Quốc hội thảo luận quy hoạch sử dụng đất: 50 năm nữa mới lấp đầy các KCN hiện có
Thảo luận về quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, nếu không làm rõ được nguồn vốn để lấp đầy các khu công nghiệp sẽ dẫn đến quy hoạch treo.
Đất nông nghiệp biến thành đất hoang.
Quy hoạch không sát thực tế
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất không sát với thực tế, việc tổ chức không đến nơi đến chốn khiến nhiều dự án triển khai kéo dài, hiệu quả đầu tư thấp. Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội theo dự toán 7.000 tỷ đồng nhưng nay trượt giá lên hơn 20.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng lần đầu không triển khai được, dân lại ở và phải giải phóng mặt bằng lần hai, gây thiệt hại và lãng phí trong sử dụng đất.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho biết, theo tính toán phải mất 50 năm nữa mới lấp đầy 72.000 ha đất KCN hiện nay, vậy quy hoạch thêm làm gì? ĐB Nguyễn Văn Phụng (TPHCM) đồng tình, hiện nay KCN chiếm hơn 70.000 ha đất, song tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 45%. Trong khi, quy hoạch 10 năm tăng gấp 3, lên 200.000 ha là tốc độ quá nhanh. “Chính phủ phải quy định địa phương nào có các KCN được lấp đầy từ 60% trở lên mới cho lập thêm khu mới”- Ông Phụng nói.
ĐB Trần Du Lịch nói: "Không công nghiệp hóa bằng mọi giá". Ảnh: Hồng Vĩnh
Tuy nhiên, ĐB Đặng Thành Tâm (TPHCM) lý giải, hiện 72.000 ha đất KCN tập trung đem lại 25% GDP, và theo quy luật, cứ 5 năm GDP Việt Nam tăng gấp đôi, do vậy để công nghiệp giữ được tỷ trọng đóng góp này thì đến năm 2020 đất cho KCN tăng lên 200.000 ha là bình thường.
Không đồng tình với ý kiến này, ĐB Trần Du Lịch cho rằng, không phải cứ dành nhiều đất mới đóng góp lớn cho GDP. Ví như tại TPHCM, quy hoạch đến năm 2020 có 5.900 ha khu công nghiệp, hiện 14 khu đang khai thác 2.500 ha đã đóng góp 28% GDP cả nước.
ĐB Trần Du Lịch cho rằng, phải làm rõ 1 ha đất công nghiệp thì cần bao nhiêu vốn đầu tư cho từng vùng, miền. Nếu lấp đầy hết 72.000 ha KCN cần bao nhiêu vốn đầu tư, chứ chưa nói tới mở rộng lên 200.000 ha. “Nếu nhìn như thế mới thấy một con số vô lý, chúng ta giật mình không thể hiểu được. Không biết anh Đặng Thành Tâm làm KCN thì một hecta anh đầu tư hết bao nhiêu?”.
Không nhận được câu trả lời, ông Lịch kiến nghị, nếu Chính phủ không làm rõ được các con số đó thì không thể phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là 200.000 ha đất KCN.
“Trong 10-15 năm công nghiệp hóa - đô thị hóa, chúng ta đã biến không biết bao nhiêu đất nông nghiệp thành đất hoang, ảnh hưởng rất lớn đến nông dân. Khu công nghiệp bị bỏ hoang, thậm chí để nuôi bò. Đây là một thực trạng chúng ta phải nhìn rõ, nếu không lại phê duyệt tiếp là sự vô lý”- Ông Lịch nói.
Bỏ hoang đất công nghiệp, thiếu đất xây trường
“Hiện cả nước có 267 KCN, với diện tích 72.000 ha; quy hoạch đến năm 2020 có 558 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, với diện tích 200 nghìn hécta, tăng 128 nghìn hécta so với năm 2010 (kể cả 95 khu công nghiệp nằm trong 20 khu kinh tế ven biển và 30 khu kinh tế cửa khẩu)”- Theo Báo cáo của Chính phủ. |
Ông Quyền bày tỏ, rất tâm đắc với ý kiến của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi xuống huyện Từ Liêm kiểm tra về tình hình trường mầm non là “bao nhiêu dự án chúng ta còn bố trí được, trong khi nhà trẻ không bố trí đất được”. Một tình trạng bất bình thường đang xảy ra là những trụ sở của các cơ quan xin chục năm không được, nhưng có dự án xin là có đất ngay.
“Quy hoạch gì mà kỳ lạ vậy? Đây là điều cực kỳ bất hợp lý trong quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch” - ông Quyền nói - “Chúng ta đang ùn tắc giao thông, trong khi đó các trường đại học với hàng nghìn hécta đất ở Hòa Lạc bỏ hoang”.
Nhiều đại biểu đồng tình với chủ trương giữ lại 3,8 triệu ha đất lúa. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, phải giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương về diện tích đất lúa cần phải giữ, nghiêm cấm chuyển đổi. Đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các địa phương giữ đất lúa để nông dân yên tâm làm nông nghiệp.
ĐB Trần Du Lịch đồng tình: “Nếu không làm rõ quy hoạch thì không phê duyệt, bởi chúng ta không công nghiệp hóa bằng mọi giá”.
Theo Tiền phong