Anh Sơn: Chè được mùa, nông dân không vui

01/09/2011 10:05

(Baonghean) - Trên con đường nối từ Trung tâm UBND xã Long Sơn, huyện Anh Sơn vào đến xóm 12 (Làng Khe), từng bì chè búp tươi vừa mới thu hái được chất thành đống hai bên đường đi để "chờ đợi" tư thương... Người trồng chè công nghiệp Anh Sơn đang đứng trước thực trạng được mùa, nhưng không vui.

Anh Nguyễn Văn Dung người trồng chè ở xóm 12, xã Long Sơn, cho biết: Gia đình anh hiện có 3 ha chè công nghiệp. Năm nay cây chè phát triển thuận lợi, năng suất chè cao hơn năm trước 0,5 tạ/sào. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã thu hái 4 lứa búp, được trên 10 tấn chè búp tươi. Giá chè đầu năm là 30 ngàn đồng/kg (chè loại C), hiện tại khoảng 28 ngàn đồng/kg, năm ngoái giá dao động từ 28-30 ngàn đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, gia đình đầu tư gần 20 triệu đồng mua phân bón, thuê nhân công và xăng chạy máy cắt hái. Nhà máy thu mua với giá hiện nay không tương xứng với công sức và chất lượng chè của gia đình. Cũng trong tâm trạng đó, anh Trần Văn Trí, xóm 12, bộc bạch: "Nhà tôi có trên 0,5 ha chè công nghiệp. Lứa thu hái này ước cũng trên 1,2 tấn chè búp tươi. Cả tuần nay chờ không thấy Nhà máy vô mua nữa. Đợi Nhà máy thì chè sẽ già, không muốn bán cho tư thương vì bị ép giá, nhưng đành chấp nhận bán".


Người dân xã Long Sơn bên sản phẩm chè vừa thu hái "đợi chờ" tư thương.

Xóm phó xóm Làng Khe, ông Võ Văn Hoàng, cho biết: Cả xóm hiện có trên 130 hộ dân, trồng 140 ha chè công nghiệp. Trung bình các hộ thu hoạch khoảng 30-40 tấn chè búp tươi/ngày, trong khi Nhà máy chè đen Anh Sơn chỉ đến thu mua cho bà con được 5-6 tấn/ngày, số lượng còn lại bà con phải bán rẻ cho tư thương và còn trên 40% sản lượng chè toàn xóm bị hỏng do không thu hái kịp.

Được biết, tại nhiều vùng nguyên liệu chè công nghiệp trên địa bàn huyện Anh Sơn như Bãi Phủ, Phúc Sơn... cũng xẩy ra tình trạng như vậy.

Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo Xí nghiệp chè đen Anh Sơn, chúng tôi được biết: Kế hoạch năm nay, Nhà máy sẽ thu mua trên 4.500 tấn chè búp tươi. Đến thời điểm này nhà máy đã thu mua gần 3.000 tấn, công suất chế biến của nhà máy khoảng 40-50 tấn chè búp tươi/ngày, cao hơn năm trước. Nhìn chung, năm nay chè khó tiêu thụ hơn mọi năm nên nhà máy chỉ có thể áp dụng mức giá như hiện nay. Chè được thu mua tùy theo cách hái của bà con và tùy theo lịch thu mua của nhà máy đã sắp xếp trên cơ sở từng vùng. Đa số các hộ hái đồng loạt nên không đúng độ về ngoại hình, hái dài, râu xơ, không cắt tỉa, dẫn đến chè xấu, khó đảm bảo chất lượng. Nhà máy đang cố gắng thu mua hết cho bà con.

Theo ông Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn thì toàn huyện hiện có trên 1.700 ha chè công nghiệp phục vụ kinh doanh trên địa bàn. Năm nay, thời tiết thuận, chè phát triển nhanh, tốt, nên chắc chắn sẽ phải thu hái khẩn trương, nhiều lần, thu hái chậm sẽ kéo dài lứa chè dẫn đến chất lượng giảm.

Bài toán rất cần phải bàn là làm thế nào để hài hòa giữa lợi ích nhà máy và lợi ích bà con nông dân vùng nguyên liệu. Thiết nghĩ về phía Nhà máy chè đen Anh Sơn bên cạnh đổi mới thiết bị công nghệ nâng công suất, còn phải dựa trên điều kiện tình hình cụ thể từng vùng, tăng cường nắm bắt những khó khăn để có giải pháp xử lý giúp bà con, để người trồng chè yên tâm sản xuất.


Lương Mai