn, Hội đồng tuyển chọn phải làm việc trên nguyên tắc “so bó đũa chọn cột cờ”, đảm bảo khách quan công bằng.

Ngoài những tiêu chí ưu tiên theo qui định, trong tuyển chọn cần quan tâm đến sự nổi trội của từng cá nhân. Đầu tiên là tinh thần sẵn sàng “3 cùng” với nhân dân, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ. Thứ hai là ưu tiên các em có tố chất lãnh đạo, có tư duy và phương pháp luận tốt, óc sáng tạo, nhạy bén. Mặt khác phải là những người biết lắng nghe từ cơ sở, nhất là đồng bào dân tộc ít người. Các tri thức trẻ phải tự xác định
tham gia Dự án không phải để được hưởng thụ mà tình nguyện đem tài năng, sức trẻ đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, góp phần giúp địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

PV: Kinh nghiệm là vấn đề yếu và thiếu của tri thức trẻ tham gia dự án. Vậy sau công tác tuyển chọn, Bộ Nội vụ sẽ làm gì để hỗ trợ cho các tri thức trẻ đảm nhận tốt vị trí của mình tại cơ sở?

Ông Vũ Đăng Minh:Sau hoàn tất công tác tuyển chọn và có quyết định chính thức của UBND các tỉnh, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho tri thức trẻ trong 3 tháng về 8 chuyên đề về quản lý nhà nước cấp xã và 15 kỹ năng, phương pháp cần thiết của một cán bộ quản lý như kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức điều hành cuộc họp, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo…. Hiện nay, Bộ đang giao cho các cơ quan chức năng biên soạn thành cẩm nang, bao gồm các câu hỏi đáp về các vấn đề liên quan, các tình huống có thể xảy ra như cuốn sách gối đầu giường của tri thức trẻ. Mặt khác bản thân các em phải tự tìm tòi, nghiên cứu, chịu khó lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

PV: Hiện nay có rất nhiều ý kiến băn khoăn về “đầu ra” của các trí thức trẻ sau 5 năm kết thúc dự án, ông nghĩ sao về vấn đề này?


Ông Vũ Đăng Minh
: Ở đây có hai phương án, thứ nhất: nếu sau khi kết thúc dự án, đội viên có nguyện vọng ở lại mà địa phương có nhu cầu và năng lực đội viên đáp ứng được thì cấp ủy và chính quyền xã tiếp tục quy hoạch vào các vị trí còn thiếu ở xã hoặc xét chuyển lên làm công chức ủy ban nhân dân huyện nơi tình nguyện đến công tác. Trường hợp UBND xã, huyện không bố trí được công việc thì báo cáo UBND tỉnh xem xét chuyển thành công chức nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2, Điều 62 của Luật Cán bộ, công chức. Trường hợp cấp ủy, chính quyền địa phương nơi công tác không bố trí được việc làm cho các đội viên Dự án thì UBND tỉnh có huyện nghèo báo cáo Bộ Nội vụ (thông qua Ban quản lý Dự án Trung ương) để phối hợp với các cơ quan quản lý công chức tổ chức xét tuyển theo quy định của pháp luật. Để làm tốt việc này đòi hỏi cấp ủy chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần phải có lộ trình, qui hoạch cán bộ cụ thể để đảm bảo đầu ra cho các tri thức trẻ. Trường hợp đội viên Dự án không có nhu cầu ở lại thì phải có cơ chế mở, tạo điều kiện cho các em có cơ hội phát triển vươn lên. Ngoài ra, trong Dự án có nguyên tắc mở, trí thức trẻ công tác trong thời gian 5 năm, nếu hoàn thành xuất sắc thì có thể là sau 3 năm sẽ được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo cao hơn. Đây cũng là động lực để tri thức trẻ phấn đấu, là cơ hội với tất cả những ai có ý thức vươn lên. Điều quan trọng là hãy tạo cho các em một cơ hội để trải nghiệm, khẳng định mình và trưởng thành trong thực tiễn, còn phát huy được hay không phụ thuộc vào năng lực và sự cố gắng của mỗi người.

PV:Xin cảm ơn ông


Khánh Ly- Mỹ Hà (Thực hiện)