Nhớ đại tá hải quân trồng rừng

31/10/2011 15:49

(Baonghean) - Tôi trở lại động Cồn Găng xã Bắc Thành, Yên Thành thăm đại tá Nguyễn Đức Khầm và trang trại của ông theo lời hẹn. Bà Hà Thị Mùi, vợ ông bùi ngùi kể ông vừa qua đời.

Ông Nguyễn Đức Khầm nhập ngũ năm 1954, đến năm 1960 chuyển sang hải quân, trực thuộc đoàn tàu không số, vận tải theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Đơn vị 126 của ông hoạt đông trên vùng biển Nha Trang – Khánh Hòa. Do sống lênh đênh trên biển, mãi đến năm 1966, ông mới được về phép thăm nhà và lập gia đình riêng. Hết phép ông lại ra Hải Phòng tiếp tục bám tàu đi xa. Mãi đến năm 1971, trước khi đi vào vùng biển xa, vào vùng biển đảo Phú Quốc, ra vào cảng Xi-ha-núc-pin (Campuchia) ông mới được về nhà coi như chế độ chính sách. May thay lần đó ông có cơ hội sinh con trai đầu lòng Nguyễn Đức Vượng. Với quân hàm trung tá, ông đã lập được nhiều chiến công trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Về quê hương với quân hàm đại tá, ông tiếp tục một thời gian làm kỹ sư, máy trưởng cho con tàu vận tải mang tên Sông Dinh của huyện Yên Thành. Mãi đến khi huyện bán con tàu đó ông mới thật sự lên bờ. Đúng lúc nhà nước đang vận động trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông vay 40 triệu đồng để cải tạo vùng đồi Cồn Găng để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả.

Cách đây gần chục năm khi tôi đến thăm trang trại ông lần đầu, cũng là vừa lúc ông được tham gia đoàn đại biểu Nghệ An đi dự Đại hội đại biểu những hộ làm kinh tế giỏi tại Hà Nội vừa về. Ông dẫn tôi thăm vườn cây trên núi đá của mình. Hỏi chuyện làm ăn, ông bà cho biết tổng số cây có đến 12 vạn, trong đó cây ăn quả 4 nghìn cây, mỗi năm thu hoạch gần 2 tấn quả. Trong số cây lấy gỗ có gần 5 nghìn cây lát hoa là loại cây lấy gỗ có giá trị cao. Nếu tính mỗi cây gỗ 10 nghìn đồng thôi thì trang trại của ông cũng đạt giá trị tiền tỷ. Nhờ làm trang trại trồng cây ăn quả , chăn lợn, nuôi bò như thế mà vợ chồng ông có điều kiện nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Hơn nữa là vùng đồi núi trọc Cồn Găng nhờ công sức của ông mà đã phủ xanh cây cối, khe cạn sinh thủy. Sau này thấy ông làm ăn được, nhiều hộ đã di dân lên đây quần tụ thành một xóm trù phú yên vui.

Thế đó, một đại tá cả cuộc đời gắn với biển lại chăm chỉ trồng rừng. Rừng với biển gắn bó như đất với nước. /.


Hoàng Chỉnh