Điện khẩn

13/09/2011 09:41

(Công điện số 23/CĐ-UBND.NN của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An)

Ngày 11/9/2011, Chủ tịch UBND tỉnh ra Công điện khẩn số 23, gửi:

- Chủ tịch UBND - Trưởng ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố, thị xã;
- Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh;
- Giám đốc các công ty Thủy lợi.

Theo tin từ Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Bắc Trung bộ, từ ngày 08/9 đến ngày 11/9/2011, do ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết phức tạp nên ở Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến trên địa bàn tỉnh đo được từ 150mm đến 250mm, một số vùng có lượng mưa lớn hơn như Quế Phong 335mm; Tây Hiếu 374,0 mm; Nam Đàn 315,0mm; Cửa Hội 340,0mm. Tình hình thời tiết còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để chủ động đối phó với tình hình mưa, lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện, thành phố, thị xã; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện ngay một số việc cấp bách sau đây:

1. Thông tin, cảnh báo, kiểm tra rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven sông, suối, các khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở phòng tránh lũ ống, lũ quét, các khu dân cư ở hạ lưu hồ chứa nước. Có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; hướng dẫn nhân dân trong vùng có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống có mưa, lũ lớn, bị chia cắt dài ngày.

2. Tập trung chỉ đạo, tranh thủ thu hoạch nhanh các trà lúa hè thu đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" và các sản phẩm hoa màu khác, bảo vệ các ao hồ nuôi trồng thuỷ sản. Huy động lực lượng giúp các gia đình chính sách, gia đình khó khăn neo đơn thu hoạch kịp thời. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

3. Chủ động vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông, thanh thoát các trục tiêu, vận hành các trạm bơm tiêu úng để bảo vệ lúa và hoa màu, triển khai phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, đê điều và các công trình đang xây dựng.

4. Kiểm tra các vị trí đường giao thông bị ngập, tiến hành cắm tiêu, cử người trực, gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh chuẩn bị phương tiện, lực lượng xử lý sự cố khi cần thiết; bố trí lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự và giúp nhân dân khắc phục kịp thời các sự cố xẩy ra.

6. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của mưa lũ để đối phó, xử lý kịp thời và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & TKCN tỉnh.

KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Đinh Viết Hồng