Nam Đàn: Tiềm năng du lịch và cơ hội thu hút đầu tư

17/10/2011 17:02

(Baonghean.vn) Trong tâm thức của người dân Việt Nam, Nam Đàn là vùng đất "địa linh nhân kiệt" có bề dày lịch sử lâu đời, là cái nôi của nhiều phong trào yêu nước, quê hương của các danh nhân đã có cống hiến lớn lao cho dân tộc như: Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vùng đất này còn có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, Nam Đàn có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Giàu tiềm năng du lịch

Nếu bắt đầu từ bến Sa Nam tấp nập mà nên thơ - trung tâm của huyện, du khách dù đi về bất kỳ hướng nào đều cũng gặp các di tích lịch sử văn hoá. Hầu hết các di tích lớn ở đây đều gắn liền với tên tuổi của các bậc danh nhân, anh hùng dân tộc... Cách Bến Sa Nam về phía Tây không xa là quần thể đền thờ, khu mộ Vua Mai Thúc Loan, vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Đường, lập nên nhà nước Vạn An vào thế kỷ VIII. Hiện nay vẫn chưa có tài liệu ghi chép chính xác thời gian khởi lập đền, chỉ biết rằng đến năm 1821, đền mới được xây cất lại to đẹp, uy nghi. Sau thời gian dài bị tàn phá do chiến tranh, thiên tai, hiện nay đền, khu mộ vua Mai đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo xây đắp bề thế, phục hồi cơ bản theo lối kiến trúc cũ.

Hành hương về quê Bác . Ảnh: S.M

Phía nam bến Sa Nam là vùng hữu ngạn sông Lam, vùng đất nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, nghề trồng dâu nuôi tằm và những làn điệu dân ca làm say đắm lòng người. Nơi đây có rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh, tiêu biểu là: dấu tích Thành Lục Niên và khu mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Thành Lục Niên được Lê Lợi xây dựng trên núi Thiên Nhẫn vào năm 1424, là căn cứ địa quan trọng để nghĩa quân Lam Sơn xây dựng lực lượng vững mạnh để tiêu diệt quân Minh xâm lược, giải phóng đất nước ở thế kỷ XV. Phía đông bắc Thành Lục Niên, trên ngọn núi Bùi Phong có khu mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp - mưu thần số một của Đức Hoàng đế Quang Trung, một nho sỹ tài cao đức trọng, chí khí sáng ngời. Ngoài ra còn có đình Trung Cần, một công trình văn hoá có giá trị rất cao về mặt kiến trúc và đình Hoành Sơn - công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào năm 1740, nổi tiếng bởi sự đồ sộ về kiến trúc, tinh xảo về điêu khắc, trang trí.

Phía đông Bến Sa Nam là khu lưu niệm nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu và Khu Di tích Kim Liên gắn liền với tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quần thể Khu Di tích Kim Liên có Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu trưng bày di tích đầu tiên trong cả nước giới thiệu với đông đảo du khách về tiểu sử và cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong Khu di tích Kim Liên còn có khu mộ Cụ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên ngọn Động Tranh, núi Đại Huệ...

Phía bắc thị trấn Nam Đàn, là nơi tập trung dày đặc các di tích. Chùa cổ Đức Sơn Tự ở xã Vân Diên - nơi lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ rất có giá trị là các bộ tượng Tam thế, Di Đà Tam tôn, Quan âm tống tử, Phật thích ca... Đặc biệt, trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ có ngôi chùa Đại Tuệ. Tương truyền, ngôi chùa này được xây từ thời Vua Mai Hắc Đế (Thế kỷ thứ VIII); đến thế kỷ thứ XV, Hồ Quý Ly cho dựng lại để thờ bà Đại Tuệ. Ngôi chùa này hiện đang được phục dựng , tương lai sẽ là một trong những ngôi chùa đẹp nổi tiếng. Đứng trên khu vực này, khách thập phương nhìn thấy toàn cảnh một vùng rộng lớn từ Hòn Ngư cho tới Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, từ dãy Hồng Lĩnh, dãy Thiên Nhẫn hùng vĩ cho đến Lam Giang, La Giang thơ mộng của vùng Đức Thọ, Nghi Xuân. Nam Đàn còn nổi tiếng bởi những thắng cảnh thiên nhiên như hồ Thanh Thủy, Thủng Kheo, và nhất là hồ Tràng Đen - một hồ nước rộng được bao phủ bởi các đồi thông, keo, giữa lòng hồ là những đảo nổi rất phù hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Toàn huyện có hơn 7.500 ha rừng, trong đó có trên 3.000 ha rừng gắn liền với các di tích lịch sử, tạo nên cảnh quan thiên nhiên đẹp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch rừng đặc dụng gắn với di tích lịch sử - văn hóa..., rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Nam Đàn còn có những món ngon truyền thống mà du khách thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi như tương, bánh đúc, hến, cá mòi sông Lam, hồng Đại Huệ, bột sắn dây, cá rô bàu Nón ...; một số món đã trở thành "thương hiệu" như thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn. Với 108 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có trên 30 di tích đã được xếp hạng, nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia cùng nhiều thắng cảnh và giá trị văn hóa khác, có thể nói, tiềm năng du lịch Nam Đàn vô cùng to lớn, đã và đang khẳng định là điểm du lịch không thể thiếu trong hành trình du lịch xuyên Việt.

Mở rộng cơ hội đầu tư

Là địa bàn gần Thành phố Vinh, lại nằm trên vị trí địa lý hết sức thuận lợi, có 2 tuyến Quốc lộ 46 và 15A chạy qua nối với cửa khẩu Thanh Thủy..., có sông Lam (với chiều dài hơn 16 km), sông Đào chạy dọc địa bàn huyện xuống Cầu Bến Thủy, Nam Đàn có cơ sở hạ tầng giao thông tương đối thuận tiện. Lực lượng lao động của huyện lại dồi dào, cần cù, chịu khó. Hiện Nam Đàn đã có 3 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ là cụm công nghiệp Nam Giang có diện tích 36,55 ha, cụm công nghiệp xã Vân Diên có diện tích 10,63 ha, khu công nghiệp nhỏ xã Nam Thái có diện tích 20 ha. Bên cạnh đó là cụm công nghiệp Rú Bùi, xã Khánh Sơn rộng 30 ha đang tiến hành các bước quy hoạch.

Trong những năm qua, Nam Đàn luôn chủ động, tích cực kêu gọi các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đầu tư vào xây dựng và phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp. Huyện chủ trương ưu tiên các dự án xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân...

Khi nhà đầu tư tìm đến, các thủ tục theo thẩm quyền đều được huyện giải quyết nhanh chóng, gây ấn tượng tốt với các nhà đầu tư. Đến nay, các cụm công nghiệp của huyện đã tiếp nhận nhiều dự án đầu tư, nổi bật là Nhà máy gạch Tuynel Nam Thái có công suất 60 triệu viên/năm; Nhà máy gạch tuynel Rú Bùi, Nhà máy may đồ thể thao xuất khẩu Haivina Kim Liên do Công ty Haivina (Hàn Quốc) đầu tư, có tổng mức gần 10 triệu USD, thu hút khoảng 3.500 công nhân; Cụm sợi may Nam Đàn Hanosimex do Tổng công ty cổ phần dệt may Hà Nội đầu tư với tổng số vốn trên 1.000 tỷ đồng, thu hút trên 1.000 công nhân... Các dự án này sẽ làm tăng năng lực sản xuất, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đồng thời tạo điều kiện giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách của địa phương.

Từ những thành công bước đầu đó, năm 2011, Nam Đàn đã tập trung xây dựng các Nghị quyết, đề án chuyên đề để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ XXV, trên các lĩnh vực như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trang trại, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch, thương mại, xây dựng huyện điểm văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh.... Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, huyện đã có Nghị quyết về thu hút đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2025, có tính đến năm 2020.

Các mục tiêu cụ thể là: Trước năm 2015, hoàn chỉnh thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch Cụm công nghiệp Rú Bùi; Hình thành dần quy hoạch các cụm công nghiệp mới tại các vùng Nam Thanh - Nam Nghĩa, Nam Hưng - Nam Thái, phấn đấu đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp đã phê duyệt quy hoạch; xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp đối với các ngành nghề xác định trong quy hoạch, phấn đấu lấp đầy vào giai đoạn 2015 - 2020, ưu tiên các dự án công nghiệp sạch và sử dụng nhiều lao động địa phương. Huyện cam kết tạo các điều kiện tốt nhất cho các dự án trong nước và nước ngoài đang đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn đạt hiệu quả cao; giải quyết nhanh gọn các thủ tục cấp phép đầu tư, thủ tục cho thuê đất, giao đất, thủ tục thực hiện hỗ trợ ưu đãi đầu tư, thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư có thể triển khai nhanh nhất, tốt nhất các dự án.

Ông Thái Văn Nông, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Nam Đàn luôn mở rộng chào đón các nhà đầu tư với cơ chế chính sách khuyết khích đầu tư theo đúng các quy định Ví như chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, ngoài phần ngân sách tỉnh hỗ trợ thì ngân sách huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng hạ tầng, giao thông, thoát nước thải, nước mặt tập trung. Đối với chính sách hỗ trợ lao động, những doanh nghiệp tiếp nhận trên 100 lao động, tự đào tạo lao động đạt tiêu chuẩn trở lên được ngân sách huyện hỗ trợ 300 nghìn đồng/người cho những lao động có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống tại Nam Đàn. Hỗ trợ 30% lệ phí đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp về kiểu dáng và nhãn hiệu hàng hóa, nhưng tối đa không quá 30 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ 30% kinh phí được duyệt thực hiện đề tài, dự án được duyệt đối với doanh nghiệp thực hiện đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh thị trường...

Cũng theo ông Thái Văn Nông, không chỉ các dự án công nghiệp mà các dự án nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ về giống, về phương thức canh tác, bảo quản và nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc sản cũng được ưu tiên. Huyện còn khuyến khích hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, khuyến khích các công ty lữ hành, các khách sạn lớn quảng bá du lịch đầu tư kinh doanh trên địa bàn...


Thanh Thủy - Thành Chung