Phong Toàn - một thời để nhớ
(Baonghean) - Làng Phong Toàn trước đây thuộc xã Hưng Dũng, nay thuộc phường Hà Huy Tập, Thành phố Vinh là nơi mà cách đây gần 40 năm, Báo Nghệ An từ điểm sơ tán ở huyện Đô Lương trở về chọn đóng trụ sở đầu tiên sau khi đế quốc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc.
Lúc đó, Phong Toàn còn là một làng quê nghèo, dân cư thưa thớt. Địa điểm Báo đặt trụ sở là một vùng cồn hoang, cây cối um tùm, lũy tre, bờ hóp rậm rạp, bốn bề là đồng ruộng, ao hồ. Trụ sở của Báo lúc đó là 8 cái nhà trong đó chỉ có một nhà xây mái ngói dành cho cố Tổng Biên tập Nguyễn Hường vừa làm việc, vừa làm nhà ở cho cả gia đình. Số còn lại là nhà tranh, vách che phên nứa dành cho cán bộ, phóng viên vừa ở, vừa làm việc. Lúc đó là thời bao cấp, việc ăn uống phần lớn mọi người đều dựa vào bếp ăn tập thể theo chế độ như nhau. Ai muốn ăn thêm hoặc có khách thì báo với tập đoàn, ghi sổ đến cuối tháng thanh toán. Còn nhớ, bữa ăn lúc đó thường là hai sét bát cơm độn ngô, khoai hoặc sắn, một bát canh có mấy cọng rau, một con cá trích ve hoặc một miếng thịt lợn. So với nhu cầu cơ thể như ăn uống vậy vừa thiếu cả chất lẫn lượng nên lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy đói. Chế độ tem phiếu lương thực, thực phẩm thường do tập đoàn (bếp ăn tập thể cơ quan) quản lý, cuối tháng tổng hợp, thanh toán cụ thể cho từng người. Báo lúc đó mỗi tuần ra một số. Anh em phóng viên thường đi cơ sở từ đầu tháng đến cuối tháng mới về cơ quan để sinh hoạt, hội họp, tiếp thu chủ trương, bàn kế hoạch xuất bản trong tháng và nhận nhiệm vụ, nhận lương, thanh toán các chế độ được hưởng như: tem, phiếu lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm khác... Sau khi viết xong tin, bài, làm ảnh nộp cho Ban biên tập, các phóng viên lại lên đường thực hiện một chuyến công tác mới.
Đồng chí Trần Quang Đạt - Chủ tịch UBND tỉnh và các nhà báo: Lê Xuân Thụ,
Lê Quý Kỳ (Báo Nghệ Tĩnh), Văn Thái (TTXVN) - thăm đảo Mắt năm 1979.
Ảnh tư liệu: Lê Quý Kỳ
Giai đoạn đó khó khăn vô cùng. Chúng tôi làm việc vào ban đêm, chủ yếu bằng đèn dầu hỏa, kể cả tráng phim, in phóng ảnh... Lúc đó, máy nổ của cơ quan chỉ chạy vài ba tiếng mỗi đêm, đến chín, mười giờ là tắt. Chúng tôi đi công tác hầu như tự lo là chính. Tiền, tem phiếu phải mang theo. Xuống huyện, xã công tác ăn bữa nào báo và thanh toán bữa đó. Thời đó, đã là cơ quan tập thể thì rõ ràng sòng phẳng, không ai mời và bao cho ai. Thỉnh thoảng gặp được nhà dân tốt, có điều kiện mời ăn một vài bữa là sướng lắm! Phương tiện giao thông lúc đó chủ yếu bằng xe đạp cọc cạch.Vì phụ tùng và các nhu yếu phẩm khác đều phân phối, cả năm hai ba người, có lúc năm bảy người mới được phân một vài cái trong khi ai cũng cần. Nếu không chịu nhường nhau thì thường phải họp bình xét hoặc bốc thăm, ai may người ấy được!
Tuy gian khổ là vậy, nhưng không khí sinh hoạt và làm việc thời bấy giờ vẫn vui tươi và lạc quan lắm. Đi công tác lâu ngày là nhớ và cứ trông mau đến cuối tháng về tòa soạn gặp lại để hàn huyên. Về tòa soạn, những lúc rỗi rãi, chúng tôi thường sang chơi nhà dân lân cận, uống nước chè xanh, hút thuốc lào , nói chuyện rổn rảng... Có người còn khéo làm công tác dân vận "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" được bà con quý mến. Nhà dân lúc đó còn thưa thớt lắm. Suốt một dải đất rộng kéo dài gần cây số mà chỉ có 6, 7 nhà. Nhà ông Mai, ông Nhung ở sát cơ quan, kế tiếp theo một dọc về hướng nam là nhà ông Dung, ông Tích, bà Điều... và xa nhất là nhà anh Thân. Cuộc sống sinh hoạt của dân Phong Toàn bấy giờ cũng giống như mọi miền quê khác, đúng là "làng trong phố". Khác với các địa điểm mà Báo Nghệ An đã ở, Phong Toàn không chỉ là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Báo Nghệ An sau thời chiến, mà còn là nơi đón anh, chị em cán bộ phóng viên Báo Hà Tĩnh ra để thành lập Báo Nghệ Tĩnh vào đầu năm 1976 (Báo Nghệ An về đây từ đầu năm 1973). Báo Nghệ Tĩnh cũng "đậu" lại trên mảnh đất này tới khoảng 3 năm mới chuyển đi chỗ khác. Vậy là tại đây, cũng chừng ấy nhà cửa, chúng tôi đã thực hiện đạo lý "rộng bụng hơn rộng nhà", khó khăn cùng nhau chia sẻ, coi nhau như anh em trong một nhà. Từ đây, Báo Nghệ Tĩnh thực sự là một gia đình lớn, đoàn kết, chan chứa nghĩa tình.
Bây giờ, trở lại Phong Toàn, không thể nhận ra đâu là nơi Báo Nghệ An đã trú chân cách đây gần 40 năm. Tất cả đều thay đổi. Phong Toàn đã lên "phố" bắt đầu từ năm 1986 khi phường mới Hà Huy Tập được thành lập. Phong Toàn tách khỏi Hưng Dũng về phường mới và cũng được chia thành hai khối là Yên Toàn và Yên Sơn. Địa điểm cũ của Báo nay thuộc khối Yên Sơn. Bộ mặt Phong Toàn đổi mới nhanh chóng và mạnh mẽ từ cuối thập niên 90 đến nay. Dân số Phong Toàn đã tăng gấp hơn mươi lần so với trước (dân bản địa chỉ chiếm gần một phần mười). Dân gốc bây giờ cũng không sống bằng nghề nông như trước nữa mà bằng nhiều ngành nghề như: dịch vụ, thương mại, sản xuất tiểu thủ công... Nhà dân phần lớn là nhà cao tầng, số nhà cấp bốn chỉ còn vài cái. Đường đi lối lại rộng mở, đều rải nhựa và bê tông hóa. Xe ô tô vào tận mọi nhà. Phần lớn đồng ruộng, cồn bãi, ao hồ... đã được san lấp và mọc lên trên đó là các khu dân cư, là trường học, công sở, cơ sở sản xuất, dịch vụ, chợ, hàng quán...Toàn khối không còn hộ nghèo. Dân gốc tuy chỉ chiếm gần 10%, nhưng số nhà giàu có, khá giả lại cao nhất nhờ bán đất ở, đất ruộng, làm nhà trọ cho thuê... Ông bà Nhung năm nay gần tám mươi tuổi vui vẻ cho biết: "Nhà chúng tôi cũng như các nhà ở gần Báo trước đây bây giờ đều thay đổi. Tất cả là nhờ đất. Đến như con ông Hường, ông Liêm ở trên đất cũ của Báo cũng có đất ở rộng (trước đây đất cho không), cũng được hưởng lợi lớn từ đất. Cái cảnh yên tĩnh, thanh bình của làng quê cũ không còn nữa, mà thay vào đó là cảnh tấp nập, ồn ào, rậm rịch suốt ngày đêm. Thường số học sinh, sinh viên của Trường cao đẳng Kinh tế, Trường trung cấp nghề Sa ra ở trọ đã nhiều hơn dân sống ở đây rồi...
Tuy cảnh vật nơi đây đã hoàn toàn đổi khác, nhưng tình cảm của người quen biết cũ thì vẫn đậm đà, chân thật như xưa: Họ niềm nở tiếp đón chúng tôi và say sưa kể hết chuyện xa đến chuyện gần, chuyện hàng xóm đến chuyện nhà mình cứ như với người thân lâu ngày mới gặp vậy. Qua chuyện trò thân mật, chúng tôi vô cùng cảm động nhận thấy trong họ vẫn còn in đậm những kỷ niệm vui buồn với anh em chúng tôi, thậm chí họ còn biết được ngay cả bây giờ ai còn, ai mất, cuộc sống ra sao... , kể cả những anh chị em trong Báo Hà Tĩnh. Đó là điều làm chúng tôi càng nhớ về Phong Toàn ngày ấy với những con người cũ mà nghĩa tình bao giờ cũng mới.
Văn Quyền