Phát triển đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới

14/11/2011 15:03

(Baonghean) - Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", Hội Nông dân tỉnh đã cụ thể hoá bằng những chương trình, chỉ tiêu thiết thực góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực. Đây thực sự là tiền đề, động lực để các cấp hội thực hiện "Phong trào nông dân xây dựng nông thôn mới".

Là địa bàn thuần nông, do đó khi thực hiện thí điểm Đề án "Thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ", xã Diễn Phú (Diễn Châu) gặp không ít khó khăn. Để huy động sức dân, bên cạnh sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Hội Nông dân được xem là vai trò nòng cốt trong thực hiện đề án và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư". Xác định được vai trò của mình, hội đã tích cực tuyên truyền các nội dung, tiêu chí của đề án; tính thiết thực của phong trào và vận động hội viên đăng ký thực hiện; kêu gọi hội viên đóng góp sức người, sức của xây dựng nhà văn hóa; hiến đất làm sân thể thao, mở rộng đường làng, ngõ xóm... Đến nay, Diễn Phú đã đưa vào sử dụng nhà văn hóa đa chức năng với kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng; xây dựng phòng truyền thống, phòng đọc; lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây; 23/23 xóm xây dựng nhà văn hóa xóm và sân thể thao...



Hội thi "Tìm hiểu nông thôn mới" do Hội Nông dân huyện Nam Đàn tổ chức.

Thiếu thốn về vật chất làm cho người nông dân ít có điều kiện quan tâm cải thiện đời sống văn hoá, tinh thần, do đó, để tạo nguồn lực giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng". Các cấp hội phối hợp với các ngân hàng, công ty sản xuất vật tư nông nghiệp cung ứng cho nông dân vay vốn, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi để họ chủ động đầu tư sản xuất; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ cho nông dân. Đến nay, toàn tỉnh có gần 45.000 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp, chiếm 9,6% so với hộ nông nghiệp; đời sống người dân được cải thiện, các hộ dân mua sắm được thiết bị thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Cùng với việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt chiến lược gia đình Việt Nam, tổ chức cho các gia đình nông dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa theo mô hình: ấm no, khỏe mạnh, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Kết quả, hàng năm có 100% cơ sở hội, 80% chi hội tổ chức cho hội viên đăng ký xây dựng gia đình nông dân văn hóa.

Hội chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội vận động hội viên, nông dân hăng hái tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia như: chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, tăng cường vận động, chỉ đạo hội viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tham gia đấu tranh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh như: Hội thi "Thôn nữ giỏi giang duyên dáng", "Tiếng hát đồng quê", "Nhà nông đua tài" và các giải bóng đá, bóng chuyền truyền thống hàng năm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nông dân.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong thời gian qua, nông dân Nghệ An đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng, làm trên 3.600 km đường bê tông, 4.696 km đường cấp phối, 404 cầu, 6.876 cống các loại, duy tu bảo dưỡng 4.000 km đường giao thông. Ngoài ra, các cấp hội còn vận động nông dân tích cực đóng góp tiền của, ngày công tham gia xây dựng "Nhà văn hoá xóm", sân thể thao, cơ sở vật chất và mua sắm dụng cụ luyện tập thể dục thể thao...

Gắn phong trào "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư" với xây dựng nông thôn mới, nông dân toàn tỉnh đang nỗ lực thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.


Thanh Phúc