Bất cập trong xây dựng trạm BTS

08/09/2011 10:43

Để mở rộng qui mô cũng như đảm bảo chất lượng thu phát sóng phục vụ khách hàng, những năm gần đây, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đẩy mạnh lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay là nhiều trạm BTS được lắp đặt và đi vào hoạt động khi chưa được cấp phép, chưa xin phê duyệt vị trí...

(Baonghean) - Để mở rộng qui mô cũng như đảm bảo chất lượng thu phát sóng phục vụ khách hàng, những năm gần đây, các doanh nghiệp viễn thông không ngừng đẩy mạnh lắp đặt các trạm thu, phát sóng thông tin di động (trạm BTS) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay là nhiều trạm BTS được lắp đặt và đi vào hoạt động khi chưa được cấp phép, chưa xin phê duyệt vị trí...

Nghệ An hiện có khoảng 2.325 trạm BTS được lắp đặt trên địa bàn (tăng 246 trạm so với cuối năm 2010) nhưng số trạm được cấp phép xây dựng chỉ chiếm dưới 50% và phần lớn ở khu vực nội đô. Còn các trạm loại 2 ở khu vực ngoài đô thị vẫn " mọc lên như nấm" nhưng đa số chưa có giấy phép. Quyết định 119 của UBND tỉnh ngày 24/12/2009 của UBND tỉnh đã qui định rõ thẩm quyền cấp phép xây dựng trạm BTS loại 1 thuộc Sở xây dựng, loại 2 thuộc UBND các huyện. Trước đó UBND tỉnh cũng đã có Quyết định 72 qui định khu vực phải xin cấp phép và thẩm quyền cấp phép đối với các trạm BTS loại 2. Tuy nhiên, thực tế hiện nay doanh nghiệp viễn thông vẫn " mạnh ai nấy làm", đua nhau lắp đặt các trạm BTS, phớt lờ thủ tục xin cấp phép xây dựng, phê duyệt vị trí lắp đặt trạm BTS, làm tắt bằng cách ký hợp đồng với phường, xã hoặc thương lượng với các gia đình để thuê đất, dựng cột. Do có nguồn lợi, các phường, xã không báo cáo nên UBND các huyện, thị cũng gần như không nắm được số lượng các trạm BTS lắp đặt không phép trên địa bàn. Điển hình là Viettel hiện có tới 1.500 trạm BTS nhưng chỉ có 2 trạm có giấy phép xây dựng và khoảng 200 trạm xin phê duyệt vị trí qui hoạch. Các đơn vị như Mobifone, Vinaphone,... số trạm BTS được cấp giấy phép khoảng 50%, thậm chí có đơn vị là 80%. Chỉ có riêng Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội (Vietnam mobile) là thực hiện tốt việc xin giấy phép xây dựng với 100% trạm được cấp phép.

Không chỉ vi phạm trong việc xin giấy phép xây dựng, các doanh nghiệp còn cố tình phớt lờ công tác kiểm định công trình BTS. Cuối năm 2010, Sở Thông tin & Truyền thông đã có đợt thanh tra việc tuân thủ các qui định về xây dựng, kiểm định trạm BTS đối với 7 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng mạng thông tin di động trên địa bàn. Vào thời điểm kiểm tra còn có 904 trạm đã kiểm định và đang làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kiểm định, tổng số trạm chưa đo kiểm định là 324 trạm. Về công bố sự phù hợp đối với các công trình BTS, qua kiểm tra 154 trạm chỉ có 58 trạm đã niêm yết giấy chứng nhận kiểm định và bản công bố sự phù hợp. Về giấy phép xây dựng, tổng số vị trí xây dựng cột ăng ten đã có giấy phép là 76 vị trí, chưa có giấy phép là 1325 vị trí. Về xin phê duyệt vị trí lắp đặt có 922 trạm BTS được phê duyệt vị trí, 1256 trạm BTS đã lắp đặt nhưng chưa xin phê duyệt vị trí trong đó tập đoàn viễn thông quân đội- chi nhánh Nghệ An 917 trạm, Trung tâm viễn thông di động điện lực 98 trạm...Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra còn phát hiện thấy một số trạm BTS của một vài doanh nghiệp có chỉ số tiếp đất chống sét cao hơn chỉ số cho phép cụ thể: Trung tâm dịch vụ viễn thông khu vực 1 có 07 trạm; tổng công ty viễn thông quân đội chi nhánh Nghệ An 03 trạm; Trung tâm viễn thông di động điện lực 01 trạm. Ngoài ra Trung tâm Viễn thông di động Điện lực còn có 04 trạm sai lệch về tọa độ.

Ông Lê Đắc Kiên - Giám đốc Viễn thông Nghệ An thừa nhận: "Do chủ trương đẩy mạnh phục vụ nhu cầu khách hàng nên doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm các qui định trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng trạm BTS nhưng các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên xem xét rút gọn thủ tục xin cấp phép xây dựng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp". Ông Chu Tuấn Anh - Phó phòng quản lý nhà (Sở Xây dựng), cho biết: Thực tế, các doanh nghiệp viễn thông đều nắm rõ các quy định khi xây dựng trạm BTS, nhưng do áp lực về tiến độ hoàn thành chỉ tiêu nên các doanh nghiệp cố tình phớt lờ qui định. Bởi vậy, Sở Xây dựng là đơn vị được giao thẩm quyền cấp phép xây dựng trạm BTS loại 1 nhưng từ năm 2008 đến nay cũng mới chỉ cấp phép cho khoảng 200 trạm BTS đã được Sở Thông tin & Truyền thông phê duyệt vị trí.

Mặt khác, ở một số nơi, nhận thức của người dân về ảnh hưởng của sóng điện từ đối với sức khoẻ con người chưa đúng, chưa đầy đủ nên nhiều khi thủ tục, hồ sơ cấp phép đã thông suốt, thì doanh nghiệp lại gặp rào cản là sự ngăn cản, khiếu kiện từ người dân. Một số qui định từ phía cơ quan nhà nước như việc UBND Thành phố Vinh yêu cầu các doanh nghiệp khi xây dựng trạm BTS phải xin ý kiến của những hộ dân liền kề cũng là một trở ngại dẫn đến việc vi phạm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, văn bản qui định về sự công bố phù hợp không qui định cụ thể thời gian bắt buộc phải công bố, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông lách luật... Ông Hoàng Đức Vinh- Phó phòng quản lý Viễn thông (Sở Thông tin- Truyền thông), cho hay: Thực tế cơ quan quản lý có kiểm tra, xử phạt nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở việc nhắc nhở, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ thủ tục và xử lý vi phạm hành chính chứ không thể yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tháo dỡ các trạm BTS đã lắp đặt. Để tháo gỡ những bất cập trong xây dựng trạm BTS, bên cạnh nâng cao tính chủ động, tự giác chấp hành đúng qui định của các doanh nghiệp, các ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn đến công tác quản lý, cấp phép xây dựng, kiểm định chất lượng đối với các công trình, trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn. Sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng di động. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải rà soát lại các qui trình, thủ tục lắp đặt trạm BTS của mình và có sự phối hợp tốt với cơ quan quản lý để nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương.


Khánh Ly